Cây móng tay là một trong những vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền do có nhiều tác dụng trong chữa bế kinh, đau nhức cột sống, trị hói đầu và hắc lào, ghẻ lở,…
Đặc điểm của cây móng tay
Cây móng tay là loài thực vật thân nhỏ, chiều cao chừng 3 – 4m. Thân có gai có đầu cành nhưng không nhọn và vỏ nhẵn. Lá mọc đối xứng, phiến hình trứng, đơn, 2 đầu dẹp, cuống ngắn, phiến rộng 1 – 1.5cm và dài 2 – 3cm. Hoa mọc ở đầu cành, hình thùy, dạng chùm, ban đầu có màu trắng nhưng khi già chuyển sang màu đỏ và vàng sậm, hoa có mùi thơm hăng hắc.
Quả nang hình cầu, kích thước to bằng hạt tiêu, có 4 cạnh dọc và bên trong có 4 ngăn. Quả chứa nhiều hạt nhỏ, vỏ dai và dày. Cây lá móng tay được trồng bằng hạt, cây ưa sống ở vùng đất màu, khí hậu ẩm và nóng.
Lá của cây móng tay được sử dụng để làm thuốc. Ngoài ra thân, hoa và rễ của cây cũng được dùng nhưng ít phổ biến hơn.
Tác dụng trong chữa bệnh của cây móng tay
Theo y học cổ truyền
Cây móng tay có vị đắng, tính ấm, có tác dụng làm giãn gân cốt, hoạt kinh chỉ thống, có thể chữa cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, vàng da, phong thấp đau nhức, tê thấp.
Dùng ngoài, lá móng tay tươi giã nhuyễn trộn với dấm đắp trị ghẻ lở, nhọt độc, hắc lào, rắn cắn, côn trùng độc cắn…
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn: Lá móng tay cũng có tác dụng ức chế các vi khuẩn sau: Shigella flexneri, Shigella Matsunei, Escherichia coli và chống amip.
Tác dụng chống viêm: Các chất chiết xuất từ cồn cao và rosen từ lá móng tay có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
Tác dụng lợi tiểu: Nước sắc lá móng tay dùng để uống có tác dụng lợi tiểu, lợi mật (Thí nghiệm trên chuột).
Tác dụng kháng dị ứng: Lá móng có tác dụng kháng estrogen đối với chuột.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây móng tay
Trị hắc lào, ghẻ lở: Dùng 100g lá sả, 100g lá ổi và 200g lá móng tay. Hỗn hợp dược liệu được rửa sạch, đem sắc với 3 lít nước. Nước sắc được hòa loãng thêm bằng nước lạnh, dùng tắm mỗi ngày sẽ giúp trị hắc lào, ghẻ lở. Người bệnh nên thực hiện bài thuốc liên tục trong 14 ngày để đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, dùng lá móng tay tươi đã được rửa sạch, để ráo nước và giã với 1⁄2 thìa muối tinh, thêm 3 thìa giấm nuôi rồi đem chắt lấy nước uống, bã dùng đắp lên vị trí da bị tổn thương. Thực hiện bài thuốc 2 lần mỗi ngày, liên tục trong 10 ngày.
Chữa chấn thương do té ngã, đau nhức cột sống: Dùng 10g cam thảo, 50g cốt toái bổ (dược liệu đã được cạo sạch lông, cắt lát mỏng và phơi trong 3 nắng), 50g cây lá móng tay (dùng toàn cây), 15g ngũ gia bì và 15g cẩu tích. Hỗn hợp được liệu được rửa sạch và sắc với 1 lít nước đến khi còn lại khoảng 300ml thì dừng. Nước thuốc được chia thành 4 lần uống trong ngày (sáng, trưa, chiều, tối), sử dụng bài thuốc liên tục trong 30 ngày.
Giúp mọc tóc, trị hói đầu: Dùng lá cây móng tay tươi đem rửa sạch, phơi trong bóng mát đến khi khô rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 60g bột thuốc đem hòa tan với 250g dầu mù tạt, đun nóng rồi lọc qua vải thưa, bảo quản trong lọ kín. Dùng một ít thuốc thoa lên vùng da đầu bị hói hàng ngày, duy trì sử dụng bài thuốc đến khi đạt được kết quả mong muốn.
Trị mất kinh hay bế kinh: Dùng 50g lá móng tay, 30g nghệ đen và 40g ích mẫu. Hỗn hợp dược liệu được rửa sạch, đem sắc với 500ml nước đến khi còn khoảng 200ml thì dừng. Dùng nước thuốc sắc được uống 3 lần trong ngày. Để đạt hiệu quả cao, người bệnh nên sử dụng bài thuốc trước kỳ kinh nguyệt khoảng 15 ngày.
Trị sưng đau tỳ vị, đau vùng hông và hạ sườn: Dùng 20g lá cây móng tay tươi, 15g cỏ nhọ nồi và 20g rau má tươi. Lá móng tay được cắt khúc dài 3cm. Đem tất cả dược liệu được rửa sạch, để ráo nước, đem sao khử thổ sau đó sắc với 1 lít nước đến khi cong 300ml nước thuốc thì dừng. Nước thuốc được chia uống 3 lần mỗi ngày, sử dụng bài thuốc liên tục trong 4 tuần.
Giảm sưng: Lá móng tay 10g, ngải cứu, huyết giác, mỗi vị 12g và tô mộc 10g, nghệ 8g sắc uống.
Điều trị viêm gan: Lấy 30g lá móng tay, ích mẫu mộc thông, dành dành, huyền sâm, mỗi vị 15 – 20g. Sắc uống.
Chữa bệnh nấm da kẽ chân: Lá móng tay 100g, rửa sạch, giã nát với ít muối, đắp băng lại. Nên sử dụng vào ban đêm để tránh việc đi lại. Thay đổi thuốc hàng ngày trong tuần đầu tiên. Tuần thứ hai, áp dụng 2 ngày một lần và tuần thứ ba, áp dụng 3 ngày một lần.
Lưu ý
Không sử dụng dược liệu trong điều trị bệnh cho trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có chứng ứ huyết.
Tránh nhầm lẫn cây lá móng tay với bông móng tay (Impatiens balsamina L) – thuộc họ Bóng nước.
Mặc dù cây lá móng tay có nhiều công dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên cũng như các vị thuốc khác dược liệu này có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.