Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Diếp cá.
Tên khác: Lá giấp; rau Giấp cá; Ngư tinh thảo; thuộc họ Lá giấp.
Tên khoa học: Herba Houttuyniae cordatae. Đây là một loài thực vật có hoa trong họ Saururaceae (Giấp cá).
Cây Diếp cá
Đặc điểm tự nhiên
Diếp cá là loài cây thảo, sống lâu năm, cao 20 – 40 cm. Cây có thân ngầm màu trắng ít lông, mọc bò ngang trong đất, rễ mọc ra từ các mấu. Thân nhẵn mọc đứng, màu tím đỏ hoặc xanh lục. Cuống lá dài, hình trụ tròn, có bẹ. Lá hình tim hoặc đầu nhọn xếp so le; mặt trên của lá màu lục sẫm, mặt dưới màu tím, dọc theo gân của cả 2 mặt lá có ít lông; lá kèm cũng có lông ở mép. Lá có 7 gân chính mọc toả từ cuống.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông dài 2 – 2,5cm, mang nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt, tổng bao gồm 4 lá bắc màu trắng giống cánh hoa, hoa nhị 3 và không có bao.
Cụm hoa Diếp cá mọc ở ngọn thân
Quả Diếp cá thuộc loại quả nang, mở ở đỉnh; hạt hình trái xoan. Toàn cây Diếp cá có mùi tanh giống cá.
Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.
Phân bố, thu hái, chế biến
Thế giới: Diếp cá phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới của châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Chi Houttuynia Thunb. của họ Saururaceae chỉ có duy nhất loài này.
Việt Nam: Diếp cá mọc hoang khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi (độ cao lên đến 1500m như ở Sa Pa). Ngoài ra, cây còn được trồng để làm thuốc và làm rau. Diếp cá rất dễ trồng, thường mọc ở đất ẩm và nhiều mùn. Cây sinh trưởng gần như quanh năm, có khả năng tái sinh chồi mạnh từ thân rễ. Cây ra hoa quả hàng năm trên những ngọn không bị ngắt và hái lá thường xuyên.
Thu hái: Thu hái lá Diếp cá quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa hạ, khi cây sinh trưởng mạnh nhất. Cắt lấy phần trên mặt đất của Diếp cá lúc trời khô ráo, giũ bớt đất cát, bỏ gốc rễ, phơi hoặc sấy khô nhẹ.
Chế biến: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt đoạn, phơi khô.
Bảo quản: Nơi khô mát.
Bộ phận sử dụng
Toàn bộ phận trên mặt đất của cây.
Dược liệu Diếp cá