4 thời điểm vàng sẽ khiến bạn “giật mình” nhận ra những quy luật vốn hiện hữu của đời người mà đôi khi chúng ta lơ là quên mất.
Khi gặp hoạn nạn
Người đời có câu: ” Cuộc đời là bọt nước. Chỉ có hai điều như đá tảng: tử tế khi người khác lâm nạn và can đảm trong hoạn nạn của chính mình”. Khi sóng yên biển lặng, xung quanh chúng ta có rất nhiều bạn bè người thân, tay bắt mặt mừng, vui cười thắm thiết, thế nhưng, khi gặp biến cố cuộc đời, liệu trong số bằng hữu ấy, bao nhiêu người có thể ở lại để đương đầu, nâng đỡ, dìu dắt ta qua sóng gió.
Chỉ có chính chúng ta, gia đình và những người bạn thân thật sự mới có thể vực ta dậy sau cơn hoạn nạn cuộc đời. Và cũng nhờ đó, ta mới nhìn thấu được lòng người ngay giả, ai quân tử, ai tiểu nhân, từ đó, học được cách “chọn bạn mà chơi”.
Khi lâm bệnh nặng
Lúc còn trẻ, chúng ta có lợi thế về thời gian và sức khỏe, vì thế, đa phần không biết quý trọng, lao mình vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, sử dụng chất kích thích, bạc đãi chính cơ thể của mình. Hoặc cũng có thể, vì ham kiếm tiền, nên làm việc quá độ, khiến thể chất ngày càng suy nhược, đến khi lâm bệnh nặng, nằm trên giường bệnh, mới thấm thía sức khỏe quan trọng đến nhường nào.
Bạn không thể nào cảm thấy hạnh phúc với một cơ thể không khỏe mạnh. Dù tiền bạc, của cải, hay những thú vui kia có hấp dẫn thú vị như thế nào thì cũng chỉ toàn là vô nghĩa.
Vì thế, khi bệnh nặng, chính là lúc cuộc đời dạy bạn cách trân trọng sức khỏe – món quà vô giá của chính bản thân mình.
Khi về hưu
Khi ta ở đỉnh cao danh vọng, chức trọng quyền cao thì luôn được săn đón bởi biết bao nhiêu người. Nhưng một khi quyền lực đã không còn trong tay thì cục diện hoàn toàn thay đổi. Những kẻ xu nịnh trước kia, nay nhìn thấy ta cũng coi như không quen biết. Những người tưởng chừng như anh em thân thiết bỗng cũng hóa xa lạ, lạnh lùng.
Nhiều người sau khi về hưu mới có thời gian ngồi ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình. Tham gia công tác nhiều năm, vì ham chức ham quyền mà cấp trên chèn ép cấp dưới, vì muốn thăng quan tiến chức mà đồng nghiệp đấu đá lẫn nhau.
Thế nhưng, những thứ đạt được cũng chỉ là vật ngoài thân, người mất đi rồi cũng chẳng mang theo được. Dù là lãnh đạo hay nhân viên, cấp trên hay cấp dưới, đến cuối cùng chẳng phải cũng đều về hưu sao?
Sớm biết chẳng có gì khác nhau thì trước đây hà tất phải tranh đấu?
Hãy làm tốt việc của mình, đối xử chân thành với người khác, đó mới là việc nên làm. Hãy học cách sống khiêm nhường để không bị sự tự cao che mờ mắt, khiến ta trở nên ích kỷ và thiển cận.
Khi trút hơi thở cuối cùng
Trớ trêu thay, lâm chung là lúc con người trở nên thông suốt nhất. Cuộc đời này quá ngắn mà cũng quá dài. Mọi ân oán tình thù đều chỉ như mây khói, ta hà tất phải cố chấp với chúng mà không học cách buông bỏ? Khi đã hiểu được đạo lý ấy cũng là lúc con người có thể nhắm mắt xuôi tay, ra đi thanh thản.
Chuyện chưa kể về Lý Tiểu Long: Từ thời niên thiếu ngang tàng đến tượng đài võ thuật xuất chúng
Thảo Châu
Tiểu đường đến sớm nếu ăn loại gia vị này ‘vô tội vạ’: Không phải đường nhưng cũng rất quen mặt
Theo một nghiên cứu mới, ăn nhiều loại gia vị này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ngày càng tăng trên toàn cầu là một thực tế đáng lo ngại. Mỗi năm, có hơn 1 triệu ca tử vong trên toàn cầu do bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2020 cho biết 462 triệu người bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường loại 2 vào năm 2017, với tỷ lệ lưu hành là 6.059/100.000 người. Đến năm 2030, tỷ lệ bệnh tiểu đường loại 2 được dự đoán sẽ tăng lên 7.079/100.000 người.
Những người có nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như người lớn trên 45 tuổi và những người mắc bệnh béo phì, thường được khuyên nên hạn chế ăn đường, tuân theo chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ngày càng tăng trên toàn cầu là một thực tế đáng lo ngại.
Mới đây, nghiên cứu của Đại học Tulane, Mỹ, cho thấy việc giảm lượng muối ăn vào cũng có thể giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh tiểu đường loại 2.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 1 tháng 11 trên tạp chí Mayo Clinic Profings, là nghiên cứu đầu tiên điều tra mối liên hệ giữa việc thêm muối vào thực phẩm và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Lu Qi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Béo phì – Đại học Tulane, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Chúng ta đã biết rằng việc hạn chế muối có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tăng huyết áp, nhưng nghiên cứu này lần đầu tiên cho thấy việc loại bỏ muối khỏi chế độ ăn cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2”.
Kết quả nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu của Đại học Tulane đã kiểm tra lượng muối tiêu thụ của hơn 400.000 người trưởng thành đăng ký tại Biobank (ngân hàng dữ liệu y sinh học) Vương quốc Anh trong gần 12 năm.
Hơn 13.000 người tham gia thường xuyên sử dụng muối đã phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Bệnh xảy ra khi cơ thể không còn điều chỉnh lượng đường trong máu một cách hợp lý và dẫn đến tình trạng kháng insulin.
>
Ăn nhiều muối hơn có liên quan đến tăng nguy cơ tiểu đường loại 2.
Các nhà nghiên cứu xác định rằng những người “thỉnh thoảng”, “thường xuyên” hoặc “luôn luôn” sử dụng muối có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn lần lượt là 13%, 20% và 39% so với những người “không bao giờ/hiếm khi” sử dụng muối.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu lý do tại sao ăn nhiều muối lại ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Vì sao ăn nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường?
Kelsey Costa, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, lưu ý rằng tiêu thụ nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 thông qua những ảnh hưởng của muối đối với cân nặng, huyết áp, sự trao đổi chất và chứng viêm.
Costa, người không tham gia vào nghiên cứu, giải thích rằng lượng muối dư thừa có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột, dẫn đến viêm ruột, góp phần gây ra kháng insulin và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Cô nói với Healthline: “Viêm có thể làm hỏng các tế bào và mô trong cơ thể, dẫn đến tình trạng kháng insulin và suy giảm chuyển hóa glucose”.
Bên cạnh đó, tiêu thụ muối quá mức có liên quan đến tăng huyết áp và tăng cân, những điều làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Có nhiều lý do giải thích mối liên hệ giữa ăn nhiều muối và nguy cơ tiểu đường.
Costa giải thích: “Điều này có thể xảy ra vì ăn nhiều muối, đặc biệt là ở những người thừa cân, có thể dẫn đến tăng lượng tiêu thụ calo (và natri)”.
Cuối cùng, Costa trích dẫn một lý thuyết mới cho thấy fructose, một loại đường có trong nhiều loại thực phẩm, có thể góp phần gây béo phì bằng cách ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa tế bào và làm tăng cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng.
“Fructose không chỉ có từ thực phẩm mà còn có thể được cơ thể sản xuất từ glucose, đặc biệt là khi áp dụng chế độ ăn nhiều muối, ít nước”, cô giải thích. “Việc tăng sản xuất fructose này có thể dẫn đến tình trạng kháng leptin, một loại hormone giúp điều chỉnh sự thèm ăn”.
“Giảm độ nhạy cảm của các mô với leptin có thể dẫn đến béo phì và các biến chứng trao đổi chất như kháng insulin và mức lipid bất thường vì nó phá vỡ sự cân bằng năng lượng và trao đổi chất bình thường của cơ thể”.
Có nên tránh ăn muối?
Mặc dù ăn nhiều muối có thể là yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường loại 2, Costa cho biết những người khỏe mạnh không nên quá lo lắng về vấn đề này, miễn là họ tránh tiêu thụ quá nhiều.
Cô nói: “Cơ thể con người cần một lượng nhỏ natri để duy trì sự cân bằng hợp lý của chất lỏng, gửi tín hiệu thần kinh, giúp cơ co bóp và thư giãn”.
Costa lưu ý rằng một chút muối trong bữa ăn có thể an toàn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, điều quan trọng là duy trì thói quen ăn uống cân bằng, lành mạnh và theo dõi các nguồn natri khác trong chế độ ăn.
Costa nói thêm: “Bạn có thể chủ động xem xét các lựa chọn khác có hàm lượng natri thấp để làm gia vị thay cho muối. Phương pháp này không chỉ nuôi dưỡng việc ăn uống chánh niệm mà còn nâng cao giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn của bạn mà không làm mất đi hương vị”.
Một số lựa chọn thay thế muối
Costa cho biết có nhiều lựa chọn thay thế muối, vừa lành mạnh hơn vừa không kém hấp dẫn về mặt vị giác, ví dụ như:
– Các loại thảo mộc: Sử dụng các loại thảo mộc có thể làm tăng hương vị của món ăn mà không cần thêm natri. Thử nghiệm các cách kết hợp khác nhau của các loại thảo mộc để tìm ra hương vị ưa thích của bạn.
Thêm tỏi vào món ăn có thể mang lại hương vị đậm đà hơn.
– Nước chanh hoặc chanh: Tính axit của các loại trái cây họ cam quýt như chanh có thể tạo thêm hương vị tươi mới và thơm cho các món ăn, làm giảm nhu cầu muối.
– Tỏi và hành tây: Những loại rau có mùi hương mạnh mẽ này có thể mang lại hương vị đậm đà cho bữa ăn.
– Hỗn hợp gia vị không chứa muối: Nhiều công ty sản xuất hỗn hợp gia vị không chứa muối được thiết kế đặc biệt cho những người muốn giảm lượng natri nạp vào. Những hỗn hợp này thường chứa nhiều loại thảo mộc, gia vị và hương liệu khác để tăng hương vị cho món ăn mà không cần thêm bất kỳ natri nào.
Bao nhiêu muối là quá nhiều?
Hướng dẫn chế độ ăn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giai đoạn 2020–2025 khuyến nghị người lớn nên hạn chế lượng natri dưới 2.300 miligam/ngày. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) có khuyến nghị tương tự nhưng khuyên người lớn bị tăng huyết áp nên giảm lượng muối ăn vào dưới 1.500 miligam mỗi ngày.
Costa cho biết: “Điều này bao gồm cả muối chúng ta thêm vào khi nấu ăn, khi ăn cũng như lượng natri có tự nhiên trong thực phẩm”.
Tuy nhiên, Costa chỉ ra rằng mức tiêu thụ natri trung bình ở Mỹ là khoảng 3.400 miligam mỗi ngày, vượt xa mức khuyến nghị.
“Mặc dù hướng dẫn của USDA đặt ra giới hạn là 2.300 miligam natri mỗi ngày, nhưng phải nhấn mạnh rằng đây không phải là mục tiêu mà là giới hạn”, Costa cho biết. “Để thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh hơn, các cá nhân nên hướng tới lượng natri thấp hơn”.
Nữ chuyên gia lưu ý rằng khuyến nghị của AHA là 1.500 mg mỗi ngày là mục tiêu lành mạnh hơn.
“Việc giảm lượng natri không chỉ hỗ trợ sức khỏe tim mạch mà còn góp phần mang lại kết quả sức khỏe tổng thể tốt hơn. Việc theo dõi và điều chỉnh thường xuyên chế độ ăn uống có thể đảm bảo đạt được mục tiêu này mà không ảnh hưởng đến hương vị và sự thích thú khi thưởng thức món ăn”, Costa lưu ý.