Dù đỗ Đại học Y Hà Nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh nhưng diễn viên Anh Thơ đã giấu giấy báo nhập học ngành y để theo nghệ thuật.
Nhà văn Y Ban, diễn viên Anh Thơ từng theo đuổi ngành y. Ảnh: Facebook nhân vật.
Nhiều lần vào vai cô osin với nhiều tính cách, diễn viên Anh Thơ để lại dấu ấn mạnh mẽ với khán giả qua lối diễn tự nhiên, dí dỏm, gây hài trong cả những tình huống phim “trớ trêu” nhất.
Chính vì lối diễn xuất đó mà Anh Thơ được khán giả nhớ tới với biệt danh “osin bá đạo nhất màn ảnh Việt”, “osin quốc dân”…
Để có được dấu ấn trong lòng khán giả, diễn viên Anh Thơ đã trải qua nhiều thời gian, nhiều vất vả.
Cô kể việc bén duyên với diễn xuất khi còn nhỏ. Sau mỗi buổi tập violin, cô xuống tầng xem lớp kịch diễn rồi từ đó mê sân khấu.
Thi đại học, gia đình hướng cho cô trở thành bác sĩ giống mẹ. Cô đỗ Đại học Y Hà Nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh nhưng giấu giấy báo nhập học ngành y để theo nghệ thuật.
Diễn viên Anh Thơ tốt nghiệp loại xuất sắc, ra trường thi đỗ vào Nhà hát Tuổi trẻ nhưng công việc không thuận lợi.
Thời điểm ấy, những gương mặt nổi tiếng như diễn viên Lê Khanh, Minh Hằng, Lan Hương, Ngọc Huyền mới ngoài 30. Họ có cả tài năng lẫn nhan sắc, đảm nhiệm vai chính hầu hết các vở.
Vì thế, gương mặt mới như diễn viên Anh Thơ chỉ đóng vai chạy qua chạy lại trên sân khấu. “Tôi từng có thời gian nản lòng, đi học thêm tiếng Anh và tin học để chuyển nghề nhưng cũng không phù hợp làm công việc văn phòng”, diễn viên Anh Thơ kể lại.
Diễn viên Anh Thơ. Ảnh: Chụp màn hình.
Diễn viên Anh Thơ tên đầy đủ là Lê Anh Thơ. Cô sinh năm 1973, hiện công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Anh Thơ từng đảm nhận nhiều vai diễn trong các phim truyền hình khung giờ vàng của VTV.
Những bộ phim diễn viên Anh Thơ từng tham gia như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Cả một đời ân oán, Nhà trọ Balanha, 11 tháng 5 ngày…
Ngoài ra, trong giới hoạt động nghệ thuật, nhà văn Y Ban cũng từng có xuất thân từ ngành Y.
Nhà văn Y Ban tên thật là Phạm Thị Xuân Ban, từng tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội.
Nhà văn Y Ban. Ảnh: Chụp màn hình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Y Ban có thời gian làm giảng viên tại Trường Cao đẳng Y tế Nam Định và Trường Đại học Y Khoa Thái Bình. Trong thời gian giảng dạy, bà bắt đầu sáng tác truyện ngắn, lấy bút danh là Y Ban với ý nghĩa Ban ở trường Y.
Năm 1989, bà bỏ nghề dạy học, chuyển hẳn sang viết văn. Tháng 10 năm 1989, bà được cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du và tốt nghiệp năm 1992.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động, nhà văn Y Ban chia sẻ, chính những ngày tháng công tác trong ngành Y đã cho bà rất nhiều chất liệu sống.
Việc tận mắt chứng kiến những ca nạo phá thai ở những cô gái còn trẻ đã thôi thúc Y Ban viết tác phẩm “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”. Tác phẩm giúp tên tuổi Y Ban có vị trí trong văn đàn, và là bước ngoặt trong sự nghiệp của bà.