Quân số của lò HAGL lên tuyển ngày càng ít, bởi đơn giản màn trình diễn của họ ở cấp độ CLB thời gian qua chẳng đủ để những người hâm mộ có thể hài lòng.
6 vòng đấu, 0 trận thắng, chỉ ghi được 4 bàn và thủng lưới tới 11 lần, đó thực sự là khởi đầu khiến ai yêu mến HAGL đều cảm thấy thất vọng. Thậm chí, viễn cảnh đội quân của HLV Kiatisuk tiếp tục ngụp lặn ở cuối bảng xếp hạng với vỏn vẹn 2 điểm có thể sẽ còn tiếp diễn, bởi 2 đối thủ ở vòng tới của họ đều rất khó chơi (CLB Nam Định và CLB Hà Nội).
Suốt những trận đấu vừa qua, mỗi lần HAGL không có được kết quả tốt, HLV Kiatisuk đều nhắc lại “điệp khúc” đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ còn ít kinh nghiệm và ngoại binh chưa đủ thời gian hòa nhập.
Với HAGL, phát biểu đó của HLV Kiatisuk phần nào bộc lộ vấn đề mà đội bóng gặp phải kể từ ngày dàn sao khóa 1 rời đi. Đó là việc thế hệ kế cận của trung tâm Hàm Rồng không còn được chất lượng như những đàn anh của mình để gánh vác đội bóng. Vậy, vì đâu lò đào tạo của HAGL lại dần thụt lùi theo thời gian như vậy?
“Theo tôi nghĩ nguyên nhân rất đơn giản. Khóa 1, khóa 2 ở thời điểm đó (2007) bóng đá của HAGL rất nổi, có thương hiệu rất lớn trên khắp cả nước. Từ đó, khi tuyển sinh thì các em trên cả nước đều tập trung về, muốn vào được học viện. Nhờ thế mà lò HAGL có nhiều tài năng để phát triển.
Còn những khóa sau này, việc tuyển chọn không còn được như xưa nữa. Các CLB khác có nhiều vệ tinh. Sau khi thấy HAGL làm thì họ cũng mở rộng việc tuyển chọn, có các vệ tinh trên khắp cả nước. Từ đó khiến nguồn cầu thủ của lò HAGL cũng bị ảnh hưởng”.
Đó là tâm sự rất thẳng thắn của HLV Huỳnh Văn Ảnh cùng chúng tôi cách đây ít năm khi nói về việc đào tạo trẻ của HAGL. Ông Huỳnh Văn Ảnh là người có hơn 40 năm gắn với bóng đá Gia Lai, từ khi còn làm cầu thủ đến khi trở thành HLV, tham gia vào việc đào tại học viện HAGL.
Dễ dàng nhận thấy, trong dàn sao của khóa 1-2 HAGL có khá nhiều cầu thủ đến từ các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ, mà nổi bật nhất chính là những Công Phượng (Nghệ An), Xuân Trường (Tuyên Quang), Tuấn Anh (Thái Bình), Văn Toàn (Hải Dương)…
Tuy nhiên dần theo thời gian, khi các lò đào tạo tại phía Bắc dần phát triển hơn, gia đình các cầu thủ trẻ có thêm những lựa chọn mang tên Viettel, PVF, CLB Hà Nội… để cân nhắc. Khi ấy, đầu vào của lò HAGL khó tránh khỏi việc bị ảnh hưởng.
Thống kê cho thấy trong danh sách tuyển Việt Nam ở trận gặp Iraq, có 5 cầu thủ trưởng thành từ lò HAGL, gồm Văn Toàn, Tuấn Anh, Văn Thanh, Việt Hưng, Thành Long. Tuy nhiên tất cả những cái tên này đều xuất thân từ khóa 1 và khóa 2.
Còn ở cấp độ U23, những cầu thủ trẻ HAGL cũng dần thưa thớt. Tại SEA Games 32, HAGL chỉ đóng góp duy nhất 1 cái tên, đó là tiền đạo Quốc Việt. Đến vòng loại U23 châu Á vào đầu tháng 9, không một cầu thủ nào của lò HAGL nằm trong lựa chọn của HLV Troussier. Còn tới ASIAD 19 sau đó, Quốc Việt và Đức Việt là 2 cái tên của HAGL được HLV Hoàng Anh Tuấn đưa vào danh sách.
Điều này khác hoàn toàn so với những năm trước đây, khi quân số HAGL tại U23 Việt Nam và ĐTQG có những lúc lên đến 8-9 cầu thủ.
Bầu Đức mới đây tuyên bố “mùa này coi như bỏ, nhưng mùa sau phải vô địch”. Có điều với thực lực như hiện tại, liệu HAGL có đủ sức để làm điều đó? Và giả sử trong trường hợp đội bóng Phố núi mạnh tay mua sắm để đua vô địch V.League, liệu khi ấy danh hiệu này có còn mang dáng dấp niềm tự hào đào tạo trẻ của HAGL?