Quả me rừng là món ăn vặt quen thuộc của rất nhiều người. Ngoài ra, các bộ phận thu được từ cây me rừng cũng là loại dược liệu trong nhiều bài thuốc chữa bệnh hữu ích cho sức khỏe. Cụ thể về công dụng và cách dùng dược liệu này như thế nào sẽ được giải thích ngay trong nội dung được chia sẻ dưới đây.
1. Một số đặc điểm và công dụng của cây me rừng
1.1. Một vài đặc điểm của cây me rừng
Cây me rừng là thực vật thân nhỡ đạt chiều cao tối đa 5 – 8m, ra hoa vào tháng 4 – 5, mỗi bông hoa có màu vàng và kích thước nhỏ, hoa mọc thành chùm ở nách lá.
Lá cây me rừng nhỏ và xếp sít lại với nhau tạo thành hai dây hình tương tự với lá kép lông chim. Quả me rừng dạng thịt, màu nâu vàng nhạt, hình cầu, trên quả có khía mờ. Mỗi quả to chừng quả táo ta.
Cây me rừng là dược liệu tự nhiên hữu ích trong chữa trị nhiều bệnh lý
1.2. Dinh dưỡng và dược liệu me rừng
Mỗi 100g quả me rừng có chứa: 44g lượng calo, 0.9g đạm, 0.6g chất béo, 10.2g carbohydrate, 4.3g chất xơ; cùng các loại vitamin A, B5, E, K và khoáng chất khác như: đồng, mangan,… Đây đều là những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.
Các bộ phận: rễ, quả, vỏ cây và lá cây me rừng được thu hoạch làm dược liệu quanh năm. Riêng quả chỉ hái vào mùa thu – đông. Dược liệu me rừng có thể dùng tươi hoặc phơi khô và bảo quản cẩn thận để dùng dần.
1.3. Công dụng của dược liệu me rừng
– Công dụng theo Đông y:
Đông y cho rằng lá cây me rừng có tính bình, vị cay; quả có vị chua ngọt và hơi chát, tính mát; rễ cây có tính bình và vị đắng chát. Dược liệu này có nhiều công dụng như:
+ Quả me rừng: chữa chứng sinh tân chỉ khát, tiêu viêm, nhuận phế, hạ nhiệt, hóa đờm.
+ Lá me rừng: lợi tiểu.
+ Rễ me rừng: thu liễu, hạ áp
+ Hoa me rừng: làm mát, hạ nhiệt, nhuận tràng.
Xét tổng thể, cây me rừng theo Đông y là dược liệu chủ trị cao huyết áp, cảm mạo, tiểu tiện không thông, đau răng, tiểu đường, viêm ruột, bệnh bạch huyết, đau thượng vị, chàm da, viêm da mẩn ngứa,…
Người Ấn Độ dùng quả me rừng để trị tiêu chảy, lỵ, xuất huyết, khó tiêu, vàng da, thiếu máu. Quả me rừng còn được người Ấn ngâm rượu để trị ho và hỗ trợ tiêu hóa. Ở đất nước Thái Lan, cây me rừng được dùng để trị ho có đờm, thiếu vitamin C, tiểu ít, tiêu chảy, sốt cao,…
– Công dụng theo dược lý hiện đại:
Hầu hết các bộ phận của cây me rừng đều có thể dùng để chữa bệnh
Y học hiện đại cho rằng cây me rừng là dược lý mang lại những công dụng như:
+ Giúp cơ thể tăng khả năng hấp thu canxi: các bộ phận của cây me rừng chứa nhiều khoáng chất và vitamin nên cải thiện khả năng hấp thu canxi cho cơ thể.
+ Cải thiện khả năng tiêu hóa: quả me rừng giàu chất xơ giúp điều hòa nhu động ruột, hạn chế kiết lỵ, tiêu chảy và táo bón. Ngoài ra đây còn là vị thuốc giảm đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng,…
+ Tốt cho tim mạch: me rừng chứa thành phần giúp hạn chế sự tích tụ cholesterol bên trong thành mạch nên giảm nguy cơ bị huyết áp cao, xơ vữa động mạch và đột quỵ.
+ Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: trong cây me rừng có hợp chất crom tham gia vào quá trình chuyển hóa glucid và lipid, tăng liên kết giữa insulin với các cơ quan thụ cảm nên điều tiết nồng độ insulin trong máu đồng thời hỗ trợ ổn định đường huyết.
2. Một số cách dùng cây me rừng chữa bệnh tốt cho sức khỏe
2.1. Cách dùng và liều dùng cây me rừng để chữa bệnh
– Hàng ngày sắc 10 – 30 quả me rừng lấy nước uống trị đau họng, ho, sốt, cảm mạo, khô miệng.
– Hàng ngày sắc 15 – 20g rễ me rừng lấy nước uống trị tiêu chảy, viêm ruột, cao huyết áp, đau bụng đi ngoài.
– Nấu nước lá me rừng rửa để trị bệnh mẩn ngứa, lở loét.
2.2. Một số bài thuốc dùng dược liệu me rừng để chữa bệnh
– Chữa cao huyết áp: dùng 15 – 30g rễ của cây me rừng đem rửa sạch rồi sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Chỉ nên sắc uống và dùng hết trong ngày, không để sang ngày hôm sau.
– Chữa cảm mạo sốt cao: dùng 10 – 30g quả me rừng tươi hay khô đều được, đem sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày và không bảo quản sang ngày hôm sau.
– Chữa tiểu khó: lấy 10 – 20g vỏ thân cây me rừng sắc lấy nước uống trong ngày hoặc 10 – 20g lá me rừng kết hợp với 1 nắm mã đề, 1 nắm nhỏ râu ngô sắc lấy nước uống thành nhiều lần trong ngày.
– Chữa tiểu đường: lấy 15 – 20g quả me rừng ướp cùng muối ăn để chắt lấy nước pha uống hằng ngày.
Nước uống từ quả me rừng giúp hỗ trợ điều trị tiểu đường
– Chữa nước ăn chân: đem giã quả me rừng lấy nước thoa trực tiếp lên vùng da bị nước ăn, làm hàng ngày đến khi khỏi.
– Ngâm rượu me rừng tăng cường sinh lý và kích thích tiêu hóa: lấy 1kg quả me rừng và 2l rượu trắng ngâm trong bình khoảng 1 tháng sau đó mỗi lần lấy 1 chén nhỏ uống, ngày uống 3 lần trong bữa ăn.
– Chữa viêm da mạn tính, mẩn ngứa: dùng 10 – 30g quả me rừng, 10 – 20g lá me rừng và 15 – 30g vỏ quả me rừng đem sắc uống 1 lần/ngày kết hợp với nấu lá me rừng lấy nước để tắm rửa hằng ngày.
3. Khi sử dụng cây me rừng dược liệu cần lưu ý
– Để tăng hiệu quả chữa trị cho dược liệu từ cây me rừng tốt nhất nên kết hợp với các vị thuốc khác.
– Không lạm dụng dùng kéo dài, nên tham khảo liều lượng sử dụng từ bác sĩ.
– Cần bảo quản các bộ phận làm dược liệu me rừng đúng cách để không bị ẩm mốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong quá trình sử dụng.
Nhìn chung, hầu hết các bộ phận của cây me rừng đều có thể khai thác làm dược liệu tự nhiên tương đối an toàn. Mong rằng với nội dung của bài viết trên đây bạn sẽ hiểu hơn về công dụng và cách dùng cây me rừng với mục đích tốt nhất cho sức khỏe. Dược liệu me rừng được sử dụng và bán rộng rãi ở nhiều cửa hàng thuốc y học cổ truyền nhưng bạn cần tìm hiểu kỹ để chọn đúng địa chỉ uy tín, điều này sẽ giúp bạn được sử dụng dược liệu chất lượng và biết cách sử dụng dược liệu an toàn và đúng mục đích.
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân