Cây bạch đầu ông là vị thuốc cổ truyền có tính mát và chữa được nhiều bệnh. Trong y học hiện đại, bạch đầu ông cũng có nhiều tác dụng, nổi bật trong đó là giảm đau và chống viêm cấp tính.
1. Sơ lược cây bạch đầu ông
Cây bạch đầu ông có rất nhiều tên gọi như bạch đầu thảo, phấn nhũ thảo, hồ vương sứ giả,…
Đặc điểm tự nhiên
Bạch đầu ông là thực vật thân thảo với chiều cao khoảng 20 – 80cm. Thân cây nhỏ, màu xanh lục, có lông tơ mịn bao phủ xung quanh. Rễ cây dài, hình trụ, màu nâu đất, cũng được phủ một lớp lông tơ màu trắng bên ngoài giống như thân.
Lá cây bạch đầu ông có thể là hình quả trám hoặc hình mũi, hình dải. Lá mọc so le với hình dáng và kích thước đa dạng, nhưng nhìn chung là thuôn ở phần gốc và nhọn ở phần đầu, mép có răng cưa không đều.
Hoa bạch đầu ông màu tím trắng, mọc thành cụm. Quả hình quả trứng ngược, có lớp lông nhung dày bên ngoài, màu vàng nâu. Thời điểm cây ra hoa là khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, đến tháng 6 thì cây ra quả.
Cây bạch đầu ông là dược liệu rất quen thuộc với người Việt
Phân bố sinh thái
Trên thế giới, cây bạch đầu ông được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Myanma, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia,… hay vùng Đông Phi và châu Úc. Còn tại Việt Nam, cây thường mọc ở vùng núi cao 1500m, bãi đất ẩm, bãi đất hoang, nương rẫy hoặc ven đường.
Bộ phận sử dụng
Rễ, thân, hoa và quả của cây bạch đầu ông được sử dụng để chữa bệnh. Thời điểm thu hoạch cây có thể là quanh năm nhưng lý tưởng nhất vẫn là mùa hè, khi cây đã ra hoa và kết quả. Sau khi thu hoạch thì các bộ phận của cây sẽ được rửa sạch để loại bỏ tạp chất, sau đó cắt tỉa bớt những phần rễ con. Có thể dùng cây dược liệu tươi hoặc phơi khô, sấy khô rồi bảo quản và dùng dần.
Thành phần hóa học
Các thành phần hoạt chất trong cây bạch đầu ông có tác dụng chữa bệnh bao gồm β-amyrin acetat, Lupeol acetate, β-amyrin, Lupeol, β-sitosterol, stigmasterol và KCl.
2. Tác dụng chữa bệnh của cây bạch đầu ông trong Đông y
Trong y học cổ truyền, cây bạch đầu ông có tính mát, vị đắng hơi ngọt, có tác dụng khu phong tán nhiệt, lương huyết giải độc, trấn tĩnh an thần. Chính vì vậy, dược liệu này thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị vết rắn cắn, đau bụng, đau trĩ, tiêu chảy, sốt ho, cảm mạo, suy nhược thần kinh, mụn nhọt, hắc lào,…
Trong Đông y, bạch đầu ông có tác dụng chữa đau bụng, suy nhược thần kinh
3. Tác dụng chữa bệnh của cây bạch đầu ông trong y học hiện đại
Ngoài những tác dụng nổi bật trong Đông y, cây bạch đầu ông còn được tin dùng trong y học hiện đại.
Giảm đau, chống viêm
Đây chính là một trong những tác dụng nổi bật của cây bạch đầu ông. Theo đó, khi thử nghiệm trên chuột nhắt trắng thì loài cây này có tác dụng làm giảm tần suất cũng như mức độ đau. Ngoài ra, các hoạt chất carrageenan, histamin và serotonin có trong cây có tác dụng chống viêm và chữa lành vết thương hiệu quả.
Lợi tiểu
Tác dụng này của bạch đầu ông được thể hiện trong thử nghiệm với chuột cống trắng. Cụ thể, những hoạt chất như tanin, đường, flavonoid, glucoside trong cao khô bạch đầu ông có tác dụng lợi tiểu.
Hỗ trợ tiêu hóa
Lá và hoa của cây bạch đầu ông có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm các triệu chứng đau do viêm dạ dày hoặc tiêu chảy do rối loạn đường ruột. Chính vì vậy mà các quốc gia ở Đông Phi thường sử dụng loài cây này như là giải pháp để lợi tiêu hóa.
Cây bạch đầu ông hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm triệu chứng đau dạ dày hiệu quả
Những tác dụng khác
Tùy vào từng vùng lãnh thổ và quốc gia mà cây bạch đầu ông có những cách dùng và công dụng khác nhau. Chẳng hạn, ở Indonesia, người ta thường nấu chín cây và ăn như rau để điều trị sốt, ho, sổ mũi; đau dạ dày, kiết lỵ, tiêu chảy; suy nhược thần kinh; mụn nhọt, hắc lào, chàm, vết rắn cắn,… Còn ở Trung Quốc, loài cây này chuyên dùng để điều trị mất ngủ, bạch đới, sốt rét hay chứng khóc đêm ở trẻ em.
4. Hướng dẫn sử dụng cây bạch đầu ông để chữa bệnh
Để đảm bảo an toàn cũng như phát huy tối đa công dụng của cây bạch đầu ông thì khi sử dụng bạn cần lưu ý:
Luôn sơ chế cây cẩn thận sau khi thu hoạch về để đảm bảo loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, tạp chất dính trên cây. Điều này là rất quan trọng khi sử dụng cây dược liệu tươi. Còn với dược liệu khô thì cần bảo quản đúng cách để không bị nấm mốc và biến chất.
Liều dùng là từ 15 – 30g dược liệu khô/ ngày. Có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác tùy vào mục đích chữa bệnh.
Nếu dùng dược liệu tươi thì nên thận trọng để tránh bị kích ứng, kể cả khi sắc uống hoặc dùng để bôi, đắp ngoài da.
Kiên trì sử dụng cây bạch đầu ông để mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì tác dụng chữa bệnh của dược liệu sẽ không nhanh bằng các loại thuốc Tây y.
Người bị tiêu chảy hay kiết lỵ do hư hàn thì không được sử dụng cây bạch đầu ông để chữa bệnh.
Phụ nữ mang thai, trẻ em hay người mẫn cảm với thành phần hóa học của cây cũng cần tránh dùng cây để không gặp những rủi ro, biến chứng không mong muốn.
Luôn trao đổi với bác sĩ, thầy thuốc trước khi dùng. Và trong khi dùng, nếu cơ thể có bất thường thì cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ.
Tránh sử dụng cây bạch đầu ông cho phụ nữ mang thai
Trên đây là những tác dụng nổi bật của cây bạch đầu ông trong Đông y và trong y học cổ truyền. Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để có thể sử dụng cho đúng, an toàn và hiệu quả.
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh