Một bộ phận bóng đá Indonesia lại đang đòi bỏ các giải đấu do LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) tổ chức nếu Hồng Phúc (U23 Việt Nam) không bị phạt nguội.
Trận Chung kết U23 Đông Nam Á 2023 giữa U23 Việt Nam vs U23 Indonesia đã trôi qua vài ngày. Thế nhưng những dư âm của nó vẫn chưa kết thúc. Đáng buồn thay, đó lại là những dư âm không tích cực.
Cụ thể, ở trận Chung kết trên, cầu thủ Hồng Phúc bên phía U23 Việt Nam đã có một hành vi đánh nguội với cầu thủ U23 Indonesia. Vì không quan sát thấy tình huống này, trọng tài đã không phạt thẻ Hồng Phúc.
Tình huống đánh nguội của Hồng Phúc.
Điều đó khiến một bộ phận bóng đá Indonesia nổi giận. Họ yêu cầu AFF phải phạt nguội Hồng Phúc, nếu không sẽ… bỏ các giải đấu do LĐBĐ Đông Nam Á tổ chức. Đáng chú ý, đã có 2 nhân vật “có chức” của bóng đá Indonesia nêu quan điểm này. Đấy là ông Achsanul Qosasi, Chủ tịch CLB Madura United (Indonesia) và ông Sumardji, Trưởng đoàn U23 Indonesia.
Nhận định về pha đánh nguội của Hồng Phúc, cũng như việc đòi bỏ giải của một bộ phận bóng đá Indonesia, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nói:
“Tôi có xem video Hồng Phúc đánh nguội. Đúng là cầu thủ của chúng ta đã chơi không đẹp, có hành vi xấu. Chuyện phạt nguội Hồng Phúc thì tôi nghĩ AFF sẽ làm thôi, thậm chí ra một án phạt nặng. Nhưng pha bóng đó không phải lý do chính khiến U23 Indonesia thất bại, chính HLV Shin Tae-yong cũng phải thừa nhận điều ấy.
Nhưng lâu nay, HLV Shin Tae-yong mỗi khi thua thì hay đổ thừa cho Ban tổ chức hay trọng tài. Bóng đá Indonesia cũng nhiều lần có ý kiến đòi chuyển sang Liên đoàn khu vực khác. Vì thế, lần này phía họ lại có ý kiến tương tự thì cũng không còn lạ gì nữa”.
Phía Indonesia rất hay phản ứng mỗi khi gặp điều bất lợi (Ảnh: Khánh An).
Không lạ khi một bộ phận bóng đá Indonesia lại đòi bỏ giải khu vực nhưng ông Vũ Mạnh Hải cho rằng điều đó là rất trẻ con và không nên. Ông cũng cho rằng, HLV Shin Tae-yong đã không làm tốt vai trò của mình ở bóng đá xứ Vạn đảo:
“Bóng đá Indonesia gần đây hay đòi bỏ LĐBĐ Đông Nam Á, bỏ các giải khu vực… điều đó là do một bộ phận người quản lý bóng đá xứ Vạn đảo đặt ý kiến cá nhân lên cao quá. Họ phải hiểu bóng đá có thắng có thua, phía trên còn có lãnh đạo LĐBĐ Đông Nam Á cần được tôn trọng. Công tác trọng tài thì cũng có lúc sơ sót là bình thường.
Họ cần hiểu mình là ai, đang ở đâu. Indonesia là quốc gia rất mê bóng đá, có nhiều cầu thủ hay, có những CĐV tốt, nhiệt tình. Nhưng từ lâu rồi họ cũng có lối chơi không mấy tích cực, rất thô bạo. Điều ấy cả Đông Nam Á đều thấy và cũng có ý kiến phê bình rồi. Bóng đá Indonesia cũng có nhiều cầu thủ bị kỷ luật sau trận Chung kết SEA Games 32 với Thái Lan để xảy ra ẩu đả.
Trận đấu đó, Indonesia chiến thắng thì họ nói gì đâu. Nhưng khi họ thua thì lại đổ tại mà không nhận thức rõ lý do thật sự vì đâu. Họ lại đổ lỗi cho khách quan.
Nên tôi nghĩ, vấn đề cũng nằm ở HLV Shin Tae-yong. Kể từ khi ông ấy tới, bóng đá Indonesia xảy ra nhiều chuyện lộn xộn, có tư tưởng không phục BTC, LĐBĐ Đông Nam Á. Vì thế họ có những phản ứng rất không tốt, rất trẻ con.
Tôi cho rằng ông Shin chưa làm tròn trách nhiệm của một HLV trưởng bóng đá quốc gia đông dân như Indonesia”.
Bóng đá Indonesia sẽ chẳng được lợi lộc gì với cách phản ứng thái quá thế này! (Ảnh: Khánh An)
Khi được hỏi, với việc nhiều lần gây áp lực lên AFF bằng cách dọa bỏ đi, liệu sau này bóng đá trẻ Indonesia khi tham dự giải ĐNÁ, có được hưởng lợi hay không, cựu danh thủ Thể Công tiếp:
“Tôi nghĩ họ có thể gặp nhiều bất lợi thì đúng hơn, sau những lần đòi bỏ như thế này. LĐBĐ Đông Nam Á cũng có tổ chức, luật lệ rõ ràng chứ. Anh tham gia tổ chức thì phải tuân thủ quy chế chứ.
LĐBĐ Đông Nam Á thời gian qua cũng làm rất tốt. Họ tổ chức nhiều giải đấu, giúp các cầu thủ trong khu vực tiến bộ nhiều. Bây giờ có một Liên đoàn như Indonesia quay ra chỉ trích AFF, không phục AFF thì số đông khác họ nghĩ gì?
Phản ứng của một bộ phận bóng đá Indonesia rất trẻ con, không xứng tầm với một nền bóng đá tại quốc gia đông dân như vậy!”.
Trước đó, LĐBĐ Indonesia cũng từng nằng nặc đòi rời AFF vì cho rằng U19 Việt Nam đã “bắt tay” U19 Thái Lan, loại U19 Indonesia khỏi giải U19 ĐNÁ do xứ Vạn đảo làm chủ nhà. Sau đó, LĐBĐ Indonesia đã thay đổi quyết định, ở lại với LĐBĐ Đông Nam Á.