Cây thồm lồm – loại cây mọc hoang nhưng có nhiều công dụng chữa bệnh

Cây thồm lồm – loại cây mọc hoang nhưng có nhiều công dụng chữa bệnh

Thồm lồm là cây thuốc mọc hoang, có thể tìm thấy rất nhiều ở vùng nông thôn, miền quê Việt Nam. Nhưng bạn có biết tác dụng chữa bệnh của loài cây này là như thế nào không? Nếu chưa biết, đừng bỏ qua những chia sẻ trong bài viết bên dưới.

1. Sơ lược cây thồm lồm

Cây thồm lồm còn được gọi là cây đuôi tôm – một loại cây thuốc quen thuộc cả trong Đông y lẫn trong đời sống hàng ngày.

Đặc điểm tự nhiên

Thồm lồm thuộc cây bụi hoặc cây thân thảo, có thể mọc đứng hoặc bò, leo với chiều dài khoảng 2 – 3m. Cây sống dai với các đặc điểm như thân tròn, nhẵn, có rãnh dọc, phân thành nhiều nhánh. Lá cây mọc so le, hình bầu dục hoặc hình trứng, cuống lá ngắn và bầu, ngọn lá hẹp và nhọn, cả 2 mặt trên dưới của lá đều nhẵn.

Hoa cây thồm lồm mọc thành cụm ở đầu ngọn, màu trắng hoặc hồng nhạt. Quả hình chóp, có 3 cạnh, màu tím đen khi chín. Quả có vị chua chua ngọt ngọt nên được nhiều trẻ em ở vùng nông thôn yêu thích. Thời điểm cây ra hoa kết quả là từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm.

Cây thồm lồm có thân tròn nhẵn, lá so le, hoa màu trắng, quả chín màu tím đen

Cây thồm lồm có thân tròn nhẵn, lá so le, hoa màu trắng, quả chín màu tím đen

Phân bố sinh thái

Cây thồm lồm được tìm thấy rất nhiều ở vùng cận nhiệt và nhiệt đới châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á (Myanma, Lào, Indonesia và Việt Nam). Tại Việt Nam, loài cây này mọc hoang ở vùng nông thôn, miền quê hay trong các vùng rừng thưa, ven đồi, ven bờ sông, ao, hồ,… vì cây ưa ẩm, chịu được bóng râm.

Bộ phận sử dụng

Có thể sử dụng toàn cây thồm lồm để chữa bệnh, nhưng nhiều hơn cả vẫn là lá. Người ta thu hoạch quanh năm và sau khi thu hoạch về thì chỉ cần rửa sạch và dùng tươi.

Thành phần hóa học

Cây thồm lồm chứa nhiều thành phần hóa học như batatifolin, rubin, rheum emodin, oxymethylanthraquinon, anthraquinon glycoside, alcol myricylic, terpenoid, alkaloid, flavonoid, tannin, steroid. Trong đó, flavonoid là thành phần chính. Ngoài ra còn có vitamin C.

2. Tác dụng chữa bệnh của cây thồm lồm

Tác dụng nổi bật nhất của cây thồm lồm chính là chữa bệnh ngoài da. Người ta thường hái lá cây tươi về rửa sạch, nhai hoặc giã nát rồi đắp trực tiếp lên vết lở loét ngoài da, gọi là chữa “thồm lồm ăn tai”. Ngoài ra, nếu bị ngứa kẽ tai do nhiễm liên cầu khuẩn thì cũng có thể áp dụng cách điều trị này.

Cây thồm lồm chuyên dùng để trị ngứa kẽ tai do nhiễm khuẩn

Cây thồm lồm chuyên dùng để trị ngứa kẽ tai do nhiễm khuẩn
Trong Đông y, cây thồm lồm còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và lợi tiểu, được dùng để chữa trị vết côn trùng, vết rắn cắn hay các bệnh viêm họng, viêm ruột, viêm gan hay nhiễm nấm âm đạo, xích bạch đới,…

Trong y học hiện đại, các thành phần hóa học được chiết xuất thô từ cây thồm lồm có tác dụng kháng khuẩn, chống virus và kháng viêm. Do đó, được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày, chữa cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, ức chế các tế bào ung thư,…

3. Hướng dẫn sử dụng cây thồm lồm

Cách sử dụng cây thồm lồm khá đơn giản vì cây chủ yếu là được dùng tươi, cụ thể là đắp lá tươi hoặc nấu nước tắm gội để trị bệnh ngoài da. Lúc này, bạn không cần để ý đến liều lượng, chỉ cần đảm bảo lá được rửa sạch sẽ để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất. Nếu sử dụng dược liệu khô để sắc uống thì bạn chỉ nên dùng 12 – 20g/ ngày hoặc dùng theo chỉ định của thầy thuốc Đông ty, tùy từng trường hợp.

Nên dùng từ 12 - 20g cây thồm lồm mỗi ngày để chữa bệnh

Nên dùng từ 12 – 20g cây thồm lồm mỗi ngày để chữa bệnh
Ngoài ra, nếu đang sử dụng một số thuốc điều trị nào đó thì bạn cần hỏi ý kiến thầy thuốc. Vì một số thuốc có thể tương tác với thành phần trong cây thồm lồm, gây ra những tác dụng phụ không mong muốn cũng như làm giảm kết quả điều trị.

Nếu dược liệu được phơi khô để dùng dần thì cần bảo quản ở nơi kín đáo nhưng thoáng mát, giúp dược liệu không bị nấm mốc, hư hỏng. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ cây thồm lồm:

Chữa lở ngứa: Dùng 20g lá cây thồm lồm, 8g kim ngân hoa, 15g rau sam cùng 15g kinh giới tươi, rửa sạch rồi đun với 2 lít nước. Để nguội, hòa với nước lạnh rồi tắm mỗi ngày.
Chữa mụn nhọt: Dùng 20g toàn cây thồm lồm 10g lá khổ sâm rồi sắc với 1 lít nước, đến khi cạn còn 200ml thì dừng, chắt lấy nước và chia ra uống 2 lần/ ngày. Kết hợp với đắp lá thồm lồm tươi vào chỗ mụn nhọt để gia tăng hiệu quả điều trị.
Chữa viêm da đầu: Dùng 100g cây thồm lồm cùng 30g lá thông đuôi ngựa nấu với 2 lít nước rồi pha nước gội đầu, nên gội cách ngày để mang lại hiệu quả cao nhất.
Chữa kiết lỵ: Dùng 20g toàn cây thồm lôm rửa sạch, sao vàng rồi sắc lấy nước đặc để uống.
Chữa viêm gan: Dùng 20g cây thồm lồm, 10g mộc hương, 10g đại phúc bì, 12g thổ phục linh, 6g hoàng liên, 10g cỏ seo gà, 15g nhân trần cùng 10g kim tiền thảo sắc với 800ml nước đến khi còn 250ml nước thì dừng, chắt lấy nước và chia ra uống 3 lần/ ngày liên tục trong 7 – 10 ngày.

Uống thuốc sắc từ cây thồm lồm và các vị thuốc khác theo chỉ định của thầy thuốc

Uống thuốc sắc từ cây thồm lồm và các vị thuốc khác theo chỉ định của thầy thuốc
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn tác dụng chữa bệnh của cây thồm lồm.
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân (MEDLATEC)