1. Sơ lược về cây ngưu tất
Ngưu tất còn được gọi là cỏ xước với các đặc điểm chi tiết như sau.
Đặc điểm tự nhiên
Ngưu tất cùng họ rau dền, thuộc cây thân thảo với chiều cao từ 60 – 100cm, đôi khi cao đến 200cm. Thân cây màu lục hoặc nâu tía, mảnh, có cạnh hơi vuông, tại những đốt phình to. Cành cây mọc thẳng đứng. Rễ cây hình trụ, nhỏ dần từ cổ rễ đến chóp rễ với rất nhiều rễ phụ.
Lá cây ngưu tất mọc đối xứng, hình trứng, đầu nhọn, gốc thon, mép uốn lượn hình sóng, gân lá màu nâu tía, cuống lá dài. Hoa nở từng bông ở ngọn cây, hướng lên phía trên nhưng khi kết thành quả thì có xu hướng quặp xuống. Quả nang, có một hạt hình trứng dài.
Cây ngưu tất là thảo dược có tác dụng chữa được nhiều bệnh trong y học cổ truyền
Phân bố sinh thái
Cây ngưu tất có nguồn gốc tại vùng Đông Bắc của Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Loài cây này được thuần hóa rất nhiều ở hai quốc gia này. Tại Việt Nam, ngưu tất được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc như Sa Pa, Lai Châu,… hay đồng bằng Bắc bộ như Vĩnh Phúc, Hà Nội,… Nói chung, cây ưa sống ở những vùng đất có điều kiện nhiệt độ thấp.
Bộ phận sử dụng
Tác dụng chữa bệnh của cây ngưu tất đến từ bộ phận rễ. Theo đó, vào mùa thu hoạch (mùa đông), khi lá cây đã héo úa thì người ta sẽ tiến hành đào cây lên để lấy rễ. Phần cổ rễ và rễ con sẽ được cắt bỏ, phần còn lại rũ bỏ đất cát, rửa sạch và đem đi phơi khô. Phơi đến khi rễ cây nhăn nheo thì gom thành từng bó và sử dụng dần. Rễ ngưu tất sau khi bào chế có màu vàng tro, vị ngọt và mùi thơm đặc biệt.
Thành phần hóa học
Tại sao rễ cây ngưu tất lại có tác dụng chữa bệnh? Đó là nhờ vào các hoạt chất như saponin, polysaccharid, ecdysteron, inokosteron, sterol, coumarin, alkaloid, muối kali và polypeptide; quercetin, baicalein và berberine,… Những hoạt chất này có tác dụng tăng cường chức năng cho gan, thận, xương khớp và lưu thông máu huyết.
2. Tác dụng chữa bệnh của cây ngưu tất
Tác dụng chữa bệnh của cây ngưu tất là rất nhiều, nổi bật trong đó phải kể đến:
Theo y học cổ truyền
Ngưu tất trong Đông y có tính bình, vị đắng và chua, thường được sử dụng để tác động vào hai kinh can và thận, cụ thể:
Lưu thông máu huyết, làm tan máu ứ, máu bầm.
Giảm sưng tấy, tiêu ung thũng.
Chữa đau bụng, bí tiểu, khó tiểu, tiểu ra máu.
Chữa tắc kinh, sót nhau ở phụ nữ.
Chữa đau lưng, mỏi gối, tê bì chân tay.
Sử dụng cây ngưu tất để trị đau nhức xương khớp, mỏi vai gáy hiệu quả
Theo y học hiện đại
Không chỉ có tác dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền, cây ngưu tất còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe theo y học hiện đại.
Hợp chất caponin trong rễ cây ngưu tất có tác dụng tạo ra sự tăng sinh và biệt hóa trong tế bào mô đệm của tủy xương, từ đó phòng ngừa loãng xương do lão hóa hiệu quả.
Hoạt chất polypeptide chiết xuất từ cây ngưu tất có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh và thúc đẩy tái tạo hệ thần kinh ngoại vi.
Cây ngưu tất chứa Polysaccharide có tác dụng chống hình thành khối u và ngăn ngừa ung thư di căn.
Ngoài ra, ngưu tất còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị hạ huyết áp, chống co thắt tá tràng, kích thích co thắt tử cung, lợi tiểu,…
Chiết xuất từ cây ngưu tất có tác dụng hỗ trợ điều trị hạ huyết áp
3. Hướng dẫn sử dụng cây ngưu tất chữa bệnh
Để chữa bệnh từ cây ngưu tất, bạn có thể dùng sống hoặc dùng chín. Nếu dùng sống thì rửa sạch rễ cây ngưu tất, để ráo nước rồi cắt thành từng đoạn 1 – 2mm rồi sử dụng. Nếu dùng chín thì có thể phơi khô rồi ngâm rễ ngưu tất với rượu hoặc tẩm muối rồi dùng.
Liều dùng ngưu tất chữa bệnh là khoảng 6 – 12g/ lần dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu. Bạn có thể tham khảo các bài thuốc có sự kết hợp giữa ngưu tất với các vị thuốc sau để chữa bệnh.
Nghiền 10g ngưu tất, 5g đương quy và 5g hoàng cầm thành bột rồi sắc nước uống để trị đau bụng, bí tiểu, tiểu ra máu.
Tán bột 9g ngưu tất, 9g thương truật, 6g hoàng bá rồi pha uống với nước gừng mỗi ngày 3 lần để trị tê bì chân tay do thấp nhiệt.
Sắc 20g rễ cây ngưu tất tươi với 5g cam thảo rồi uống để phòng và chữa bệnh bạch hầu.
Sắc 20g ngưu tất với 20g lá diễn lấy nước uống, uống trong vòng 5 ngày để điều trị sổ mũi, nghẹt mũi do viêm mũi dị ứng.
Sắc 20g ngưu tất, 6g cỏ cú, 16g ích mẫu, 16 g nghệ xanh, 30g cỏ gai lấy nước uống trong 10 ngày, mỗi ngày 3 lần để điều trị kinh nguyệt không đều,
Uống 0,25g cao khô ưu tất 2 lần mỗi ngày, uống sau ăn để trị huyết áp, xơ vữa động mạch.
Để tránh “lợi bất cập hại” thì nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trước khi dùng
Lưu ý là người đang bị tiêu chảy, người khí hư, phụ nữ mang thai hay nam giới bị mộng tinh, di tinh không nên sử dụng ngưu tất. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất thì trong mọi trường hợp, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Bởi việc dùng sai cách và không đúng liều lượng sẽ “lợi bất cập hại”, gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Nhìn chung, cũng giống như các loại cây dược liệu khác, cây ngưu tất có nhiều công dụng với sức khỏe nếu bạn sử dụng đúng cách. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích về loại thảo dược này, từ đó có cách sử dụng hiệu quả.