Chia tay HLV Troussier, đừng để bóng đá Việt Nam đi chệch hướng

Trận thua “lấm lưng trắng bụng” 0-3 ngay trên sân Mỹ Đình trước đội tuyển Indonesia không chỉ đóng sập cánh cửa vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 của đội tuyển Việt Nam, còn khiến HLV Troussier mất việc sau đúng 1 năm cầm quân.

Điều này đã được dự báo từ trước, thất bại trước Indonesia như “giọt nước tràn ly” mà thôi. Thua cũng đã thua rồi, ông Troussier cũng đã nói lời chia tay rồi. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để bóng đá Việt Nam không đi chệch hướng, nhanh chóng trở lại quỹ đạo cần thiết.

Bóng đá có thành, có bại, lúc thăng, lúc trầm, những nền bóng đá hùng mạnh thế giới cũng không tránh khỏi quy luật này. Tuy nhiên, những kết quả có được luôn phản ánh cả một quá trình.

Nếu nhìn lại quá trình 1 năm HLV Troussier gắn bó cùng bóng đá Việt Nam không phải không có lăn tăn. Dẫu biết rằng ở một chu kỳ phát triển mới, cần một người mới và hướng đi mới nhưng cách làm của nhà cầm quân người Pháp đâu đó để lại những hoài nghi.

Hơn một năm qua, giới chuyên môn, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã rất nhiều lần “đánh động” về việc lựa chọn con người, phương pháp huấn luyện, triết lý cầm quân của HLV Troussier.

Thế nhưng, với sự kiên định “cải tổ” đội tuyển Việt Nam bằng cách trẻ hóa, ông Troussier đã phải “đứt gánh nửa đường”. HLV Troussier muốn làm một cuộc “cách mạng” nhưng tiếc rằng vì không có tính kế thừa nên mọi thứ chỉ dừng lại ở mức nửa vời.

Người ta âu lo bóng đá Việt Nam sẽ có sự khựng lại, thậm chí là bước thụt lùi sau chu kỳ thăng hoa đã có. Rất tiếc, điều này đến sớm hơn những mường tượng. Chia tay nhà cầm quân người Pháp, giờ là lúc bóng đá Việt Nam phải vững tay lái để không “trật đường ray” cho bước đường tiếp theo.

Điều quan trọng nhất hiện nay chính ở việc phải lấy lại niềm tin từ người hâm mộ. Rõ ràng, thành tích gần đây của đội tuyển Việt Nam đã khiến niền tin có phần lung lay.

Đừng để bóng đá Việt Nam đi chệch hướng - Ảnh 1.

Tuy bóng đá Việt Nam đã thất bại với HLV Troussier nhưng chúng ta vẫn phải vượt qua nỗi buồn để hướng về phía trước. Ảnh: Hoàng Linh

Ngay lúc này, VFF cần phải chủ động lường mọi phương án để làm sao “con tàu” bóng đá Việt Nam tiếp tục đi đúng quỹ đạo. Bởi không dễ gì để tạo ra được nền tảng quý giá như thành tích đã có từ năm 2018 đến nay. Chọn ai để ngồi vào vị trí cầm quân ĐTQG và U23 Việt Nam cho những giải đấu sắp đến cần có đáp án.

Nhanh thôi, trung tuần tháng 4 này, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ chinh chiến tại VCK U23 châu Á 2024. Nhớ lại sẽ thấy, chính từ kỳ tích Thường Châu 2018, bóng đá nước nhà từ “khủng hoảng” trầm trọng trước đó đã “rũ bùn” đứng dậy với nhiều chiến tích trong hơn 5 năm qua.

Chính ngôi vị á quân châu Á của đội tuyển U23 Việt Nam đã giúp bóng đá nước nhà có được “cú hích” mạnh mẽ để chinh phục những “đỉnh cao” khác. Quan trọng hơn, thành tích đó giúp bóng đá Việt Nam xác lập vị thế nhất định ở khu trong nhiều năm qua.

Xây đã khó, giữ càng khó hơn, dứt khoát bóng đá Việt Nam không thể để những trận thua tại vòng loại World Cup 2026 hay công trình còn “dang dở” của HLV Troussier cản trở, làm chậm bước tiến tiếp theo.

Đội tuyển U23 Việt Nam cũng hướng đến tấm vé dự Olympic Paris 2024. Hơn cả thế, tương lai gần của  bóng đá Việt Nam đang trên vai lực lượng này. Song, những gì đang diễn ra với U23 Việt Nam cho thấy mọi việc không dễ dàng chút nào.

Cụ thể, U23 đã thất bại nặng nề tại SEA Games 32 và ASIAD 19. “Không có thầy giỏi, khó có trò hay”, đội tuyển U23 là tương lai của bóng đá Việt Nam. Vì thế, tìm được thầy giỏi để dẫn dắt người trẻ là công việc cấp bách. Đó là “bài toán” mà VFF phải sớm tìm ra lời giải.

Những năm qua, bóng đá Việt Nam đã mang lại nhiều niềm vui cho người hâm mộ. Bản thân bóng đá không ít lần hân hạnh được mang ra so sánh coi như tấm gương cho các lĩnh vực khác học hỏi.

Dù vậy, sự “lung linh” đã vơi đi ít nhiều sau những “biến cố” trong hơn 1 năm qua. Trong “nguy” luôn có “cơ”, không còn cách nào khác, bóng đá Việt Nam phải chuyển hóa khó khăn thành cơ hội phát triển.