Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết huấn luyện viên Nguyễn Thuỳ Dương của đội tuyển TDDC quốc gia thừa nhận có thu tiền của vận động viên trái quy định.
Ông Đặng Hà Việt – Cục trưởng Cục TDTT cho biết đã làm việc với HLV Nguyễn Thùy Dương của đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam trước thông tin học trò Phạm Như Phương tố cáo cô cắt xén tiền thưởng. HLV Thùy Dương là người quản lý trực tiếp của Phạm Như Phương ở đơn vị Hà Nội (đóng quân tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội).
Theo đó, Cục trưởng Cục TDTT khẳng định việc cắt xén tiền thưởng không xảy ra ở đội tuyển quốc gia và Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Đây là việc riêng của vận động viên và HLV Thùy Dương ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội.
“HLV Thùy Dương xác nhận có thu tiền. Ở góc độ quản lý của chúng tôi, nếu xảy ra việc thu tiền để chia cho ban huấn luyện đội tuyển quốc gia và trung tâm thì chúng tôi phải xử lý.
Nhưng khi lên trao đổi làm việc, HLV Thùy Dương xác nhận là việc cá nhân, không có chủ trương của ban huấn luyện. Ban huấn luyện không thu tiền đó và cũng không thu các VĐV ở đơn vị ngoài Hà Nội. Không ai phải nộp tiền cho ban huấn luyện.
Không có chuyện chi tiền cho ban huấn luyện đội tuyển quốc gia hay phòng ban nào ở trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Vì vậy, ban huấn luyện xác nhận 2 sai phạm với HLV Thùy Dương.
Thứ nhất là việc HLV không báo cáo VĐV xin nghỉ và thứ hai là việc thu tiền. Đề xuất của ban huấn luyện và Phòng thể thao thành tích cao 1 là cho thôi nhiệm vụ đội tuyển quốc gia của HLV Hà Thanh và Thùy Dương. Cục sẽ phối hợp với đơn vị Hà Nội để xử lý các việc tiếp theo. Việc chia chác không liên quan đến Cục Thể dục Thể thao“, ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
VĐV Phạm Như Phương của đội tuyển TDDC Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề về tiền thưởng, chia sẻ với truyền thông, Phạm Như Phương không hài lòng về việc bị gạch tên khỏi đội tuyển quốc gia. Cô cho biết có gửi đơn cam kết, thông báo đến hai huấn luyện phụ trách trực tiếp của mình về chuyến đi Mỹ và được đồng ý nên mới đi.
Tuy nhiên, khi trở về nước, cô nhận thông tin bị gạch tên khỏi danh sách tập trung đội tuyển quốc gia năm 2024 bởi hai huấn luyện viên quên gửi bản cam kết. Cô thất vọng với án phạt này nên tuyên bố giải nghệ ở tuổi 20.
Cục trưởng Cục TDTT cũng nói rõ về vấn đề này. Cụ thể, vận động viên tự ý nghỉ khi chưa có quyết định của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1 dù có báo cáo huấn luyện viên hay không.
“Tôi chỉ đạo cho Phòng thể thao thành tích cao 1, Bộ môn thể dục và Liên đoàn thể dục Việt Nam xuống làm việc với Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để làm rõ một số nội dung.
Trong đó là việc vận động viên không tập huấn đội tuyển chứ không phải bị gạch tên. Đội tuyển quốc gia có 2 giai đoạn tập trung. Lần 1 là tháng 12/2023. Khi đó, ban huấn luyện (BHL) và trung tâm điểm danh việc tập luyện của VĐV thì Như Phương không có mặt ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1. HLV ở đội tuyển cũng là HLV trực tiếp ở đơn vị Hà Nội là Nguyễn Hà Thanh và Nguyễn Thùy Dương không báo việc VĐV này đi đâu.
Dù có báo đi nữa thì chúng tôi không thể cho đi được. VĐV không thể nghỉ phép khi toàn bộ đội tuyển tập trung cho mục tiêu liên thông từ ASIAD đến Olympic. VĐV của đội tuyển phải nâng cao trình độ rất nhiều, đặc biệt là độ khó nên quá trình tập là liên tục, không được nghỉ ngơi.
Cái sai ở đây là VĐV nói miệng xin nghỉ, gia đình VĐV viết cam kết nhưng 2 HLV không báo cáo. Chúng tôi đang siết chặt công tác quản lý nên khi xảy ra sự việc, ngày 21/12, tôi cho đoàn kiểm tra xuống trung tâm và cho VĐV này ra khỏi đội tuyển“.
Về việc vận động Phạm Như Phương không có tên trong danh sách tập trung của đội tuyển năm 2024, ông Đặng Hà Việt cho biết đơn vị Hà Nội không cử VĐV chứ không có chuyện đội tuyển gạch tên.
“Ở lần tập trung trong năm 2024, đội tuyển quốc gia tập luyện phục vụ mục tiêu cho Olympic và hướng tới SEA Games, ASIAD. Ban huấn luyện báo cáo thời điểm đó Phương không có mặt ở Việt Nam. Thứ hai là bạn này nghỉ tập hơn 20 ngày rồi nên phong độ chưa chắc đảm bảo, còn các VĐV khác đang tập trung nỗ lực để lấy suất Olympic.
Vì vậy mà giờ đưa 1 VĐV nghỉ thời gian dài vào tập luyện thì bạn ấy phải tập theo chế độ riêng. Điều đó có thể ảnh hưởng đến VĐV khác nên đơn vị Hà Nội không đề xuất VĐV lên đội tuyển“.
Ông Đặng Hà Việt khẳng định đội tuyển luôn sẵn sàng đón nhận vận động viên nếu họ có thành tích tốt, tác phong, đạo đức tốt. VĐV mất nhiều năm để tập luyện, đạt thành tích như vậy nên để thay thế không phải dễ. Còn Cục TDTT chưa kỷ luật hay cho thôi tập trung với VĐV trong năm 2024.
Cục trưởng Cục TDTT cho biết Phòng thể thao thành tích cao 1 đang làm văn bản báo sự việc lên Bộ VHTT&DL.
Bình luận Facebook