Quyết định triệu tập bổ sung Bùi Tiến Dũng được HLV Troussier đưa ra trong ngày đội tuyển Việt Nam hội quân, hôm nay 6-11.
Sự có mặt của Tiến Dũng giúp nhà cầm quân người Pháp có thêm phương án để lựa chọn, trong bối cảnh hàng phòng ngự của đội tuyển đang chịu tổn thất về lực lượng. Mới nhất là trường hợp Đỗ Duy Mạnh không may dính chấn thương phải rút lui trước ngày hội quân.
Bùi Tiến Dũng được triệu tập bổ sung lên đội tuyển quốc gia
Theo kế hoạch, đội tuyển Việt Nam sẽ có quỹ thời gian một tuần tập luyện trước khi rút gọn lại danh sách xuống còn 28 cầu thủ và di chuyển sang Philippines vào sáng ngày 13-11, chuẩn bị cho trận ra quân bảng F vòng loại World Cup 2026 gặp đội chủ nhà sau đó ba ngày.
Dự kiến tại Philippines, thầy trò HLV Troussier sẽ có thêm 3 buổi tập trước khi chốt danh sách 23 cầu thủ cho trận đấu chính thức. Sau đó, thầy trò HLV Troussier sẽ trở về Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc tiếp đón đội khách Iraq, diễn ra trên sân Mỹ Đình vào ngày 21-11.
Bùi Tiến Dũng ghi bàn trước ngày lên ĐTQG
Bên cạnh triệu tập các trụ cột thực hiện nhiệm vụ của đội tuyển quốc gia, ông Troussier cũng gọi lên nhiều nhân tố trẻ, nhằm đảm bảo lực lượng cần thiết chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á 2024 sẽ diễn ra vào tháng 4 năm sau.
Hàng thủ ‘thủng lỗ chỗ’, đội tuyển Việt Nam chờ tài xoay xở của HLV Troussier
Chấn thương của Duy Mạnh ngay trước đợt tập trung đội tuyển Việt Nam có thể xem như “vận hạn” của HLV Philippe Troussier. Khi chiến lược gia người Pháp còn đang định hình đội tuyển, lần lượt các trụ cột như Văn Hậu, Quang Hải đã gặp vấn đề, trước khi Duy Mạnh gia nhập danh sách vắng mặt.
Từ khi HLV Troussier tiếp quản ghế huấn luyện đội tuyển Việt Nam, Duy Mạnh là một trong những cầu thủ được sử dụng nhiều nhất. Anh đá trọn 5 trong 6 trận giao hữu, được “đo ni đóng giày” ở vị trí trung vệ lệch phải.
Khả năng chuyền bóng, bọc lót và tranh chấp xông xáo của Duy Mạnh giúp trung vệ 27 tuổi được HLV người Pháp tin tưởng. Hai vị trí còn lại trong bộ ba trung vệ gồm Ngọc Hải và Tuấn Tài. Khi Duy Mạnh chấn thương, ông Troussier đã gọi Tiến Dũng, trung vệ chưa từng được ông trọng dụng trước đây, lên đội tuyển thế chỗ.
Duy Mạnh (2), Ngọc Hải (3) và Tuấn Tài (12) là bộ ba trung vệ ưa thích của ông Troussier
Dưới thời HLV Troussier, đội tuyển Việt Nam vẫn duy trì 3 trung vệ. Khi gặp đối thủ dưới cơ, sơ đồ 3-4-3 với 2 cầu thủ chạy cánh dâng cao được sử dụng. Còn gặp đối thủ mạnh, 2 cầu thủ đá biên sẽ lùi xuống chơi như hậu vệ cánh, tạo thành sơ đồ 5-4-1 hoặc 5-3-2.
Tuy nhiên, nguyên tắc vận hành hai hàng thủ nói trên không giống nhau. Nếu thời HLV Park Hang-seo, các trung vệ tập trung vào khâu phòng ngự, bọc lót, tranh chấp, thi thoảng dâng cao để chuyền vượt tuyến hỗ trợ tiền đạo, thì các trung vệ thời HLV Troussier phải tham gia khâu triển khai bóng.
Chất lượng đường chuyền ở tuyến dưới được “Phù thủy trắng” đặc biệt chú trọng, khi trong các buổi tập, ông yêu cầu học trò đứng thành nhóm 5 hoặc 6 người thành vòng tròn, để các cầu thủ chuyền bóng, di chuyển nhận bóng rồi lại chuyền tuần tự trong vòng tròn ấy.
Các trung vệ của ông Troussier được yêu cầu đứng gần nhau và gần các tiền vệ để tạo thành các tam giác phối hợp đập nhả, nhằm phá vỡ lớp pressing, khiến đội hình đối thủ bị xô lệch. Triết lý của HLV Troussier được thể hiện ở những trận gặp Uzbekistan hay Hàn Quốc, dù đánh mất thế trận, những các hậu vệ vẫn kiên nhẫn chuyền ngắn, triển khai tấn công ở sân nhà.
Việt Anh (số 37) chưa được tin tưởng tuyệt đối
HLV Troussier cũng ưu tiên các trung vệ giỏi chuyền bóng, đó là lý do Tuấn Tài, cầu thủ vốn chưa từng đá trung vệ ở cấp CLB, lại được kéo vào bộ ba hàng thủ và đá chính liên tục, thay cho những trung vệ “cứng” như Việt Anh, Thanh Bình hay Tiến Dũng. Tần suất ra sân của Tuấn Tài vượt trội đàn anh, và cách dùng người của ông Troussier cho thấy cầu thủ của CLB Viettel nhiều khả năng có một suất chính thức ở vị trí trung vệ lệch trái.
Tuy nhiên, điểm cốt lõi để đánh giá năng lực hàng phòng ngự chưa bao giờ là khả năng triển khai bóng, mà trước tiên phải là ngăn chặn đối thủ ghi bàn. Chưa bàn đến hiệu quả triển khai tấn công, nhưng ở khía cạnh phòng ngự, hàng thủ đội tuyển Việt Nam gặp rất nhiều vấn đề.
Từ khả năng phán đoán tình huống, kèm người, bọc lót cho đến phối hợp, các hậu vệ chưa đáp ứng yêu cầu. Rất nhiều sai lầm lộ ra khi học trò của HLV Troussier gặp những đội dưới cơ như Hồng Kông hay Palestine, nhưng đối thủ dứt điểm kém nên thoát thua.
Để rồi khi gặp những đội tấn công bén như Hàn Quốc hay Uzbekistan, từng sai lầm phòng ngự đều bị trừng phạt. Trong đó, vị trí của Tuấn Tài là yếu nhất. Cầu thủ của CLB Viettel nhiều lần đọc tình huống sai, cản phá lỗi hay bỏ kèm người.
Có thể thông cảm cho Tuấn Tài, bởi anh không phải trung vệ thuần túy. Thể hình và kỹ năng của hậu vệ gốc Đắk Lắk chưa đủ “chín” để nhận trọng trách này. Ngay cả ở khía cạnh hỗ trợ tấn công mà ông Troussier kỳ vọng, Tuấn Tài cũng không thể hiện được gì.
Hàng thủ đội tuyển Việt Nam thua 10 bàn trong 3 trận giao hữu gần nhất
Dù vậy, HLV Troussier có quan điểm dùng người riêng. Trong tay chiến lược gia người Pháp vẫn còn những trung vệ giỏi như Việt Anh, Thanh Bình để “xoay tua” nếu cần. Chính bộ đôi trung vệ này từng chơi rất bản lĩnh khi giúp đội tuyển Việt Nam cầm hòa Nhật Bản trên sân Saitama với tỷ số 1-1, nhưng dưới thời HLV Troussier lại chưa được trọng dụng.
Đội tuyển Việt Nam từng gây tiếng vang nhờ hàng phòng ngự vững vàng. Tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Ngọc Hải cùng đồng đội chỉ lọt lưới 5 bàn sau 8 trận, có tới 5 trận giữ sạch lưới, nhờ vậy lọt vào vòng loại cuối. Khi hàng công vẫn là “cơn đau đầu” của ông Troussier với tổng bàn thắng mùa này của 7 tiền đạo là… 0, hàng phòng ngự sẽ là điểm tựa của đội tuyển Việt Nam.
Mà điểm tựa ấy dường như đang lung lay bởi cách vận hành hàng thủ của đội không còn chặt chẽ như trước đây. HLV Troussier còn 9 ngày để vá víu hàng thủ, nếu không muốn sa lầy ở vòng loại World Cup 2026.