Có quá nhiều những pha bóng “sai số” của các cầu thủ Việt Nam dưới thời HLV Troussier. Dù có phần oan uổng, song nhà cầm quân người Pháp không thể vô can.
Ba trận vòng bảng ở Asian Cup 2023, đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier phải nhận đến 8 bàn thua, trong đó có hai bàn thua đến từ những quả phạt đền. Điều cay đắng là hai quả phạt đền ấy đều “chí mạng”.
Nếu Thanh Bình không dính phải sai lầm lộ liễu khi kéo áo Rafael Struick ngay trong vòng cấm địa đối phương, chưa chắc đội tuyển Việt Nam đã phải nhận trận thua trước Indonesia. Quả phạt đền duy nhất ấy, bàn thua duy nhất ấy là đòn đánh cực mạnh, đưa thẳng thầy trò HLV Troussier về nước chỉ sau trận đấu thứ hai, nhìn đối thủ Đông Nam Á “chiếm tiên cơ”, để rồi đi tiếp vào vòng 1/8.
Trận đấu “thủ tục” gặp Iraq, đúng vào những giây cuối cùng, sau khi Quang Hải thổi bùng lên hi vọng “có được chút gì” ở kỳ Asian Cup 2023 lần này bằng 1 điểm giành được, thì đến lượt Minh Trọng phạm lỗi thô thiển với đối thủ trong vòng cấm, khiến đội tuyển Việt Nam nhận trận thua 2-3 đáng tiếc.
Thực ra thì trước đó ở phút thứ 83, đội tuyển Việt Nam cũng đã phải nhận một quả phạt đền khi Bùi Hoàng Việt Anh phạm lỗi trong vòng cấm đội nhà. May mắn cho thủ thành Nguyễn Filip khi đã bị đánh lừa, song đối thủ lại sút bóng trúng cột dọc bật ra.
Ba tình huống nhận phạt đền trong 3 trận là quá nhiều so với bình thường, song cũng chỉ “bình thường thôi” nếu nhìn lại hành trình của đội tuyển Việt Nam từ khi những giải đấu “có VAR”. Trong tổng số 14 trận đấu quốc tế tính từ năm 2019 đến nay, đội tuyển Việt Nam để thua đến 12 trận, hòa duy nhất 1 trận. Trong số 14 trận đấu ấy, đội tuyển Việt Nam có đến 7 lần phải nhận phạt đền, và chịu thất bại ở tất cả các trận đấu phải nhận phạt đền.
Những con số thống kê cho thấy nếu quy tất cả trách nhiệm cho HLV Troussier khi đội tuyển Việt Nam thi đấu không thành công là có phần oan uổng, bởi khá rõ ràng là ở giai đoạn cuối triều đại của HLV Park Hang-seo, vấn nạn “chết bởi VAR” của đội tuyển Việt Nam đã tồn tại. Chỉ có điều để kéo dài mãi cho đến ngày hôm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại, rõ ràng ông thầy người Pháp đang “dạy dỗ” không tốt các học trò của mình.
Dĩ nhiên V.League phải chịu trách nhiệm chính trong tiếng xấu “đá bậy” của cầu thủ Việt Nam trên trường quốc tế. Trọng tài “dễ dãi”, bỏ qua không ít pha bóng “xấu xí”, hoặc không đủ năng lực để theo kịp tình huống, trong khi cầu thủ lạm dụng tiểu xảo, thói quen vào bóng quyết liệt của các cầu thủ… vốn đã được coi là “đặc sản” của “Võ League” bấy lâu nay.
Thêm vào đó là tâm lý “thương hoa tiếc ngọc” khiến những cầu thủ càng nổi tiếng, càng dễ được tha thứ dù phạm lỗi nặng. Điển hình là trường hợp của Quế Ngọc Hải với pha vào bóng khiến Anh Khoa của SHB Đà Nẵng phải giải nghệ, rốt cuộc chỉ phải nhận cái án “nhẹ hều”, được giảm án để góp mặt vào đội tuyển quốc gia, thậm chí được bầu Đức tặng 400 triệu đồng để bồi thường cho nạn nhân.
Để rồi một năm sau, Quế Ngọc Hải lại thêm lần “mua chân” cầu thủ Nhật Bản trong trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam. May mắn cho đối thủ khi không dính phải chấn thương nặng như Anh Khoa, và trung vệ Việt Nam lần này được… bỏ qua.
Trước đây, mỗi khi đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự các giải đấu quốc tế, VFF đều tổ chức cho các trọng tài cập nhật “luật quốc tế” cho các tuyển thủ, hòng tránh những pha phạm lỗi hay tranh cãi đem về bất lợi cho đội nhà. Ở kỳ Asian Cup 2023 vừa qua, với những pha phạm lỗi kiểu như của Thanh Bình hay Khuất Văn Khang, có lẽ công tác này đã gặp thất bại khi các cầu thủ Việt Nam “đá như chưa từng có VAR”.
Trước mắt thầy trò HLV Troussier là hành trình World Cup, với tất cả các trận đấu đều sử dụng VAR. Nếu không thể khiến các học trò từ bỏ “miếng võ làng” xấu xí khi bước ra “biển lớn”, ông thầy người Pháp sẽ thất bại ngay từ đầu. Và lúc đấy thì chẳng có gì là oan uổng nữa cả.