Sau kỳ Asiad 2018 thành công đột biến, điền kinh Việt Nam bất ngờ không giành được tấm huy chương nào tại Hàng Châu năm nay, trong khi các đối thủ trực tiếp ở Đông Nam Á có bước tiến vượt bậc.
Môn điền kinh Asiad 19 chính thức khép lại ngày 5/10/2023 với đầy tiếc nuối với điền kinh Việt Nam. Từ quốc gia nằm trong Top 10 xếp hạng Á vận hội 2018, sau 5 năm, điền kinh Việt Nam biến khỏi bảng xếp hạng huy chương.
Thành công đột biến của Asiad 2018
5 năm trước tại Indonesia, điền kinh Việt Nam đã tạo ra kỳ tích khiến cả giới chuyên môn trong nước cũng bất ngờ. Giành tới 2 HCV, có tấm HCV điền kinh đầu tiên trong lịch sử dự Á vận hội, cộng với 3 tấm HCĐ khác, điền kinh Việt Nam mạnh mẽ lọt vào Top 10 bảng xếp hạng tổng sắp với vị trí rất cao: 7.
Năm đó, Bùi Thị Thu Thảo với cú nhảy 6.55m ở ngay lần thi đấu đầu tiên (6 lượt nhảy) đã xuất thần hạ tất cả các đối thủ khác để đoạt tấm HCV nhảy xa đầy cảm xúc. Lần đầu tiên quốc gia Việt Nam đã vang lên trên đấu trường Á vận hội ở một nội dung điền kinh.
Bùi Thị Thu
Thảo không thể bảo vệ được HCV nhảy xa nữ, nhưng đã nỗ lực trở lại điền kinh đỉnh cao sau khi đã sinh con và bước vào tuổi 31 – Ảnh: Tuấn Đạt
Cũng trong năm 2018, Quách Thị Lan về nhì chạy 400m rào nữ với thành tích 55 giây 30 (55.30). Tuy nhiên, cô gái Thanh Hóa được đôn lên nhận HCV do đối thủ Kemi Adekoya (Bahrain) dính doping. Thời điểm đó, ngôi sao nhập tịch gốc Nigeria lập kỷ lục Asiad với thông số 54.48 (sau đó bị hủy kết quả vì án phạt doping).
3 tấm HCĐ còn lại thuộc về Nguyễn Thị Oanh ở nội dung chạy 3000m chướng ngại vật (9:43.83, kỷ lục quốc gia); đội chạy 4x400m nữ gồm Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Ngọc, Quách Thị Lan (3:33.23) và Vũ Thị Mến (nhảy ba bước nữ , 13.93m).
Với kết quả này, Việt Nam xếp hạng 7 chung cuộc ở môn điền kinh Asiad Jakarta 2018, thứ hạng cao nhất trong lịch sử. Việt Nam đứng sau Trung Quốc (12 HCV, 13 HCB, 9 HCĐ), Bahrain (10, 6, 6), Ấn Độ (8, 9, 3), Nhật Bản (6, 2, 10), Qatar (4, 2, 1) và Iran (2, 1, 0).
Năm đó, chỉ có Thái Lan và Indonesia lọt vào bảng xếp hạng những quốc gia có huy chương điền kinh Asiad 18. Thái Lan có 3 HCB, 2 HCĐ còn Indonesia có 2 HCB, 1 HCĐ.
Lần ra về trắng tay ở Asiad 19
5 năm sau, đến với đấu trường Á vận hội Hàng Châu (Trung Quốc), điền kinh Việt Nam dựa vào thực lực hiện tại cũng đã lường trước được khó khăn. Bảo vệ 2 tấm HCV, 3 HCĐ là một nhiệm vụ bất khả thi nên đội giảm chỉ tiêu xuống còn “giành huy chương”.
Đội chạy tiếp
sức 4x400m nữ Việt Nam hụt HCĐ Asiad 19 đầy tiếc nuối dù xác lập thông số tốt nhất mùa giải 2023 – Ảnh: Tuấn Đạt
Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đội đoàn điền kinh Việt Nam dự Asiad 19, cho biết các nội dung cá nhân của điền kinh Việt Nam năm nay khó có cửa giành huy chương, chứ chưa nói đến HCV. Trong bối cảnh các quốc gia đã tiến bộ rất nhiều, cộng với lực lượng VĐV nhập tịch đông đảo (đặc biệt là Bahrain) thì để có huy chương cá nhân là gần như không thể.
Nội dung tiếp sức 4x400m nữ mang áp lực gánh chỉ tiêu phải có huy chương khi cách đây hơn 2 tháng đã bất ngờ giành HCV giải châu Á tổ chức ở Thái Lan. Bộ tứ Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Hằng đã thi đấu rất tốt, xác lập thông số cao nhất của năm 2023 là 3:31.61, nhưng vẫn không đủ để giành HCĐ.
Bahrain lập kỷ lục Đại hội 3:27.65 với đội hình nhập tịch đa quốc gia châu Phi. Ấn Độ vẫn thể hiện đẳng cấp chạy tiếp sức hàng đầu châu Á với thành tích 3:27.85 để xác lập kỷ lục quốc gia mới. Trong khi đó, cú nước rút của Sri Lanka (3:30.88) ở những mét cuối đã cướp đi cơ hội của HCĐ của các cô gái Việt Nam.
Trước những
đối thủ rất mạnh, Nguyễn Thị Oanh không bảo vệ được tấm HCĐ chạy 3000m chướng ngại vật nữ ở Asiad Hàng Châu – Ảnh: Tuấn Đạt
“Đỏ mắt” trước các đối thủ trực tiếp ở SEA Games
Điền kinh Việt Nam từng 3 kỳ liên tiếp dẫn đầu SEA Games (2017-2019-2021) trên bảng tổng sắp huy chương, vượt qua Thái Lan và bỏ khá những đối thủ trực tiếp như Philippines, Indonesia hay Malaysia… Nhưng năm nay, tại chính Asiad 19, trong khi Việt Nam không xuất hiện trên bảng xếp hạng huy chương (21 quốc gia có huy chương), thì những đối thủ trên lại có thành tích rất tốt ở những nội dung danh giá.
Đáng chú ý nhất phải kể đến Singapore, quốc gia không có huy chương nào ở Asiad 18, thì nay lọt vào Top 10 với 1 HCV, 1 HCB. Cả hai tấm huy chương của quốc đảo nhỏ bé này đều đến từ hai nội dung chạy ngắn rất danh giá.
Shanti
Pereira trở thành “người hùng điền kinh Singapore” khi giành HCV chạy 200m nữ và đoạt HCB 100m nữ Asiad 19 – Ảnh: Tuấn Đạt
Shanti Pereira trở thành “người hùng điền kinh Singapore” khi giành HCV chạy 200m nữ và đoạt HCB 100m nữ. Cô gái này đã chấm dứt chuỗi khát HCV điền kinh kéo dài 49 năm tại Á vận hội cho Singapore kể từ thời Chee Swee Lee giành HCV 400m nữ ở Asian Games Tehran 1974 tại Iran. Shantin từng là người thua Lê Tú Chinh và Kristina Knott (Philippines) ở những kỳ SEA Games gần đây (2017-2019) tại hai nội dung trên.
Philippines cũng từ quốc gia không có huy chương điền kinh ở Asiad 18 thì kỳ này có tấm HCV danh giá ở nội dung nhảy sào nam. “Vua nhảy sào Đông Nam Á” Ernest John Obiena đã mang vinh quang về cho đất nước với cú nhảy 5.90m phá kỷ lục Á vận hội.
Thái Lan dù không giành HCV, nhưng 2 tấm HCB ở nội dung chạy 100m nam và 4x100m nam cũng đủ giúp quốc gia này xếp hạng 13. “Thần đồng” Puripol Boonson tỏa sáng sau khi dính chấn thương ở SEA Games 32 tại Campuchia hồi tháng 5. Chàng trai 17 tuổi gây ấn tượng mạnh với thành tích 10.02, thông số gần tiệm cận để trở thành số ít VĐV chạy 100m dưới 10 giây.
Puripol
Boonson xuất sắc giành HCB chạy 100m nam Asiad 19 với thông số 10.02 ấn tượng – Ảnh: Tuấn Đạt
Malaysia cũng có tới 3 HCĐ ở các nội dung chạy 100m nam, 4x100m nữ và 400m nữ để xếp hạng 17 trên bảng tổng sắp điền kinh Asiad 19.
Điền kinh Việt Nam chắc chắn sẽ có rất nhiều việc phải làm sau kỳ Asiad trắng tay này. Làm thế nào để trở lại vị thế cũ???
Nguồn: https://webthethao.vn/dien-kinh/tay-trang-roi-asiad-19-dien-kinh-viet-nam-do-mat-nhin-cac-doi-thu-sea-games-thang-tien-aNlLWGMSg.htm