Đã có nhiều câu hỏi đặt ra vì sao HLV Philippe Troussier không trọng dụng những cầu thủ hội đủ năng lực, dày dạn kinh nghiệm như Hoàng Đức, Hùng Dũng ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026. HLV Trần Công Minh đã đưa ra những lý giải qua góc nhìn của mình.
HLV Trần Công Minh nhìn nhận mỗi nhà cầm quân đều có những chọn lựa của riêng mình với những tính toán cụ thể: “Hoàng Đức là cầu thủ giỏi, điều đó không bàn cãi nhưng chuyện dùng ai, đá với chiến thuật nào ở mỗi trận đấu đều do HLV tính toán, lên phương án và đưa ra quyết định. Có thể Hoàng Đức chưa được vào sân nhưng chúng ta tôn trọng công việc và quyết định của HLV Troussier. Mỗi HLV có một quan điểm, triết lý sử dụng con người riêng, chúng ta nên tôn trọng quan điểm của ông ấy
Ở đây, phải hiểu rằng Hoàng Đức chưa được sử dụng lúc này nhưng sẽ được dùng vào khi khác. Có thể, lúc này, nhà cầm quân người Pháp có góc nhìn khác, lựa chọn khác nằm trong các phương án chơi của đội tuyển Việt Nam và Hoàng Đức chưa đáp ứng theo yêu cầu đó. Còn sau đây, ở những trận đấu tiếp theo, có thể Hoàng Đức sẽ được tin dùng và đóng góp cho đội tuyển Việt Nam.
Điều này cũng phù hợp nếu nhìn vào những giải thích của chính HLV Troussier sau trận đấu rằng: “gặp đội hàng đầu châu Á như Iraq ở trận hôm nay, chỉ dựa vào cá nhân là chưa đủ. Muốn giành kết quả cao ở giải châu lục, đội tuyển Việt Nam cần tổ chức tốt hơn, đặc biệt là tổ chức phòng ngự không bóng. Hoàng Đức chưa đáp ứng được yêu cầu chiến thuật đề ra như thế. Có thể năm nay Hoàng Đức sẽ giành danh hiệu QBV nhưng ở đội tuyển Việt Nam, Hoàng Đức phải đóng góp nhiều hơn cho lối chơi tập thể. Hoàng Đức hiểu là tôi chỉ muốn thúc đẩy cậu ấy”.
HLV Trần Công Minh cho rằng Hoàng Đức phải thật sự bình tĩnh, đồng thời lấy đó làm động lực để ngày càng hoàn thiện bản thân: “Hoàng Đức là cầu thủ có năng lực, đẳng cấp không phải bàn, đóng góp nhiều cho đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park. Tuy nhiên, có thể thời điểm nà, có thể HLV Troussier cùng ban huấn luyện nhìn nhận Hoàng Đức không có phong độ tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu lối chơi nên còn “cất” tiền vệ này trên băng ghế dự bị. Như đã nói, ông Troussier luôn đề ra những tiêu chí cao cho cầu thủ để hòa nhập, kết nối, nhuần nhuyễn trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam. Chính vì thế, qua phát biểu rằng ông ấy muốn thúc đẩy học trò của mình thì Hoàng Đức phải lấy đó để làm động lực cho mình trong thời gian sắp đến.
Ví dụ Hoàng Đức có thể cầm bóng và đi bóng tốt, tung ra những đường chuyền sắc lẹm cho các tiền đạo nhưng lại yếu ở khả năng hỗ trợ phòng ngự. Trong khi đó, lối chơi áp đặt tấn công hiện nay của đội tuyển Việt Nam sợ nhất ở chỗ đối thủ phản công. Chính vì thế, ông Troussier cần mẫu tiền vệ tranh chấp, không ngại va chạm và đánh chặn tốt ở những tình huống như thế. Chính điều này, sẽ kích thích Hoàng Đức ngày càng tu bổ, hoàn thiện hơn nữa những kỹ năng của mình để đáp ứng yêu cầu chiến thuật của đội tuyển Việt Nam.
Từ câu chuyện của Hoàng Đức, cá nhân tôi đánh giá cao ông Troussier ở chỗ đó là đề cao vai trò tập thể. Điều làm nên chiến thắng cho ĐTQG nằm ở cả tập thể, tinh thần đồng đội, khả năng kết nối giữa các vị trí trên sân. Một cá nhân không thể giải quyết mọi vấn đề, nhất là ở đẳng cấp châu Á như ông Troussier đã nói.
Khi đã khoác lên mình màu áo ĐTQG hãy tập trung cố gắng vì màu cờ sắc áo. Không chỉ riêng Hoàng Đức mà mọi cầu thủ khác đều phải vậy. Quan điểm và triết lý dùng người rất nguyên tắc của HLV Troussier có thể giúp Hoàng Đức trở thành cầu thủ toàn diện hơn. Không ai chắc suất đá chính ở đội tuyển Việt Nam. Mọi cầu thủ cần phải hiểu như vậy để nỗ lực phấn đấu”.
“Tựu trung lại, đội tuyển Việt Nam mới chỉ đi 1/3 chặng đường ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. HLV Troussier vẫn dành chỗ cho Hoàng Đức, cũng như cơ hội được khoác áo ĐTQG vẫn luôn rộng mở cho tất cả các cầu thủ”, HLV Trần Công Minh khép lại câu chuyện với nhìn nhận như thế.
Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/hlv-tran-cong-minh-dung-lo-ong-troussier-van-danh-cho-cho-hoang-duc-2023112323252189.htm
Trước Hoàng Đức, HLV Troussier từng phũ phàng loại siêu sao số 1 Nhật Bản khỏi ĐTQG
Dưới trướng HLV Troussier, không có khái niệm cầu thủ công thần hay vị trí bất khả xâm phạm. Và điều này không phải đến khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam mới được ông áp dụng.
CHUYỆN NHƯ HOÀNG ĐỨC KHÔNG PHẢI LẦN ĐẦU
“Tôi không phải HLV lựa chọn cầu thủ dựa theo tên tuổi và thành tích trong quá khứ. Điều quan trọng là năng lực và khả năng đóng góp cho đội tuyển tùy theo hoàn cảnh, đối thủ và đấu pháp đề ra.
Ví dụ như nhiệm vụ của tiền đạo không chỉ là ghi bàn mà còn phải đóng góp vào lối chơi chung của cả đội. Hay có người sẽ được đá chính, có người vào sân từ băng ghế dự bị, thậm chí có người không được vào sân. Tuy nhiên điều quan trọng là cả đội đều phải sẵn sàng để thể hiện mình khi được HLV yêu cầu”.
Đó là thông điệp đầy cứng rắn mà HLV Troussier thể hiện trước thềm trận đấu với Iraq, trong hoàn cảnh ông được truyền thông đặt câu hỏi về việc không sử dụng Hoàng Đức trong trận thắng Philippines 2-0.
Và tới trận đấu vào tối 21/11 trên sân Mỹ Đình, tiền vệ đang là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2023 tiếp tục phải ngồi dự bị, không được vào sân một phút nào.
Hoàng Đức tưởng như là một trong những cái tên không thể thay thế ở đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên HLV Troussier không nghĩ vậy. (Ảnh: TX)
Sau trận, HLV Troussier lý giải: “Tôi đánh giá Hoàng Đức chưa đáp ứng được điều kiện. Tôi muốn cậu ấy nỗ lực hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho tập thể. Ở đợt tập trung vừa qua, tôi muốn thúc đẩy cậu ấy và cậu ấy cần hiểu mong muốn của tôi”.
Nên nhớ trong suốt nhiều tháng vừa qua, Hoàng Đức luôn là lựa chọn ưa thích của HLV Troussier. Anh ra sân trong cả 6 trận giao hữu, có lúc còn được ông Troussier thử nghiệm xếp đá tiền đạo. Nhưng rồi khi bước vào các trận đấu chính thức tại vòng loại World Cup 2026, tiền vệ này bỗng lại trở thành người ngoài cuộc.
Tuy nhiên, câu chuyện của Hoàng Đức không phải trường hợp đầu tiên với HLV Troussier. Cách đây 22 năm, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại đội tuyển Nhật Bản. Và trùng hợp thay, mọi thứ cũng xảy đến với một cầu thủ thi đấu ở vị trí tiền vệ công. Đó là Shunsuke Nakamura.
Nakamura là một trong những huyền thoại của bóng đá Nhật Bản.
ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI NAKAMURA?
Nakamura ra mắt tuyển Nhật Bản vào ngày 13 tháng 2 năm 2000. Cầu thủ 22 tuổi sau đó nhanh chóng khẳng định được vị trí và đóng vai trò quan trọng giúp đội nhà vô địch Asian Cup 2000.
Sau giải đấu này, vị thế của Nakamura được củng cố một cách vững chắc. Anh cũng được HLV Troussier tin tưởng sử dụng liên tục trong thời gian tiếp theo.
Thế nhưng bước ngoặt đã xảy đến vào ngày 25/3/2001. Tuyển Nhật Bản để thua đậm 0-5 trước Pháp, và trong suốt 1 năm sau, Nakamura không còn được HLV Troussier ngó ngàng tới.
Nakamura bỗng nhiên biến mất khỏi đội tuyển Nhật Bản, dù trước đó anh từng được HLV Troussier tin tưởng trong thời gian dài.
Dư luận Nhật Bản khi ấy nhận định Nakamura dù tài năng nhưng không thể chen chân được vào hệ thống có tư tưởng nặng về phòng ngự của ông Troussier. Thể lực của cầu thủ này là một vấn đề, đồng thời HLV Troussier cũng có nhiều lựa chọn khác ở vị trí tiền vệ công và tiền vệ cánh trái.
Phải đến tháng 3/2002, Nakamura mới có cơ hội trở lại tuyển Nhật Bản trong trận giao hữu với Ukraine. Tiền vệ này sau đó tiếp tục có cơ hội ra sân trong 3 trận giao hữu khác trước thềm World Cup 2002, thậm chí còn lập cú đúp vào lưới Honduras.
Thế nhưng Nakamura không may dính chấn thương ở trận đấu này, sau đó vắng mặt ở trận giao hữu cuối cùng trước thềm World Cup (Nhật Bản thua Na Uy 0-3). Và cuối cùng, anh đã không có tên trong danh sách 23 cầu thủ được HLV Troussier lựa chọn.
“Tôi đã chọn đội hình gồm những cầu thủ mà tôi nghĩ là được trang bị tốt nhất cho sứ mệnh World Cup của bóng đá Nhật Bản. Không có lý do gì để ngạc nhiên về bất kỳ sự lựa chọn nào. Đội hình này là kết quả của quá trình kéo dài 4 năm và tôi hoàn toàn tin tưởng vào họ”, HLV Troussier tuyên bố.
HLV Troussier có cái lý của riêng mình. (Ảnh: Việt Linh)
Và trên thực tế, với những nhân tố được lựa chọn, tuyển Nhật Bản của HLV Troussier đã xuất sắc dẫn đầu bảng đấu với 7 điểm (thắng 2, hòa 1), qua đó lần đầu tiên vượt qua vòng bảng một kỳ World Cup.
Sau khi Nhật Bản phải dừng bước ở vòng 1/8 (thua Thổ Nhĩ Kỳ 0-1), HLV Troussier quyết định rời đi. Người được lựa chọn lên thay thế là HLV người Brazil, Zico.
Dưới thời ông Zico, Nakamura ngay lập trước được trở lại ĐTQG và vào sân ở trận đấu ra mắt tuyển Nhật Bản của vị chiến lược gia này. “Không còn nghi ngờ gì nữa, Nakamura là linh hồn ở hàng tiền vệ tuyển Nhật Bản”, HLV Zico nhận xét.
Đáp lại sự kỳ vọng trên, Nakamura đã giúp tuyển Nhật Bản lên ngôi tại Asian Cup 2004, giải đấu mà anh được nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất. Anh cũng là trụ cột trong hành trình giành vé dự World Cup 2006, đồng thời ghi dấu ấn tại Confederations Cup 2003 và 2005 với 4 bàn thắng sau 5 trận.
Sau World Cup 2010, Nakamura quyết định từ giã đội tuyển Nhật Bản. Tổng cộng, anh đã ra sân 98 lần, đóng góp 24 bàn thắng cho ĐTQG.
Nakamura chia tay đội tuyển Nhật Bản vào năm 2010 ở tuổi 32. Tuy nhiên anh còn tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp thêm 12 năm và phải tới khi 44 tuổi mới quyết định giải nghệ.
Không dễ để đánh giá việc không sử dụng Nakamura của HLV Troussier là đúng hay sai, bởi đội tuyển Nhật Bản dưới thời của ông cũng đã có được thành tích vô cùng ấn tượng.
Trong khi đó, bản thân Nakamura sau đó cũng thể hiện được những phẩm chất của mình dưới thời HLV mới.
Rõ ràng, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh, bởi mỗi chiến lược gia lại có góc nhìn và cách làm việc khác nhau. Nakamura có thể thành công khi làm việc cùng HLV Zico, tuy nhiên không chắc chuyện tương tự cũng xảy ra nếu anh được HLV Troussier trao cơ hội ở World Cup.
Và có vẻ như, câu chuyện của Hoàng Đức cũng phần nào có những điểm tương đồng!
Nguồn: https://soha.vn/khong-chi-hoang-duc-hlv-troussier-tung-phu-phang-loai-sieu-sao-khoi-tuyen-nhat-ban-nhu-the-nao-20231123104028676.htm