Nội dung bài viết
Đặc điểm thực vật cây đuôi công
1. Hình dạng nhận biết
2. Phân loại – Phân bố
3. Bộ phận dùng – Thu hái – Sơ chế – Bảo quản
4. Thành phần hóa học
Công dụng của dược liệu cây đuôi công
Các cách sử dụng dược liệu cây đuôi công
Một số lưu ý khi sử dụng cây đuôi công để chữa bệnh
Cây đuôi công từ lâu được biết đến là loại thực vật được tận dụng để làm dược liệu giúp chữa trị một số bệnh lý như đau nhức khớp, bong gân, mát gan, giảm đau dạ dày… Cùng tìm hiểu kỹ hơn về loại dược liệu này trong bài biết dưới đây.
Cây đuôi công là loại dược liệu giúp chữa trị một số bệnh như đau nhức khớp, bong gân, giảm đau dạ dày…
Đặc điểm thực vật cây đuôi công
Tên thường gọi: cây đuôi công
Tên gọi khác: cây lá dính
Tên khoa học: Plumbago indica L
Họ: Đuôi công – Plumbaginaceae
1. Hình dạng nhận biết
Bạn có thể dễ dàng nhận biết cây đuôi công thông qua một số đặc điểm sau:
Cây đuôi công là loại cây thân thảo, chiều cao trung bình từ 0.5 – 0.7m.
Trên thân có vài chỗ hóa gỗ xù xì, cành có khía dọc mảnh và hiện đốt rõ.
Lá đuôi công mọc so le, có hình bầu dục thuôn hoặc hình trứng, đầu nhọn, mép lượn sóng. Mặt trên của lá có màu sẫm bóng, còn mặt dưới trắng nhạt.
Hoa màu trắng hoặc đỏ mọc ra từ kẽ lá hoặc ngọn, tràng hoa dài gấp đôi đài hòa, được phủ lông dính.
Quả đuôi công dạng lép, ra quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào tháng 5 – 6.
2. Phân loại – Phân bố
Có rất nhiều loại cây đuôi công với hình dạng và màu sắc khác nhau, trong đó nếu xét về màu sắc của hoa thì loại thực vật này được chia làm 2 loại gồm cây đuôi công hoa trắng và cây đuôi công hoa đỏ. Trong đó, cây đuôi công hoa đỏ thường mọc hoa xếp thành những bông dài ở phần ngọn và hơi phân nhánh ở phần phía trên.
Cây đuôi công có nguồn gốc từ Ấn Độ và các quốc gia thuộc vùng nhiệt đới, đặc biệt ở các nước Đông Dương. Cây chủ yếu mọc hoang dại ở nhiều nơi trong tự nhiên với gam màu nổi bật tươi sáng, ngày nay cây còn được tận dụng để trang trí làm cảnh và dùng làm dược liệu chữa bệnh hiệu quả.
Một số hình ảnh về cây đuôi công
Hình ảnh cây đuôi công hoa trắng
Hình ảnh cây đuôi công hoa đỏ
3. Bộ phận dùng – Thu hái – Sơ chế – Bảo quản
Bộ phận dùng: Rễ và lá cây đuôi công là 2 bộ phận được sử dụng để làm dược liệu chữa bệnh.
Thu hái: Có thể thu hái quanh năm.
Sơ chế: Lá đuôi công có thể dùng tươi, còn rễ rửa sạch, thái lát đem phơi khô/ sấy khô sử dụng dần.
Bảo quản: Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát để tránh mối mọt, ẩm mốc.
4. Thành phần hóa học
Trong rễ và lá cây đuôi công có chứa hoạt chất plumbagin. Đây là một loại oxymethyl naphtoquinin có khả năng ức chế sự hình thành và sinh trưởng của các loại vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể, điển hình là vi khuẩn gram + như Streptococcus, Staphylococcus, Pneumococcus.
Công dụng của dược liệu cây đuôi công
Trong Đông y ghi nhận, cây đuôi công là loại dược liệu được sử dụng phổ biến. Rễ có vị đắng chát, lá có vị cay, tính nóng, có độc, có tác dụng lợi tiêu hóa, điều kinh, thông hơi (đối với cây đuôi công hoa đỏ), công dụng tán ứ tiêu sưng, khu phong trừ thấp (đối với cây đuôi công hoa trắng). Cụ thể như:
Cây đuôi công hoa đỏ:
Làm thuốc chữa ho, bệnh tê thấp, liệt, hắc lào, chướng bụng, khó tiêu.
Rễ cây đuôi công hoa đỏ dùng để điều trị hiệu quả bệnh giang mai, phong cùi, ung thư…
Ở Ấn Độ sử dụng loại dược liệu này như một chất trương lực kích thích để điều trị bệnh thấp khớp, bại liệt.
Ở Thái Lan còn dùng cây đuôi công để điều trị bệnh trĩ.
Cây đuôi công hoa trắng:
Có tác dụng thư cân hoạt huyết, làm sáng mắt;
Hoạt chất Plumbagin có khả năng sát trùng, giảm sưng viêm hiệu quả, ngăn ngừa viêm loét;
Kích thích sự hoạt động của các mô cơ ở liều thấp và có khả năng làm tê liệt với liều cao;
Gây ra co thắt mô cơ của ruột, tim và giun ký sinh;
Kích thích quá trình bài tiết nước tiểu, tiết mồ hôi và mật;
Tác động kích thích hiệu quả đến hệ thần kinh;
Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, phong thấp, đau dạ dày, sưng phù, bong gân, nổi mụn nhọt…
Ở Philippin sắc rễ cây đuôi công để trị ghẻ;
Ở Ấn Độ dùng rễ trị các bệnh ngoài da, phù nề toàn thân, tiêu chảy, dịch sữa của cây đuôi công dùng để trị mụn loét, ghẻ lở…
Lá cây đuôi công có vị cay, nóng, có độc, có tác dụng lợi tiêu hóa, điều kinh, thông hơi, tán ứ tiêu sưng, khu phong trừ thấp
Các cách sử dụng dược liệu cây đuôi công
Có rất nhiều cách sử dụng cây đuôi công, tùy theo loại bệnh, tình trạng bệnh của từng người mà cân nhắc áp dụng cách thực hiện phù hợp:
Cách 1: Dùng 10 – 15g rễ đuôi công rửa sạch, sắc lấy nước uống ngày 2 – 3 lần giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan, trị ho, chữa khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi…
Cách 2: Ngâm rượu rễ đuôi công và dùng để xoa bóp giúp cải thiện các triệu chứng đau nhức, tê thấp…
Cách 3: Rửa sạch lá đuôi công, giã nát và đắp trực tiếp lên da từ 15 – 20 phút để tiêu sưng mụn nhọt, giảm ngứa ngáy, trị rắn cắn, bệnh trĩ…
Một số lưu ý khi sử dụng cây đuôi công để chữa bệnh
Để đạt được hiệu quả cao khi dùng cây đuôi công để chữa bệnh, cần đảm bảo nắm rõ một số lưu ý sau đây:
Không dùng dược liệu này cho phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh để tránh gây ảnh hưởng cho sức khỏe của mẹ và con.
Trường hợp sử dụng dược liệu đắp ngoài da bị bỏng rộp hãy dùng acid boric để rửa vùng da bị tổn thương.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng dược liệu cây đuôi công nếu gây ra bất kỳ triệu chứng bất thường nào hãy ngưng sử dụng và đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
Kết hợp chữa trị bệnh bằng các biện pháp chăm sóc khoa học để phục hồi bệnh nhanh hơn.
Có thể thấy, dược liệu cây đuôi công với nhiều công dụng chữa bệnh hay, tuy nhiên hiệu quả của các bài thuốc khi áp dụng vào thực tế có thể sẽ thay đổi tùy theo mức độ bệnh, cơ địa và khả năng đáp ứng thuốc… Tốt nhất, người bệnh nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi sử dụng để đảm bảo không xảy ra rủi ro ngoài ý muốn.