Rau diếp cá là một loại rau gia vị rất quen thuộc trong bữa ăn. Nó có thể chế biến thành nhiều món ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về loại rau này cũng như những lợi ích mà nó mang lại. Cùng plant.vn tìm hiểu rõ hơn qua bài viết bên dưới nhé.
Đôi nét về cây rau diếp cá
Diếp cá còn có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền như: giấp cá, rau giấp, ngư tinh thảo, xú tinh thảo, cửu tiết liên, sầm thảo,…
Tên tiếng Anh: Heartleaf (lá hình tim), fish mint, fish herb, hay lizardtail (đuôi thằn lằn).
Danh pháp khoa học: Houttuynia Cordata Thunb.
Họ: Saururaceae.
Theo “Cương mục bản thảo”, cây diếp cá có tên Hán là ngư tinh thảo có nghĩa là cỏ có mùi tanh của cá. Ngoài ra, trong các tài liệu y học Trung Quốc còn liệt kê một số tên khác như: trấp thái, tử trấp, trấp thảo…
Cây rau diếp cá (Ảnh sưu tầm)
Rau diếp cá phân bố rộng rãi khắp các nước châu Á, từ Ấn Độ qua Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, rau diếp cá phân bố hầu hết các nơi ẩm ướt, mọc hoang hay được trồng làm rau.
Đặc điểm cấu tạo
Diếp cá là một loại thực vật thân thảo, mọc quanh năm, ưa chỗ ẩm ướt. Thân có rễ, mọc ngầm ở dưới đất, phân đốt. Lá rau diếp cá mọc cách so le, có hình tim, có bẹ lá. Đầu lá hơi nhọn hoặc nhọn hẳn. Khi bứt lá vò ra sẽ có mùi tanh đặc trưng như mùi cá.
Đặc điểm cấu tạo (Ảnh sưu tầm)
Thân mọc cao khoảng 15-20cm, mọc đứng cao tầm 40cm, có lông. Thân có màu lục hoặc màu tím đỏ. Hoa mọc thành cụm được bao bởi 4 lá bắc màu trắng, bên trong lá các hoa nhỏ có màu vàng nhạt. Nếu trông xa cụm hoa sẽ trông giống như một bông hoa đơn lẻ. Quả nang mở ở đỉnh, có hình trái xoan, bề mặt nhẵn. Hoa thường nở vào tháng 5-8, quả tháng 7-10.
Thành phần hóa học của cây rau diếp cá
Trong diếp cá có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho cơ thể con người – có giá trị cao trong y học. Bao gồm các chất sáng giá như: vitamin A, vitamin B, chất Sắt, Protein và Canxi. Và các hoạt chất tốt cho sức khỏe: reynountrin, isoquercitrin, methyl-n-Nonykelton, calcium sulfate, calcium chloride và oleic acid. Cùng các thành phần hóa học khác: quercetin, hyperin, rutin, limonene, myrcene, capric acid, stearic acid, afzenfin, camphene.
Vitamin A
Là dưỡng chất giúp tăng sức đề kháng và hỗ trợ sáng mắt. Trong diếp cá, hàm lượng vitamin A chiếm rất cao. Do đó, bạn chỉ cần ăn một ít rau này là có thể bổ sung đủ lượng vitamin A cần thiết cho một ngày.
Rau diếp cá giúp sáng mắt (Ảnh sưu tầm)
Vitamin B
Đây là nhóm vitamin có thể hòa tan trong nước. Nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Đặc biệt là quá trình chuyển hóa carbohydrate thành đường và chuyển hóa chất béo.
Diếp cá chứa vitamin B tốt cho cơ thể (Ảnh sưu tầm)
Sắt
Sắt là một trong những nguyên tố vi lượng không thể thiếu trong sự phát triển chung của cơ thể con người. Công dụng của sắt bao gồm: giúp tế bào hồng cầu khỏe mạnh; giúp tăng cường chức năng nhận thức; giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh; cơ bắp chắc khỏe…
Sắt giúp tăng trưởng hồng cầu (Ảnh sưu tầm)
Protein
Trong rau diếp cá có chứa hàm lượng protein thực vật rất tốt cho con người. Bên cạnh đó, loại protein này còn giúp khắc phục những tình trạng mà protein động vật không thể làm được. Cụ thể là điều chỉnh huyết áp và thanh lọc lượng cholesterol xấu trong máu hiệu quả. Từ đó, nó có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hỗ trợ cải thiện sức khỏe và phục hồi cơ bắp cho con người.
Rau diếp cá chứa protein có lợi (Ảnh sưu tầm)
Canxi
Là một thành phần dường như ai cũng biết. Việc bổ sung canxi có lợi cho sự hoạt động của tim mạch, cơ bắp và hệ thần kinh và giúp máu đông. Bên cạnh đó, nó vô cùng cần thiết trong quá trình phát triển chiều cao của trẻ nhỏ cũng như tránh tình trạng bị loãng xương ở người lớn.
Hàm lượng canxi giúp trẻ phát triển (Ảnh sưu tầm)
Tác dụng dược lý của rau diếp cá
Diếp cá có công dụng lợi tiểu. Vì chất quercetin kết hợp với các chất vô cơ khác. Sau phản ứng, dung dịch chỉ còn 1/100.000 phân tử quercetin. Tuy nhiên, nó vẫn còn mang lại tác dụng lợi tiểu rất mạnh. Ngoài ra, còn có thêm hoạt chất isoquercitrin cũng có công dụng lợi tiểu.
Dẫn xuất của dioxy flavonon (3-4dioxyflavonon) đều có tính chất của rutin. Có tác dụng giúp cho huyết quản khó đứt vỡ đỏ hoặc phát phồng. Tuy nhiên, đây chỉ là lý thuyết chưa có ứng dụng thực tiễn, nên cần nghiên cứu thêm.
Chất cocdalin có thể làm kích ứng da, gây phồng.
Dược tính của diếp cá (Ảnh sưu tầm)
Hướng dẫn bảo quản và liều lượng sử dụng
Cách bảo quản
Đối với rau diếp cá tươi bạn nên dùng ngay sau khi hái hoặc có thể cho vào tủ lạnh để tránh bị hỏng. Đối với diếp cá được phơi khô, cần bảo quản nơi thoáng mát, nhiệt độ trung bình <30 độ C, tránh nơi ẩm thấp sẽ làm sản phẩm bị mốc.
Cách bảo quản diếp cá còn tươi (Ảnh sưu tầm)
Cách dùng – Liều dùng
Rau diếp cá có nhiều cách dùng: ăn sống, xay sinh tố, sắc thuốc uống. Tùy theo tình trạng sức khỏe và sở thích mà có thể lựa chọn cách dùng cho phù hợp. Tuy nhiên nên lưu ý đến liều lượng dùng diếp cá, bạn chỉ nên dùng 15-60g/ ngày.
Làm sinh tố thơm ngon, bổ dưỡng (Ảnh sưu tầm)
Lời kết
Trên đây là toàn bộ thông tin cơ bản về cây rau diếp cá mà plant.vn vừa cung cấp. Hy vọng đủ để các bạn hiểu rõ hơn về loại rau này. Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu công dụng của diếp cá, hãy chờ những bài viết tiếp theo nhé. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này.