Loại quả dại trước rụng đầy gốc, nay là đặc sản được săn lùng: Hóa ra cực tốt cho sức khỏe

Miền Tây mùa nước nổi không chỉ mang đến nguồn cá tôm dồi dào mà còn có nhiều loại cây trái đặc trưng, trong đó không thể không nhắc tới trái cà na.

Trái cà na là một đặc sản miền Tây, là thứ cây dân dã nhưng không kém phần độc đáo. Trước kia, cà na là loại cây mọc dại, quả rụng đầy gốc khi vào mùa, ít giá trị kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, loại quả này được biết tới là đặc sản, được nhiều người săn lùng tìm mua.

Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cà na được biết tới với tên gọi côm háo ẩm, côm cánh ướt, trám xanh (theo cách gọi miền Bắc).

Quả cà na được sử dụng làm thực phẩm ở một số nước Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây cà na mọc hoang dại hoặc được trồng ven sông rạch ở miền Tây Nam Bộ. Mùa hoa vào tháng 4 – 6, có quả tháng 9 – 10.

Tác dụng của cà na

Bác sĩ Vũ cho biết hiện nay, các công trình nghiên cứu trong nước và trên thế giới về loài cây này còn hạn chế. Tuy nhiên, tác dụng của cà na cũng dần được biết tới.

Theo kinh nghiệm dân gian, người dân dùng rễ, quả, lá cà na làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân dịch.

Loại quả dại trước rụng đầy gốc, nay là đặc sản được săn lùng: Hóa ra cực tốt cho sức khỏe- Ảnh 1.

Quả cà na chế biến thành món ăn vặt hấp dẫn (ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, vỏ cây cà na có tinh dầu và tanin, dùng để tắm chống ghẻ, chống dị ứng sơn và bảo vệ da. Quả cà na dùng làm mứt, muối dưa, ô mai… ăn kích thích tiêu hóa. Ngoài ra, theo y học cổ truyền, quả cà na còn là vị thuốc bổ máu, hỗ trợ lọc máu, chữa đau răng, giải rượu, chữa cổ họng sưng đau, có nhiều đờm.

Y học hiện đại đã tìm ra thành phần hóa học của thịt trái cà na gồm: protein, đường, chất béo, polyphenol, acid citric… Chất triterpen chiết xuất từ cà na còn có tác dụng bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại cho gan (thí nghiệm trên chuột); tăng kích thích tuyến nước bọt, tăng tiết dịch vị tiêu hóa. Chất xơ trong quả cà na giúp hỗ trợ tiêu hóa như kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón, bệnh trĩ, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Các chất chống oxy hóa trong cà na được cho là có khả năng phòng ngừa ung thư.

Bài thuốc từ cà na

Một số món ăn, bài thuốc có sử dụng quả cà na là:

– Chữa họng đau, sưng amidan, khô cổ: Dùng 6-12g cà na bỏ hạt và chiết dịch. Dùng dịch này ngậm thường xuyên. Hoặc có thể dùng quả tươi giã lấy nước uống hoặc hãm như trà dùng thờng xuyên.

– Phòng ngừa thiếu vitamin C: Cà na tươi 30 quả, sắc lấy nước, uống hằng ngày trong vài tuần.

– Chữa ho do cảm lạnh, phong hàn: Cà na hấp đường phèn, dùng ăn và uống hết phần nước.

– Chữa phụ nữ nôn mửa khó chịu khi có thai: Cà na 9 quả giã dập, sắc lấy nước dùng uống trong ngày.

– Chữa say rượu: Dùng cà na 10 quả, sắc lấy nước, dùng uống.
Qua tuổi 40, phụ nữ nên ăn 1 trong 7 loại quả giàu collagen bậc nhất này để xóa mờ nếp nhăn, ngăn chảy xệ da và bảo vệ xương khớp