Lệ dương là một loại cây quý hiếm với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Lệ dương có thể dùng trong điều trị quai bị, vết thương ngoài hoặc có tác dụng bổ máu. 1. Cây Lệ Dương là cây gì?
Cây thuốc Lệ dương còn có tên gọi khác là Tai đất, tên khoa học là Aeginetia indica L., thuộc họ Orobanchaceae (Lệ dương). Đây là loại cây thảo, không phân nhánh, thân ngắn và nhẵn, thường ký sinh trên rễ những cây họ Lúa hoặc họ Gừng.
Cây Lệ Dương không có lá, chỉ có những vảy hẹp mọc so le ở gốc thân. Hoa cây Lệ Dương mọc riêng lẻ trên một cán mảnh dài, đài hoa dạng mo, đầu nhọn, màu tím nhạt, có vằn đỏ. Quả là dạng quả nang, nằm trong đài, có hạt nhiều và có màu trắng vàng. Mùa hoa của cây Lệ Dương thường là tháng 8-9 và mùa quả là vào tháng 10 – 11. Lệ dương là cây mới chỉ thấy ở một số điểm thuộc vùng núi cao, như Sa Pa, tỉnh Lào Cai, xã Lao và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Ngoài ra, cây cũng phân bố ở một số vùng phía nam Trung Quốc và cận Himalaya thuộc Ấn Độ. Lệ dương là loại cây ưa ẩm, ưa sáng, thường gặp trên nương rẫy hay tầng cỏ thấp gần chân núi. Cây thường phân bố ở vùng có khí hậu gần như mát quanh năm và nhiệt độ trung bình 14 – 18°C. Vào mùa đông, sau thời kỳ ra hoa quả, toàn bộ phần trên mặt đất sẽ tàn lụi, chỉ còn lại phần dưới đất giống như dạng rễ cây lẫn với rễ của các loại cây cỏ khác.
Bộ phận dùng của cây Lệ Dương là hoa hoặc toàn cây, thu hái vào mùa thu khi cây đang ra hoa và dùng tươi hoặc phơi khô. 2. Tác dụng của cây lệ dương Thành phần hóa học trong cây Lệ dương gồm polysaccharide và protein có hoạt tính ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Ngoài ra, còn có acid aeginetic, các aeginetolid và các polyene D, F, E. Lệ dương có vị đắng, tính mát và có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, lương huyết.
Lệ dương có thể dùng trong điều trị quai bị, vết thương (cả cây giã đắp) hoặc có tác dụng bổ máu (cả cây ngâm rượu). Người dân Việt Nam thường dùng cả cây lệ dương giã dập và hơ nóng làm thuốc đắp ngoài để chữa vết thương. Ở Philippin, nước hãm của cây lệ dương được dùng chữa bệnh đái đường, nước sắc chữa phù thũng do viêm thận cấp gây ra. Còn ở Trung Quốc, lệ dương thường được sử dụng để chữa nhiễm trùng đường tiết niệu, họng sưng đau, viêm tủy xương hoặc mụn nhọt.
Một số bài thuốc có cây lệ dương
Chữa viêm tủy xương: Chuẩn bị lệ dương 15 – 30g, cam thảo 3g. Sắc nước uống. Có thể kết hợp dùng ngoài bằng cách lấy rễ và hoa tươi giã nát đắp.
Chữa hen suyễn: Sử dụng hoa lệ dương 15g, sắc nước thêm ít rượu uống.
Chữa rắn độc cắn: Lệ dương 30g, xạ hương 0,3g và rết 7 con; tất cả ngâm trong dầu vừng, sau đó dùng bôi ngoài.
Chữa họng sưng đau: Lệ dương 15 – 30g, sắc với nước, thêm đường kính hoặc mật ong để dễ uống. Hoặc bệnh nhân có thể dùng toàn cây vò nát, ép lấy nước, thêm giấm lượng với vừa đủ và dùng để súc miệng.
Chữa mụn nhọt: Sử dụng hoa lệ dương, vò nát với ít dầu vừng để đắp ngoài.
Bài viết đã cung cấp thông tin về tác dụng của cây lệ dương. Tại Việt Nam, lệ dương là loài cây rất hiếm gặp, cần được bổ sung vào danh sách các loài cây thuốc quý hiếm để được bảo tồn và phát triển.