Cây Nhân trần: Dược liệu dân gian giúp thanh nhiệt, trị vàng da

Nhân trần là dược liệu thường được dùng để điều trị vàng da có liên quan đến bệnh lý đường mật theo kinh nghiệm dân gian. Có ít nhất 3 cây khác nhau nhưng có cùng tên là Nhân trần cần chú ý khi sử dụng. Bài viết này chỉ nhằm giới thiệu cây Nhân trần Việt Nam và cây Nhân trần bồ bồ thuộc họ hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

Tìm hiểu chung

Nhân trần có tác dụng gì và một số bài thuốc chữa bệnh từ nhân trần

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Cây Nhân trần.
Tên khác: Chè cát; Chè nội; Hoắc hương núi.
Tên khoa học: Nhân trần Việt Nam là Adenosma caeruleum R. Br, thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae, Nhân trần bồ bồ là Adenosma capitatum Benth. thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Cây Nhân trần Việt Nam thường được người dân ở các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh) gọi là Nhân trần cái (miền Bắc) để phân biệt với cây Nhân trần bồ bồ (cây Nhân trần đực). Người dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh thường gọi nhầm là Hoắc hương núi.
Cây cỏ hoang cao, thân tròn và cao khoảng 0,3 – 1 m. Thân cây có màu tím, có lông trắng mịn. Lá có cuống 5 – 10mm, dạng hình trứng, mọc đối. Hình dạng lá dài 3 – 8 cm, rộng 1 – 3,5 cm và nhọn, mép lá có răng cưa to, nhiều lông mịn ở 2 mặt trên và dưới lá, có gân lá chạy dọc ở mặt dưới lá. Khi vò thân và lá có mùi thơm. Hoa mọc đơn hoặc mọc thành chùm. Quả có hình trứng với nhiều hạt nhỏ.

Cây bồ bồ, còn gọi là Nhân trần đực (tên gọi miền Nam). Lưu ý ở miền nam có cây Nhân trần tía còn gọi là Nhân trần cái (miền Nam) và không phải là Nhân trần Việt Nam được mô tả ở trên. Đây là cây cỏ, dài 15 – 70cm. Thân mọc nhẵn hoặc có ít lông, cành chia ra ngay từ gốc kèm lá mọc đối có cuống. Lá hình mác có đầu nhọn. Hoa tạo thành cụm hoa hình cầu có rất nhiều hoá.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây phân bố rộng khắp ở trung du miền núi phía Bắc chủ yếu tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Cây ra hoa vào mùa hè và đây cũng là thời điểm thích hợp để thu hái. Sau khi hái cả cây và hoa về có thể phơi hay sấy khô, buộc lại từng bó gồm cả cây và hoa.

cây nhân trần việt nam

Cây Nhân Trần Việt Nam

Bộ phận sử dụng

Thân, cành mang lá và hoa.

cây nhân trần dược liệu

Cành cây mang lá và hoa

Thành phần hoá học

Nhân trần Việt Nam: Tinh dầu có mùi cineol, saponin tritecpenic, flavonozit, axit nhân thơm, cumarin. Lưu ý tinh dầu sẽ có thành phần khác với tinh dầu Bồ bồ.
Bồ bồ: Saponin, glucozit, tinh dầu Bồ bồ.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Nhân trần nói chung có vị đắng, tình bình, hơi hàn, quy kinh bàng quang. Tác dụng:

Thanh nhiệt, trị thấp, dùng chữa nóng trong người, trị vàng da, tiểu tiện khó.

Ở phụ nữ mới sanh có thể giúp ăn ngon, hỗ trợ phục hồi sức khoẻ.

Chữa sốt, ra mồ hôi, trị vàng da, bệnh gan.

Nhân trần 3

Vị thuốc Nhân trần

Theo y học hiện đại

Bồ bồ kích thích tiết mật, chống viêm và kháng khuẩn
Tác dụng tăng tiết mật chỉ có ở cao cồn và tinh dầu còn khả năng chống viêm và kháng khuẩn thấy ở dịch trong cồn và nước.
Bồ bồ giúp giảm tiết dịch vị
Giảm loét dạ dày, giảm pH dịch vị.
Nhân trần giúp tăng tiết mật
Tác dụng này yếu hơn so với bồ bồ.
Nhân trần có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn, không có tác dụng giảm tiết dịch vị

Liều dùng & cách dùng

Liều trung bình 4 – 6g, tối đa 20g dưới dạng thuốc sắc hoặc sirô hoặc thuốc viên.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị sốt vàng da
Chuẩn bị: Nhân trần Việt Nam hoặc Bồ bồ 24g, Chi tử (Dành dành) 12g, Đại hoàng 4g.
Thực hiện: Cho vào 800ml nước, sắc còn 250ml, sau đó chia uống 3 lần/ngày.
Thanh nhiệt lợi thấp
Chuẩn bị: Nhân trần 300g, Sinh địa hoàng 60g, Trà 30g.
Thực hiện: Mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 10 – 15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây Nhân Trần:
Có ít nhất 3 cây khác nhau nhưng có cùng tên là Nhân trần cần chú ý khi sử dụng: Cây Nhân trần Việt Nam (họ hoa mõm chó Scrophulariaceae), Cây Nhân trần bồ bồ (gọi là Bồ bồ, cũng thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae), Cây Nhân trần Trung Quốc (thuộc họ Cúc Asteraceae) không có ở Việt Nam.

Nhân trần là loài cây gia vị đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Hương thảo có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.