Đậu đũa là thức ăn mát bổ và có thể dùng như một vị thuốc. Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, đậu đũa có tác dụng giảm triệu chứng khát nước và tiểu nhiều. Ngoài ra, đậu đũa còn nhiều công dụng tốt cho sức khỏe…
Theo Đông y, bệnh đái tháo đường có thể do “nội nhân” (nguyên nhân bên trong) hoặc “ngoại nhân” (nguyên nhân bên ngoài) gây nên. Nội nhân, chủ yếu do bẩm sinh (âm hư). Ngoại nhân, có thể do thường nhật ăn quá nhiều các chất béo, ngọt; do tình chí uất ức; hoặc bị “nhiệt tà” xâm phạm cơ thể; nhiệt tà thiêu đốt âm dịch; âm dịch bị hao tổn dẫn tới “âm hư”, mà sinh ra bệnh.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, sử dụng các món ăn bài thuốc một cách hợp lý, có tác dụng rất tốt trong việc khống chế đái tháo đường. Với thể bệnh nhẹ, có thể điều trị bằng thức ăn, bệnh tình đã có thể cải thiện rõ rệt. Đối với thể bệnh nặng, tiến hành điều trị bằng thức ăn có thể giúp bệnh tình ổn định và tránh phải dùng thuốc quá nhiều.
1. Công dụng của đậu đũa
Theo Đông y, quả đậu đũa có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc; vào các kinh Túc thái âm Tỳ và Túc thiếu âm Thận; có tác dụng kiện Tỳ, bổ Thận, thanh nhiệt giải độc, lợi yết hầu… Thường dùng chữa tỳ vị hư nhược, bụng trướng tiêu chảy, nôn mửa, tiêu khát (đái tháo đường), thận hư di tinh, bạch trọc, tiểu tiện nhiều lần, phụ nữ bị khi hư bạch đới…
Rễ cây đậu đũa có tác dụng kiện tỳ ích khí, tiêu thực, chữa bệnh trĩ, tiểu đục, mụn nhọt. Lá cũng có thể dùng chữa chứng tiểu tiện nhỏ giọt và đau buốt.
2. Cách dùng đậu đũa trong phòng chữa bệnh
– Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Đậu đũa để cả vỏ 150g tươi (hoặc 60g khô), luộc lên ăn đỗ và uống nước; ngày dùng 1 lần. Hoặc dùng đậu đũa tươi, chần qua nước sôi, trộn với gia vị làm món rau ăn trong bữa cơm.
– Chữa bụng trướng, khó tiêu: Đậu đũa non liền cả vỏ 150g, rửa sạch, chần qua nưới sôi, thái nhỏ, thêm dầu và gia vị cho hợp khẩu vị, dùng làm thức ăn trong bữa cơm.
Hoặc dùng đậu đũa non 20g, rửa kỹ bằng nước sạch, nhấm nháp từng ít một (nhai kỹ và nuốt dần) nhiều lần trong ngày.
– Chữa di tinh do thận hư: Hạt đậu đũa 100g tươi (hoặc 30g khô), gạo tẻ 100g, táo tàu 8g; nấu thành cháo, trước mỗi bữa cơm ăn một bát.
– Chữa tiểu tiện ra máu (niệu huyết): Hạt đậu đũa khô nghiền thành bột mịn, ngày uống 3- 4 lần, mỗi lần 3g, chiêu thuốc bằng nước đã đun sôi hoặc bằng rượu.
– Chữa bí tiểu tiện, tiểu tiện nhỏ giọt: Lá cây đậu đũa 150g tươi, sắc với nước, chia nhiều lần uống trong ngày.
– Giảm đau lưng: Vỏ quả đậu đũa 100-120g, sắc nước uống trong ngày.
+ Chữa di tinh, bạch trọc ở nam giới (từ quy đầu có chất dịch trắng đục nhỏ ra từng giọt): Đậu đũa 100g, rau muống 100g, nấu với thịt lợn hoặc thịt gà, làm thức ăn trong bữa cơm hàng ngày; cũng có thể dùng đậu đũa 30g, sắc nước uống ngày 2 lần.
– Chữa suy dinh dưỡng, chán ăn, ăn uống không tiêu: Rễ cây đậu đũa 30g, nghiền thành bột mịn, hấp với trứng gà ăn hàng ngày.
Hoặc dùng bài: Rễ cây đậu đũa, lá mơ tam thể – mỗi thứ một nắm, nấu với thịt ăn hàng ngày.
– Chữa mồ hôi trộm: Hạt đậu đũa 60g, đường phèn 30g, sắc nước uống.