Cây chỉ thiên còn có tên gọi khác là thổi lửa, cỏ lưỡi mèo, cỏ lưỡi chó, co tát nai (dân tộc Thái), nhả đản (dân tộc Tày).
Là cây cỏ mọc hoang, sống dai, thân cao chừng 20 – 50cm, nhiều cành, cả cây có lông. Lá gốc mọc thành hình hoa thị, sát đất. Phiến lá dài chừng 6 – 12cm, rộng 3 – 5cm, hình thìa, có lông trắng ở cả hai mặt, mép có răng cưa lượn sóng, phía dưới hẹp lại thành cuống rộng ôm vào thân. Lá ở thân nhỏ và hẹp hơn lá ở gốc. Hoa màu tím, mọc thành xim, có đầu giả. Quả hình thoi, có 10 cạnh lồi. Mùa hoa quả: tháng 1 – 8. Có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Theo y học cổ truyền, cây chỉ thiên có vị đắng, tính mát; vào 3 kinh phế, tỳ và can. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, khoan trung hạ khí, lợi tiểu, tiêu thũng. Thường dùng chữa cảm sốt, ho, họng sưng đau, đau mắt đỏ, tiêu chảy, vàng da, mụn nhọt…
Cách dùng: Sắc lấy nước hoặc giã vắt lấy nước cốt uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc nấu nước xông rửa.
Một số đơn thuốc thường dùng:
Chữa mụn nhọt: Lá chỉ thiên tươi rửa sạch, thêm ít muối, giã nát ít muối đắp vào chỗ đau.
Chữa họng sưng đau do viêm họng, viêm amiđan: Chỉ thiên 10g khô, hãm với 300ml nước sôi trong khoảng 30 phút, chia uống nhiều lần trong ngày. Hoặc lá chỉ thiên tươi rửa sạch nhai ngậm với một ít muối, có tác dụng giảm đau họng rất tốt.
Chữa viêm loét miệng lưỡi:
Chỉ thiên 30g khô sắc uống mỗi ngày một thang. Uống 3-5 ngày.
Chú ý: Người cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai cần thận trọng khi sử dụng. Không dùng đối với bệnh thuộc chứng hàn.
Bài thuốc dùng cây chỉ thiên trị viêm xoang
Bài thuốc dưới đây là dùng cây chỉ thiên trị viêm xoang, ngoài ra còn có tác dụng trị chứng ho, viêm hô hấp, viêm họng và viêm mũi. Cụ thể như sau:
Nguyên liệu chuẩn bị: 10g chỉ thiên khô, 10g lá bướm bạc và 2g hạt núc nác.
Cách thực hiện: Đưa tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị rửa bằng nước sạch rồi để ráo nước. Sau đó, cho hỗn hợp trên sắc với 1 lít nước, đun trong 15 phút, khi hỗn hợp sắc thuốc còn ⅔ phần nước thì tắt bếp. Cuối cùng để nguội và dùng trong ngày.
Đối với bài thuốc độc vị là cây chỉ thiên thì mỗi ngày dùng khoảng 15 – 20g chỉ thiên khô, đưa đi rửa nhiều lần với nước sạch. Tiếp đó đưa phần chỉ thiên khô đã rửa sạch sắc với 800ml nước, đun trong 15 phút rồi tắt bếp và để nguội. Khi dùng chia đều thành 3 lần uống trong ngày.
Một số lưu ý khi dùng cây chỉ thiên trị viêm xoang
Đối những người bị viêm xoang, khi dùng cây chỉ thiên trị viêm xoang thì cần hỏi ý kiến của thầy thuốc và cần lưu ý một số điều sau:
Trước khi dùng cây chỉ thiên để điều trị, bệnh nhân cần phải đi khám và chẩn đoán nặng hay nhẹ thông qua y học hiện đại.
Những trường hợp nên cẩn trọng khi dùng cây chỉ thiên trị viêm xoang bao gồm: Người có sức khoẻ yếu, đang trị bệnh với thuốc Tây y, người nhẹ cân, cơ thể yếu, người mang thai hoặc cho con bú, người có bệnh huyết áp hoặc rối loạn tiêu hoá, người có bệnh thuộc chứng hàn.
Cây chỉ thiên là bài thuốc dân gian nên thường có công dụng chậm, chúng chỉ được dùng điều trị đối với những bệnh nhẹ. Đối với những trường hợp viêm xoang nặng, có triệu chứng nặng thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị.
Nếu như người bệnh dùng cây chỉ thiên không đúng cách hoặc không hiểu về cây một cách đầy đủ thì có thể sẽ gây tác động không tốt đến sức khoẻ. Vì vậy, khi cây chỉ thiên được kết hợp và dùng đúng cách thì chúng mới có tác dụng như một cách để hỗ trợ điều trị bệnh.
Chỉ nên dùng cây chỉ thiên làm thuốc nhằm giảm đi những dấu hiệu của bệnh thường như cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang, ho…
Có thể dùng cây chỉ thiên để điều trị viêm xoang theo dạng tươi, khô, sắc uống hoặc pha trà, ngoài ra chúng còn được tán bột để dùng dưới dạng viên.
Không nên lạm dụng quá hoặc sử dụng một cách bừa bãi cây chỉ thiên, nên dùng với lượng vừa phải, thời gian dùng phù hợp, tuân thủ chỉ định của thầy thuốc và quan trọng là dùng đúng với loại bệnh.
Đối với những bệnh nhân tiến triển thành cấp tính, cần được cấp cứu thì tuyệt đối không được dùng cây chỉ thiên để điều trị.
Nếu sử dụng cây chỉ thiên trong một thời gian dài mà không thấy hiệu quả thì nên dừng lại.
Ngoài ra cần lưu ý phân biệt cây chỉ thiên với cây bồ công anh Trung Quốc vì có đặc điểm gần giống nhau để tránh nhầm lẫn: Lá bồ công anh Trung Quốc cũng mọc sát đất, hình hoa thị nhưng có hoa màu vàng, quả xếp hình cầu, có lông màu trắng; còn hoa cây chỉ thiên có màu tím nhạt.
Nếu phát hiện cơ thể xảy ra bất thường trong quá trình sử dụng thì lập tức ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ để điều trị kịp thời.