Đặc điểm tự nhiên của cây cúc bách nhật
Cúc bách nhật là một loại cây thảo sống hàng năm, thân hình trụ mọc thẳng đứng, cao từ 20 – 60cm. Lá mọc đối, hình bầu dục, dài 5 – 10cm, rộng 2 – 4cm, gần như không có cuống. Cả thân và lá đều có lông mềm và nhỏ. Hoa thường nở vào mùa hạ, có màu tím nhạt, trắng hoặc hồng sẫm, hợp thành đầu dày đặc dáng hình cầu, mọc ở đỉnh. Quả là một túi có vỏ mỏng như màng. Hạt hình trứng, màu nâu đỏ, bóng nhoáng.
Để làm thuốc, cúc bách nhật được thu hái vào mùa hè, phơi hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần.
Cúc bách nhật thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đầu phong (đau đầu do phong hoả, khi đau, khi không, có sự xúc động thì đau), mục thống (đau mắt), khí suyễn khái thấu (ho hen), lỵ tật (bệnh kiết lỵ), bách nhật khái (ho gà), tiểu nhi kinh phong (trẻ em co giật), loa lịch (lao hạch), sang dương (lở loét)…
Bài thuốc chữa bệnh từ cây cúc bách nhật
Điều trị bệnh hen phế quản: Tỳ bà diệp, cúc bách nhật và lá một hoa mỗi vị 6g, nhót 10g. Sắc thuốc chia 2 lần uống vào buổi sáng và buổi tối. Hoặc có thể tán tất cả thành bột, mỗi lần lấy 1,5 – 3g pha với nước ấm uống x 2 – 3 lần trong ngày.
Chữa bệnh đau mắt đỏ: Cúc hoa và tang diệp mỗi vị 15g, hoa cúc bách nhật 10g. Đun sôi kỹ lấy nước chia uống 2 lần thay trà.
Cải thiện thị lực: Chuẩn bị cỏ nhọ nồi, hoa cúc bách nhật, chử thực tử mỗi vị 10g, quốc lão 15g. Các vị trên gộp lại sắc uống.
Tăng huyết áp: hoa cúc bách nhật 15 g, hạ khô thảo 30 g, cúc hoa 15 g, mạch môn 10 g, thạch hộc 10 g, tang diệp 10 g, sắc uống.
Điều trị đau đầu do bị phong hỏa: Dùng hoa cúc bách nhật, dây móc câu và cương tàm mỗi vị 6g, cúc hoa 10g. Sắc thuốc mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần dùng.
Điều trị bệnh viêm đại trạng thể lỏng ở giai đoạn mãn tính: Lấy 15g hoa cúc bách nhật, 10g ngũ trảo và 30g câu cốt diệp. Sắc uống
Điều trị ho cho các trường hợp bị ngoại cảm phong nhiệt: Dùng 20g hoa cúc bách nhật phối hợp với 30g nhót tây (tỳ bà diệp), 10g bạc hà. Sắc thuốc với 5 cốc nước lớn cho cạn còn 3 cốc. Chia đều ra uống vào các buổi sáng, trưa, tối. Nên uống khi thuốc sắc còn ấm để xoa dịu cơn ho và tình trạng kích ứng trong cổ họng.
Điều trị bệnh hen suyễn hoặc viêm phế quản: Dùng 10 bông hoa cúc bách nhật tươi ( tương đương 15-20 g hoa khô). Sắc lấy nước đặc uống.
Hoặc có thể kết hợp 20 bông hoa cúc bách nhật tươi với 5 lá ba diệp. Sắc uống
Hoặc dùng sắc hoa cúc bách nhật với kim tiền thảo lấy nước chia uống 3 lần. Liều dùng mỗi vị là 30g.
Hoặc dùng 6g hoa và 9g rễ cúc bách nhật nấu kỹ. Gạn nước uống
Hoặc chuẩn bị 15g hoa cúc bách nhật, nga bất thực thảo và cam thảo dây mỗi vị 30g. Dùng thuốc theo hình thức sắc uống.
Hoặc mỗi ngày sắc uống 1 thang thuốc bao gồm các vị: Cúc bách nhật, tỳ bà diệp, hạnh nhân mỗi thứ 10g, ma hoàng sao 6g.
Điều trị bệnh kiết lỵ: Lấy 10 bông hoa cúc bách nhật sắc kỹ. Khi uống hòa thêm một chút rượu vang vào trong thuốc sắc.
Hoặc kết hợp các vị trần bì, hoa cúc bách nhật mỗi thứ 15g, thược dược 20g, mộc hương 6g. Sắc uống đều đặn 1 thang mỗi ngày.
Điều trị tiểu tiện không thông: Chuẩn bị 9g bông cúc bách nhật, sắc dược liệu theo liều lượng như trên uống làm 3 lần trong ngày
Chữa khóc dạ đề cho trẻ em: Chuẩn bị 5 bông cúc bách nhật tươi, 3 cái xác ve sầu (thuyền thoái), 3g cúc hoa. Sắc thuốc cho bé uống
Điều trị chướng bụng ở trẻ em: Dùng 6 – 9g dược liệu khô sắc uống.
Hoặc kết hợp 6g lai phục tử với 5g bông cúc bách nhật. Sắc thuốc cho trẻ uống mỗi ngày 1 thang.
Chữa chứng kinh phong cho trẻ em: Dùng 10 hoa cúc bách nhật, 7 con cào cào (phơi khô) đem sắc cả hai vị đã chuẩn bị. Gạn nước cho bé uống. Nếu không có cào cào thì có thể thay thế bằng 6g dược liệu sắc uống độc vị.
Điều trị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng ở trẻ em: Dùng bạch truật, cát căn (sao vàng), bạch linh mỗi vị 12g, bông cúc bách nhật 6g, hạt mã đề 10g. Sắc lấy nước cho bé dùng
Điều trị viêm loét ngoài da: Chuẩn bị 15 – 30g cúc bách nhật. Dùng dược liệu nấu nước rửa vùng da bị bệnh hoặc sắc uống.
Điều trị bệnh ho gà: Lấy 19g hoa cúc bách nhật bỏ vào ấm sắc chung với 15g nga bất thực thảo. Thuốc sắc xong gạn ra, thêm một chút đường phèn vào, hòa tan, chia uống 3 lần.
Hoặc: Chuẩn bị bạch cương tàm, câu đằng và hoa cúc bách nhật mỗi vị 10g, bối mẫu 6g, bách bộ (sao vàng) 6g. Tất cả sắc chung uống mỗi ngày 1 thang cho đến khi hết ho.
Hoặc: Chuẩn bị lá húng chanh và cúc bách nhật mỗi vị 6g, đu đủ 4g, trần bì ( vỏ quýt ) 5g. Sắc thuốc lấy 150ml nước. Chia uống 3 lần liên tục 1 tuần liền để cải thiện các triệu chứng bệnh.
Lưu ý: Không dùng cúc bách nhật cho người bị huyết áp thấp, đối tượng bị dị ứng với một trong các thành phần của cúc bách nhật.