Từ vụ gạch tên Hoàng Đức, HLV Troussier khẳng định: ‘Ở Việt Nam chỉ có 1 ngôi sao duy nhất, đó là ngôi sao ở trong lá cờ’

HLV Troussier nhắc nhở các học trò nên nhớ rằng ở ĐT Việt Nam ngôi sao duy nhất là ở trong lá cờ, ai nghĩ mình là ngôi sao không thể thay thế thì ông sẵn sàng gạch tên.

Ông Troussier nói thẳng

Từ khi nắm quyền huấn luyện đội tuyển Việt Nam và U.23, HLV Philippe Troussier từng nhiều lần chia sẻ sự không hài lòng về học trò trước báo giới.

Nhưng việc chê cụ thể một cái tên, như cách ông Troussier đề cập đến tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức sau trận Việt Nam thua Iraq 0-1 ở vòng loại World Cup 2026 tối 21.11, là chuyện lạ lẫm.

Cụ thể, khi được hỏi về lý do không dùng Hoàng Đức ở cả 2 trận gặp Philippines và Iraq, ông Troussier nói rất thẳng: “Hoàng Đức chưa đáp ứng ở khâu tổ chức phòng ngự không bóng. Cậu ấy phải đóng góp nhiều hơn cho tập thể”.

Từ cách ứng xử với Hoàng Đức, HLV Troussier có phải người 'trong nóng ngoài lạnh'? - Ảnh 1.

Hoàng Đức dự bị 2 trận gần nhất ở đội tuyển Việt Nam

Tuyên bố của HLV Troussier gây bất ngờ bởi 2 lý do. Trước tiên, xưa nay hiếm có chuyện một HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thẳng thừng chê một cầu thủ trước dư luận. HLV Park Hang-seo từng từ chối sử dụng Nguyễn Văn Quyết ở nhiều giải lớn, với những đồn đoán liên quan đến khác biệt quan điểm.

Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng ở đồn đoán, bởi ông Park không chê Văn Quyết trước báo giới. Kỷ niệm của hai thầy trò là danh hiệu vô địch AFF Cup 2018, nơi Văn Quyết dù dự bị gần hết giải, nhưng vẫn được giao lại băng đội trưởng, là người đại diện đội lên nâng cúp.

Hay thời HLV Toshiya Miura, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng từng được tung vào sân, rồi lại bị… rút ra sau vài phút khi U.23 Việt Nam thua 0-2 trước U.23 Nhật Bản ở vòng loại châu Á 2016, khoét sâu giả thuyết bất đồng. Nhưng cũng giống cách HLV Park làm với Văn Quyết, ông Miura không chê Hùng Dũng.

Nói vậy để thấy, chuyện ông Troussier chê Hoàng Đức là cách xử lý “dị biệt”.

Từ cách ứng xử với Hoàng Đức, HLV Troussier có phải người 'trong nóng ngoài lạnh'? - Ảnh 2.

HLV Troussier rất cứng rắn.

Ở nền bóng đá Á Đông như Việt Nam, chuyện đối nhân xử thế quan trọng không kém chuyên môn. HLV Park Hang-seo thành công rực rỡ, bởi ông thích nghi rất nhanh với văn hóa bóng đá Việt Nam.

Chiến lược gia người Hàn Quốc biết cách cương nhu đúng lúc, khi nào cần nghiêm chỉnh (thậm chí đến mức hà khắc), khi nào cần mềm dẻo, gần gũi. Hình ảnh ông Park cùng các tuyển thủ chơi bóng bàn, viết thiệp bằng tiếng Hàn tặng học trò nhân dịp sinh nhật, nhắn tin động viên, quan tâm từng tiểu tiết… giúp đội tuyển Việt Nam tạo ra bầu không khí gia đình.

Giá trị của sự đoàn kết là tạo nên sự bền chặt trong tập thể và củng cố uy quyền của HLV trưởng. Một thứ uy quyền mềm mại và tự nhiên, thay vì áp đặt.

Nhưng có lẽ, ông Troussier chọn con đường khác.

Tháo gỡ nút thắt

Khác với trường hợp Văn Quyết năm 2018 (không thể hiện được nhiều ở đội tuyển) hay Hùng Dũng năm 2016 (còn quá trẻ), Hoàng Đức là ngôi sao sáng giá bậc nhất hiện tại.

Trong loạt trận chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026, ông Troussier thử nghiệm Hoàng Đức ở vị trí tiền đạo. Anh chơi không thành công, được kéo trở lại hàng tiền vệ và đá tròn vai. HLV Troussier loại Hoàng Đức, nhưng điều lấn cấn ở chỗ, những cầu thủ thay Hoàng Đức cũng chơi không tốt hơn.

Thật khiên cưỡng khi nói Lê Phạm Thành Long, Nguyễn Thái Sơn trội hơn Hoàng Đức, dù đặt trong hệ thống chiến thuật nào. HLV Troussier có thể loại Hoàng Đức bởi lý do chiến thuật, nhưng chưa được chứng minh bằng hiệu quả trên sân.

Dù vậy, trở lại với chuyện Hoàng Đức, vấn đề không nằm ở chiến thuật, mà ở cách ứng xử.

Trong quá khứ, HLV Troussier từng công khai đối đầu với những cầu thủ giỏi. Ông loại siêu sao Hidetoshi Nakata ngay trước thềm World Cup 2002, bởi tuyển thủ Nhật Bản xin rời đội tại Confederation Cup, nhằm trở về khoác áo AS Roma đua vô địch Serie A. “Nếu Nakata tiếp tục chỉ nghĩ đến bản thân mình, chứ không nghĩ đến đội, tôi không chắc liệu anh ta có tham dự World Cup 2002 không”, ông Troussier nói. Nhà cầm quân người Pháp cũng từng loại Jay-Jay Okocha (Nigeria), Bixente Lizarazu (Marseille) vì lý do tương tự.

Trong từ điển của Troussier, không có từ thỏa hiệp. Ông sẵn sàng đối đầu, với tuyên bố: “HLV phải sở hữu uy quyền đối với các cầu thủ. Kinh nghiệm là thứ tạo ra quyền lực đối với một HLV”.

Từ cách ứng xử với Hoàng Đức, HLV Troussier có phải người 'trong nóng ngoài lạnh'? - Ảnh 3.

HLV Troussier có nên “mềm mại” hơn với học trò?

Nhưng HLV Troussier không phải người cứng nhắc. Ngày loại Trương Tiến Anh khỏi danh sách đội tuyển chuẩn bị cho 2 trận đầu vòng loại World Cup 2026, ông Troussier từng đến tận nơi để ôm lấy học trò.

“Tôi muốn dành cơ hội lần này cho người khác. Cậu hãy chăm chỉ tập luyện, kiên trì nỗ lực để tiến bộ. Còn rất nhiều trận đấu phía trước và cánh cửa đội tuyển luôn rộng mở”, HLV người Pháp chia sẻ. “Lúc ấy, có cảm giác như ông Troussier… rưng rưng”, Tiến Anh nhớ lại.

HLV Troussier có cách quan tâm riêng. Ông từng liên hệ với CLB Pau FC để tạo điều kiện tối đa cho Quang Hải, trực tiếp gặp mặt hỏi han tình hình học trò. Nhà cầm quân người Pháp không “khô cằn”, chỉ là ở cách thể hiện tình cảm của ông chưa khớp với văn hóa đội tuyển, và học trò cần thời gian thấu hiểu.

Cả HLV Troussier và cầu thủ đều cần thay đổi để tiến lại gần nhau hơn. Mâu thuẫn sẽ không được giải quyết, nếu đôi bên chỉ muốn nhìn nhận mọi thứ bằng tiêu chuẩn của riêng mình.

1 comment

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *