Trả lời báo Nhật Bản, HLV Troussier đã có những chia sẻ thẳng thắn về áp lực phải chịu khi cầm quân tại đội tuyển Việt Nam và chưa có được kết quả tốt.
Cụ thể, trong cuộc trò chuyện với tờ Bunshun (Nhật Bản), HLV Troussier cho rằng việc có nhiều ngôi sao cá tính khiến HLV Moriyasu không dễ phát huy được sức mạnh tập thể của đội tuyển Nhật Bản. Ông nói:
“Không có nhiều HLV ngày nay thực sự xây dựng được phong cách tập thể cho đội bóng. Pep Guardiola là một trong số ít người làm được điều đó. De Zerbi của Brighton cũng vậy. Vài người khác như Inzaghi của Inter, Postecoglou của Tottenham hay Erik ten Hag của Manchester United cũng có có phong cách tương tự
Một số khác thì đề cao khía cạnh tâm lý hơn trong việc huấn luyện. Klopp của Liverpool, giống như Moriyasu, là kiểu HLV đề cao khía cạnh cá nhân hơn so với tập thể”.
HLV Troussier có những nhận xét thắng thắn về HLV Moriyasu và tuyển Nhật Bản.
Từ câu chuyện này, HLV Troussier dẫn dắt tới góc nhìn về tuyển Việt Nam: “Ngay cả ở Việt Nam, vấn đề về lối chơi tập thể cũng chưa được nhìn nhận thấu đáo.
Ở Việt Nam, người ta tin rằng khác biệt có thể được tạo ra thông qua những nỗ lực cá nhân. Khi đội bóng thua trận, mọi người lập tức chỉ trích vì sao cá nhân này chơi tệ, cá nhân kia thi đấu chưa hay?”.
Ông Troussier nói tiếp: “Đương nhiên, truyền thông và người hâm mộ không phải một phần của đội bóng nên phản ứng của họ là điều không quá khó hiểu. Trong và ngoài đội bóng là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Bởi vậy, rất khó cho truyền thông hiểu về tính tập thể và kỷ luật của đội bóng.
Sự thật là rất khó để giới truyền thông chịu nhìn nhận đội tuyển trên khía cạnh tập thể. Những gì dư luận muốn luôn là các màn tỏa sáng cá nhân, là cầu thủ đứng trên tập thể. Đây là sự khác biệt lớn về góc nhìn. Cộng thêm ảnh hưởng ngày càng lớn từ mạng xã hội, công việc của các HLV đang trở nên khó khăn hơn”.
Nói thêm về trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản, HLV Troussier cho rằng các cầu thủ Nhật Bản đã ra sân mà thiếu đi động lực cần thiết.
“Nếu đối thủ thực sự khó chịu, tuyển Nhật sẽ giàu động lực hơn, khi ấy sự cạnh tranh mới xuất hiện. Những cầu thủ tốt nhất đội sẵn sàng chơi bóng thì cả tập thể mới cống hiến 100% khả năng
Những đội tuyển như Nhật Bản hay Hàn Quốc luôn cần thứ động lực kiểu ấy. Khi Nhật đấu Việt Nam hay Hàn Quốc đấu Jordan, họ không có nhiều động lực đâu. Khát vọng của họ chỉ trỗi dậy trước các đối thủ khó khăn hơn, khi kết quả trận đấu là điều họ không làm chủ được”, HLV Troussier nhận xét.
Ông nói thêm: “Khi chạm trán đối thủ được coi là yếu hơn, những đội tuyển lớn rất khó thua trận. Đó là lý do chúng ta cần phương pháp của HLV, cần tạo được động lực cho cầu thủ trong những trận cầu như vậy”.