Cây phèn đen là một trong những dược liệu quý. Thế nhưng không phải ai cũng rõ cây phèn đen có tác dụng gì, cách sử dụng loài cây này để chữa bệnh như thế nào. Bài viết dưới đây, chúng ta cùng “bỏ túi” những bài thuốc hay từ cây phèn đen.
1. Sơ lược cây phèn đen
Để biết cây phèn đen có tác dụng gì thì trước tiên, hãy cùng tìm hiểu đặc điểm đặc trưng của loài cây này.
Đặc điểm tự nhiên
Cây phèn đen có chiều cao khoảng 2 – 4m, cành phân nhánh, nhánh màu đen nhạt và mọc so le. Lá mọc đơn với kích thước dài 1,5 – 3 cm, rộng 6 – 12 mm, chiều dày mỏng, hình dạng lá thay đổi theo mùa, có thể là hình trứng hoặc hình bầu dục.
Hoa mọc từ nách lá với hình thức mọc đa dạng, có thể là mọc riêng lẻ, cũng có thể mọc thành chùm, mỗi chùm có từ 2 – 3 bông. Hoa màu trắng, cánh hoa có những đường sọc dọc màu vàng. Quả hình cầu, mọng nước, khi non thì màu trắng, khi già thì màu đỏ hồng và đến lúc chín sẽ màu tím đen. Thời điểm từ tháng 8 – 10 hàng năm là cây ra hoa và kết quả.
Cây phèn đen là dược liệu có nhiều tác dụng trong Đông y
Phân bố sinh thái
Trong tự nhiên, cây phèn đen chủ yếu mọc ở vùng có khí hậu nhiệt đới. Trên thế giới, cây mọc nhiều ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Australia,… Tại Việt Nam, cây được tìm thấy ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh có khí hậu nắng nóng như Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Đắc Lắc,… Nói chung, vùng đất ven đường, ven rừng hay nơi có nhiều ánh sáng là địa điểm thích hợp để cây phèn đen sinh trưởng và phát triển,
Bộ phận sử dụng
Tác dụng chữa bệnh của cây phèn đen đến từ lá và rễ. Ngoài ra, vỏ thân cây cũng được một số vùng miền sử dụng để làm dược liệu. Mỗi bộ phận của cây sẽ có thời điểm thu hoạch khác nhau. Cụ thể, mùa xuân hè thích hợp để thu hoạch lá, mùa thu là thu hoạch rễ, còn vỏ thân cây có thể thu hoạch quanh năm. Các bộ phận lá, rễ và vỏ thân cây sau khi thu hoạch về rửa sạch, dùng tươi hoặc cắt nhỏ, phơi khô và dùng dần.
2. Cây phèn đen có tác dụng gì?
Là một dược liệu quý nhưng nhiều người lại không biết cây phèn đen có tác dụng gì. Dưới đây là những tác dụng chữa bệnh của cây phèn đen.
Lá cây phèn đen có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Đồng thời, các hoạt chất trong lá còn có tác dụng khử trùng, sát khuẩn,… chuyên dùng để trị mụn nhọt, rôm sảy, vết côn trùng cắn, vết lở loét ngoài da,…
Rễ cây phèn đen vị chát, tính lạnh, có tác dụng tiêu viêm, thường được dùng để trị viêm ruột, thận, gan hay cảm tích ở trẻ em.
Vỏ thân cây phèn đen chủ yếu được dùng để trị các vết thủy đậu có mủ hoặc dùng để thông tiểu.
Toàn thân cây phèn đen có tác dụng gì? Đó là trị các bệnh về thấp khớp, xương khớp như đau thần kinh toan, bệnh gai cột sống, tê bì chân tay,…
Một trong những tác dụng của cây phèn đen là chữa gai cột sống
3. Hướng dẫn sử dụng cây phèn đen chữa bệnh
Ngoài nắm bắt cây phèn đen có tác dụng gì thì bạn cũng cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng cây phèn đen chữa bệnh để an toàn cho sức khỏe.
Liều dùng và cách dùng
Liều dùng được điều chỉnh theo mục đích chữa bệnh. Còn cách dùng thì có nhiều cách khác nhau như dùng tươi, dùng khô, dùng ngoài da, sắc lấy nước,… Nói chung, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc Đông y để được hướng dẫn liều dùng và cách dùng phù hợp với độ tuổi và tình trạng bệnh.
Đặc biệt, với trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai thì cần hết sức thận trọng. Bên cạnh đó, cây phèn đen có tính độc nhẹ, nếu lạm dụng có thể gây rủi ro không mong muốn. Quá trình sử dụng, nếu cảm thấy đau đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn,… thì cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ.
Nếu bị đau đầu khó chịu thì cần ngưng dùng cây phèn đen để chữa bệnh
Những bài thuốc hay từ cây phèn đen
Để hiểu rõ hơn cây phèn đen có tác dụng gì thì bạn có thể tham khảo các bài thuốc hay từ cây phèn đen sau.
Thanh nhiệt, giải độc: Lá cây phèn đen tươi hoặc khô sắc lấy nước và uống mỗi ngày, giúp thanh nhiệt là loại bỏ độc tố từ rượu bia, thực phẩm có hại.
Trị mụn nhọt, vết côn trùng cắn: Rửa sạch lá phèn đen (có thể kết hợp thêm lá bèo ván), giã nát và đắp trực tiếp lên vết thương. Đắp nhiều lần trong ngày sẽ giúp tình trạng thuyên giảm.
Trị vết thương sưng đau: Nếu bị ngã chấn thương, hãy rửa và giã nát 30g lá cây phèn đen rồi đắp ngay vào chỗ sưng đau. Kiên trì thực hiện mỗi ngày cho đến khi vết sưng đau không còn.
Trị gai cột sống: Dùng 30g lá phèn đen, 30g lá lốt, 20g lá bưởi bung, 20g cỏ xước, 10g rễ gấc sao khô, cho vào ấm đun với 1,5 – 2 lít nước trong 2 tiếng, chắt lấy nước và uống 3 lần/ ngày, uống sau ăn khoảng 30 phút.
Điều trị bệnh trĩ: Dùng 1 nắm lá phèn đen, 1 nắm lá trắc bách diệp và 5 lá huyết dụ, sao vàng, cho vào ấm đun với 800ml nước, đến khi còn 200ml nước thì chắt ra, để nguội và uống hoặc dùng để ngâm trĩ. Thực hiện 5 – 10 ngày, mỗi ngày 1 – 2 lần.
Điều trị tiêu chảy: Dùng 40g phần ngọn có lá phèn đen, 40g đậu đen sao vàng, cho vào nồi đun với 800ml nước, đến khi còn 200ml nước thì chắt ra, chia làm 3, uống 3 lần trong ngày và kiên trì trong uống trong 3 – 5 ngày.
Chữa bệnh về gan, thận: Dùng 20g toàn cây phèn đen, 20g cây quýt gai, 20g cây muối, 20g cây nổ sắc cùng 1,5 lít nước đến khi lượng nước còn một nửa thì chắt ra và uống nhiều lần trong ngày.
Có thể dùng cây phèn đen để chữa các bệnh về gan, thận
Những thông tin trên đây giúp bạn biết được cây phèn đen có tác dụng gì và sử dụng như thế nào để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh. Nói chung, cũng giống như các dược liệu khác, bạn cần kiên trì thực hiện mỗi ngày thì bệnh tình mới có thể thuyên giảm.