Hoàng bá là kháng sinh tự nhiên với nhiều tác dụng nổi bật trong điều trị bệnh. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin kỹ hơn về tác dụng cũng như những bài thuốc hay từ cây hoàng bá. Mời bạn đọc tham khảo.
1. Sơ lược cây hoàng bá
Tùy vào từng vùng, từng địa phương mà cây hoàng bá còn được gọi là cây hoàng nghiệt.
Đặc điểm tự nhiên
Cây hoàng bá rất cao to với chiều cao từ 10 – 30m khi trưởng thành và đường kính thân 70cm. Vỏ thân cây dày, chia thành 2 lớp, lớp ngoài màu xám, lớp trong màu vàng. Lá cây mọc đối, hình trứng hoặc bầu dục, có từ 7 – 13 lá chét, gốc lá thuôn tròn, đầu lá hơi nhọn, gân lá có lông. Hoa mọc dọc trên cuống thành chùm lỏng lẻo, màu tím đen. Quả hình cầu, bên trong có từ 2 – 5 hạt, khi chín có màu đen sẫm. Cây hoàng bá thường ra hoa kết quả vào mùa hè.
Cây hoàng bá sống thuộc cây gỗ sống lâu năm, rất cao to
Phân bố sinh thái
Nguồn gốc, xuất xứ của cây hoàng bá là ở Trung Quốc. Ngoài ra, loài cây này cũng mọc khá nhiều ở vùng Siberia của Nga hay các quốc gia châu Á khác. Tại Việt Nam, hoàng bá mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Lai Châu,…
Bộ phận sử dụng
Vỏ thân cây hoàng bá được thu hoạch và sử dụng để làm thuốc. Thời điểm thu hoạch là cuối hè đầu thu. Lúc này, những cây trên 10 năm tuổi sẽ được cạo lớp vỏ ngoài, chừa lại lớp trong dày khoảng 1cm. Lớp vỏ ngoài thu hoạch về có màu vàng tươi, vị đắng, được rửa sạch với nước để loại bỏ tạp chất, sau đó cắt thành miếng kích thước 9 x 6cm và mang đi phơi khô hoặc sấy.
Ngoài cách chế biến này thì người ta cũng có thể tẩm muối, tẩm rượu hoặc sao vàng, thán, phiến,… vỏ thân cây hoàng bá, tùy vào mục đích sử dụng.
Vỏ thân cây hoàng bá màu vàng tươi, vị đắng và cay, được dùng để chữa bệnh
Thành phần hóa học
Các hoạt chất có trong vỏ thân cây hoàng bá bao gồm 1,5% berberin C20H19O5N, một ít palmatin C21H23O5N, các chất có tinh thể, không chứa nitơ như Obakunon C26H30O7 và obaku lacton C26H30O8 cùng các chất béo và hợp chất sterolic.
2. Tác dụng của cây hoàng bá
Trong Đông y, cây hoàng bá có vị đắng, cay, tính hàn và không độc. Còn trong y học hiện đại, cây hoàng bá là một kháng sinh tự nhiên với những tác dụng nổi bật sau.
Kháng khuẩn
Đây chính là một trong những đặc tính nổi bật nhất của cây hoàng bá. Theo đó, chiết xuất từ cao cồn của vỏ thân cây hoàng bá có tác dụng kháng khuẩn. Thí nghiệm trên trực khuẩn lao người cho thấy, hoàng bá có tác dụng làm giảm số lượng vi khuẩn đáng kể. Còn thí nghiệm trên chuột lang nhiễm lao bò thì khi tiêm vào bắp thịt có tác dụng điều trị.
Kháng nấm
Thí nghiệm trên ống kính cho thấy dịch chiết và nước sắc từ vỏ thân cây hoàng bá có tác dụng ức chế một số loại nấm gây bệnh ngoài da. Ngoài ra, nước sắc từ vỏ thân cây hoàng bá cũng có khả năng kháng roi trùng âm đạo, tuy nhiên, không mạnh bằng khả năng kháng nấm.
Dịch chiết của vỏ cây hoàng bá có tác dụng kháng nấm gây bệnh ngoài da
Tăng tiết mật
Với những bệnh nhân bị viêm túi mật mãn tính hoặc gặp các biến chứng của viêm ống mật, sỏi mật,… thì thành phần Berberin trong vỏ thân cây hoàng bá có thể giúp cải thiện tình trạng thông qua cơ chế tăng tiết mật.
Lợi tiểu
Hai hoạt chất Acetylcholin và histamin trong vỏ thân cây hoàng bá có tác dụng lợi tiểu cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý về đường ruột, nổi bật trong đó là chứng tiêu chảy ở trẻ em.
Những tác dụng khác
Ngoài các tác dụng nổi bật nói trên thì cây hoàng bá còn có một số tác dụng khác như:
Chữa tiêu chảy, kiết lỵ.
Điều trị vàng da.
Giảm tiết dịch vị axit, cải thiện triệu chứng viêm loét dạ dày.
Giảm cơn co thắt ở tử cung và ruột cô lập.
Hạ sốt, an thần.
Trẻ em bị tiêu chảy có thể uống thuốc từ cây hoàng bá để giảm đi ngoài
3. Những bài thuốc hay từ cây hoàng bá
Cây hoàng bá có thể dùng theo nhiều cách khác nhau. Tùy vào trường hợp, mục đích mà có thể dùng dạng bột hoặc dạng hoàn tán.
Lở miệng, nhiệt miệng: Ngậm hoàng bá trong miệng, sau đó nuốt hoặc nhổ bỏ.
Chữa kiết lỵ: Hoàng bá tẩm mật đem đi sao cho cháy rồi tán nhỏ, trộn với tỏi nướng giã nát và vo thành viên bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần từ 30 – 40 viên.
Hỗ trợ điều trị viêm ống mật: Sắc 16g hoàng bá, 12g chi tử, 6g cam thảo với 600ml nước, đến khi còn 200ml thì ngưng, chắt lấy nước uống, chia làm 3 lần/ ngày.
Chữa mộng tinh: Dùng 60g hoàng bá, 40g thục địa, thiên môn, đảng sâm, 30g sa nhân, 10g nhân thảo phơi khô, tán bột, trộn mật ong và vo thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần trước ăn, mỗi lần 30 viên.
Lưu ý là những người bị tiêu chảy do tỳ hư yếu, dạ dày kém thì không nên dùng cây hoàng bá để chữa bệnh. Ngoài ra, liều dùng khuyến cáo của cây hoàng bá là khoảng 6 – 12g/ ngày, kể cả thuốc bột lẫn thuốc sắc. Việc lạm dụng cây hoàng bá, sử dụng quá liều lượng có thể gây vàng da sơ sinh và rối loạn chức năng não.
Bên cạnh đó, một số hoạt chất trong cây hoàng bá có thể tương tác với thành phần của một số thuốc điều trị. Do đó, bạn cần tham vấn với bác sĩ, thầy thuốc trước khi dùng để đảm bảo an toàn, hạn chế tác dụng phụ. Nếu cơ thể có những triệu chứng bất thường trong khi dùng cây hoàng bá thì nên tạm ngưng và đến gặp bác sĩ.
Một số thuốc có thể tương tác với hoạt chất trong vỏ cây hoàng bá
Chúng ta đã cùng tìm hiểu tác dụng và cách sử dụng cây hoàng bá để chữa bệnh. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn đọc khi đang phân vân không biết chữa bệnh bằng cây hoàng bá như thế nào.