Cây đậu săng hay đậu triều là thảo dược có nhiều tác dụng trị bệnh. Hạt cây dùng chữa ho, đau nhức gân cốt, cảm sốt. Phần rễ, lá và thân cây đậu săng cũng được thu hái làm thuốc.
Cây đậu săng cho hạt, thân, rễ và lá làm thuốc chữa bệnh
Tên gọi khác: Cây đậu triều, đậu cọc rào
Tên khoa học: Cajanus cajan ( L.) Millsp
Họ: Ðậu – Fabaceae
Mô tả về cây đậu săng
Cây đậu săng có danh pháp khoa học là Cajanus cajan ( L.) Millsp, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Trong dân gian, loại cây này được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như cây đậu triều hay đậu cọc rào. Dưới đây là đặc điểm nhận biết, khu vực phân bố, cách thu hái và bào chế thuốc từ cây đậu săng.
+ Đặc điểm thực vật
Cây đậu săng là một loài thực vật có hoa, thân bán gỗ, sống nhiều năm.
Thân cây khá chắc khỏe, phân nhiều cành có tán rộng. Chiều cao trung bình của cây dao động từ 1 – 3 mét.
Trên cành có nhiều đường nổi dọc. Lá kép, mọc so le ở cành
Hoa cây đậu săng có màu vàng nhạt, trông khá đẹp mắt. Hoa thường mọc thành chùm đâm ra từ các kẽ lá. . Mùa hoa thường bắt đầu từ khoảng tháng 1, sau đó kết quả.
Quả đậu săng dài, nhọn ở đầu, ngoài vỏ chứa ít lông. Trong quả chứa 2 – 9 hạt tròn, đường kính khoảng 8mm. Khi còn non có màu xanh hoặc trắng, khi già thường chuyển sang màu nâu nhạt, đỏ tía có lốm đốm.
Rễ cây đâm khá sâu và rộng. Rễ cái có thể ăn sâu vào trong đất tới 2 mét.
+ Khu vực phân bố
Cây đậu săng rất dễ phát triển. Chúng ưa sống ở các vùng đất có nồng độ pH từ 4.5 tới 8.4 hoặc những khu vực khô hạn mà ít có mưa. Loại cây này có nguồn gốc từ Ấn Độ và hiện đang được phân bố rộng rãi tại hầu hết các vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới nằm trong khu vực từ 30 độ Bắc đến 30 độ Nam.
Ở nước ta, cây đậu săng mọc hoang trong các khu đất trống, ven triền núi. Tại các thôn quê, người dân thường trồng cây vừa làm hàng rào, vừa thu hạt ăn. Từ năm 2009, cây được trồng thử nghiệm với diện tích lớn ở Trảng Bàng (Đồng Nai) và thu được kết quả khá khả quan.
+ Bộ phận sử dụng:
Trong ẩm thực, quả và hạt xanh của cây đậu săng được thu hái làm rau ăn. Phần hạt già thì được người dân dùng để nấu súp, nấu xôi hoặc ủ làm giá. Bên cạnh đó, cây còn được dùng trong công nghiệp sản xuất phân bón, làm nhựa cánh kiến, chế tạo đồ thủ công mỹ nghệ hoặc làm nhiên liệu đốt.
Trong y học cổ truyền, các bộ phận của cây đậu săng gồm hạt, thân cây hay rễ và lá đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
+ Thu hái – Sơ chế:
Cây đậu săng rất ít bị nhiễm sâu bệnh nên năng suất khá cao. Quả thường được thu hoạch vào tháng 1 – tháng 3 hàng năm sau khi đã chín khô trên cây, đem về tách vỏ lấy hạt. Thân và rễ cây được thu hoạch sau khi hái hết quả.
Các bộ phận trên sau khi thu hái được đem về rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô. Rễ và thân được thái mỏng trước khi phơi.
+ Thành phần hóa học:
Các thành phần hóa học có trong đậu săng bao gồm:
Protein
Chất xơ
Folate
Vitamin B2 (Riboflavin)
Vitamin B3 (Niacin)
Vitamin C…
Vị thuốc cây đậu săng
+ Tính vị, quy kinh
Đậu săng có tính mát, vị đắng
+ Cây đậu săng có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, cây đậu săng có tác dụng ấm phế, kích thích lưu thông huyết mạch, trợ tỳ, ấm phế, làm tiêu thực.
Chủ trị:
Rễ cây: Hạ sốt, tiêu độc, giảm viêm, chữa đái đêm
Hạt: Ngoài những tác dụng như rễ, hạt đậu săng còn được sử dụng để chữa ho, gân cốt nhức mỏi hoặc chữa cảm.
Lá có tác dụng gây nôn cho các trường hợp bị ngộ độc thuốc trừ sâu, sắc uống trị lỵ hoặc nấu nước tắm rửa chữa các bệnh lý ngoài da.
Hạt đậu săng có tác dụng chữa ho, nhức mỏi gân cốt
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, hạt đậu săng cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Chúng giúp ổn định đường huyết, kích thích sản sinh tế bào mới, ngăn ngừa thiếu máu, chống khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi, kháng viêm, cải thiện các triệu chứng của bệnh trĩ, nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa, tim mạch và tăng cường khả năng miễn dịch.
+ Liều lượng và cách sử dụng:
Liều lượng và cách sử dụng vị thuốc từ cây đậu săng còn phụ thuộc vào vấn đề sức khỏe cần điều trị. Người bệnh nên sử dụng theo hướng dẫn của thầy thuốc để đạt được hiệu quả tối ưu.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây đậu săng
1. Điều trị cảm sốt, mụn nhọt hoặc sởi ho ở trẻ em
Chuẩn bị: Rễ đậu săng 15 gram, sài đất 10 gram, kim ngân hoa 10 gram
Cách dùng: Sắc lấy nước đặc uống ngày 1 thang.
2. Thanh nhiệt, trị nóng trong, giải khát
Chuẩn bị: Hạt đậu săng
Cách dùng: Sao vàng rồi lấy nước uống hàng ngày cho đến khi các triệu chứng trên chấm dứt hẳn.
3. Điều trị đau nhức răng hàm hoặc chảy máu cam cho người cao tuổi
Chuẩn bị: 10 lá đậu săng, 1 thìa muối ăn
Cách dùng: Rửa sạch lá đậu săng rồi đem giã nát với muối. Lấy bã ngậm trong miệng khoảng 5 phút và nuốt nước tiết ra. Mỗi ngày thực hiện vài lần.
Người già bị đau nhức răng có thể giã lá đậu săng với muối ngậm, giúp cải thiện nhanh tình trạng sưng đau
4. Chữa sưng đau họng, cảm, ho
+ Bài 1:
Chuẩn bị: Rễ đậu săng, rễ xạ can, phèn chua
Cách dùng: Rễ đậu săng và rễ xạ can tán bột. Khi dùng lấy một ít bột thuốc trộn chung với phèn chua giúp chữa bệnh ho, cảm, đau họng.
+ Bài 2:
Dùng hạt đậu săng sao vàng. Sắc uống theo liều lượng khuyến cáo của thầy thuốc.
5. Chữa bệnh ban sởi có kèm theo các dấu hiệu khác như chướng bụng, đầy hơi, tiêu lỏng nhiều lần trong ngày
Chuẩn bị: Lá đậu đậu săng, lá bạc hà, hoa kinh giới, trần bì lâu năm, củ bồ bồ, lức cây, củ sả, hậu phác (sao), hương phụ (sao). Mỗi dược liệu dùng 100g.
Cách làm: Tất cả tán thành bột mịn. Người trưởng thành mỗi lần lấy 1 thìa cà phê pha với nước uống, trẻ em dùng liều phân nửa. Mỗi ngày uống từ 2 – 3 lần.
6. Điều trị viêm nướu răng, trẻ bị sốt hoặc khóc đêm vì mọc răng
Chuẩn bị: 5 – 7 lá cây đậu săng (nên lựa chọn những lá mà mặt trên đã chuyển sang màu tím thẫm), 1/2 thìa muối.
Cách làm: Rửa sạch lá, bỏ vào cối giã nát cùng với muối. Vắt nước cốt cho trẻ uống.
7. Chữa ghẻ ngứa, viêm da gây ngứa
Dùng lá đậu săng nấu nước tắm rửa hàng ngày.
Trên đây là những thông tin về cây đậu săng và cách sử dụng cây thuốc chữa bệnh. Để đạt được hiệu quả tối ưu, người bệnh nên tham vấn ý kiến thầy thuốc, bác sĩ chuyên khoa và dùng dược liệu theo đúng liều lượng được khuyến cáo.