Nhiều độc giả VietNamNet tỏ ý nghi ngờ về thông điệp chữa lành tâm hồn của bộ phim truyền hình đang tạo sóng dư luận ‘Trạm cứu hộ trái tim’ bởi quá nhiều nhân vật và tình huống tiêu cực không có giá trị giáo dục hay giải trí.
Bộ phim quá nặng nề và gây ức chế
Độc giả Mỹ Lệ gửi đến VietNamNet một bài viết thể hiện sự ghê sợ những nhân vật độc hại trong Trạm cứu hộ trái tim. Chị viết: “Thật không hiểu thông điệp chữa lành của bộ phim là gì bởi tạo ra quá nhiều nhân vật và tình huống tiêu cực không có giá trị giáo dục hay giải trí nào với khán giả. Đi làm cả ngày đã quá mệt mỏi vì áp lực công việc và cuộc sống, tối đến bật tivi lên tôi không muốn tiếp tục nuôi cảm xúc khó chịu trước khi đi ngủ bằng một bộ phim như thế này. Vì vậy, tôi quyết định chuyển kênh khác khi truyền hình phát sóng những tập tới của Trạm cứu hộ trái tim”.
Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Bách Việt khẳng định sẽ không xem bộ phim này nữa: “Gia đình tôi bỏ từ tập thứ 2 và cấm luôn con vì bộ phim quá nặng nề! Buổi tối cần xem những phim nhẹ nhàng, vui vẻ và có tính giải trí. Tên phim ngược với nội dung – xem được 2 tập thôi đã quá ức chế rồi!”.
Bạn Đỗ Thịnh chia sẻ: “Tôi cũng cảm nhận giống tác giả bài viết, phim này đạo diễn xây dựng nhân vật quá khủng khiếp. Chẳng có bà mẹ nào mà hận con gái ruột 12 tuổi của mình đến tận xương tuỷ, chẳng có người phụ nữ nào như nhân vật An Nhiên dám đánh đổi người yêu thương, người cha của con mình để đạt mục đích cả”.
Bạn Bùi Hạnh Nhi ngao ngán: “Tên phim nhân văn thế mà các nhân vật dùng đủ mọi thủ đoạn chà đạp nhau. Rõ chán”. Lương Thu Trang đã khắc họa tính cách nhân vật An Nhiên vô cùng đáng sợ.
Độc giả tên Phức nhận định: “Bảo sao xã hội ngày một nhiều các vụ đánh ghen, giới trẻ sống buông thả… cứ đua đòi theo phim ảnh TV thôi chứ chưa cần nói gì trên mạng xã hội”.
Bạn Nguyenhaibinh than phiền: “Bạo lực đã đầy ra ngoài đường với trường học rồi, giờ tối về nhà xem phim để thư giãn mà cũng lại căng thẳng đau hết cả đầu. Mệt!”.
Theo bạn Tran nam: “Việt Nam bắt chước phim Hàn xây dựng những mối quan hệ, mâu thuẫn đẩy cái ác lên cực điểm để câu khách”.
Đừng để tâm lý của mình bị tác động bởi các nhân vật hư cấu
Đánh giá bộ phim ở những góc nhìn khách quan và đa diện hơn, độc giả Hoàng Thu Lê cho rằng: “Bạn không thích cứ việc chuyển kênh, tôi quan niệm xem phim để giết thời gian, hoàn toàn giải trí thôi. Không đề cao tác dụng ‘chữa lành’ nào đó nhưng cũng không để các nhân vật hư cấu đó tác động đến con người mình”.
Bạn Linh Chi Ngô nhận xét: “Cường điệu hóa tính cách, tâm lý các nhân vật để tạo thêm những nút thắt về kịch bản, diễn biến phim nhằm thu hút người xem cũng là một chiêu trò của đạo diễn thôi”.
“NSND Thu Hà chỉ thể hiện đúng bản chất của nhân vật, cô diễn giỏi, tôi chỉ không thích cô quá lạm dụng biểu hiện trên khuôn mặt cứ cố phùng má trợn mắt, cảm giác không tự nhiên” – độc giả Bùi Linh Thư.
Bạn Nguyễn Thái Hiếu thể hiện quan điểm cá nhân: “Phim truyền hình phải có nhiều tình tiết kịch tính, tạo cảm xúc lên xuống. Phim Hàn, Phim Trung Quốc, cung đấu cũng vậy đấy chứ. Sao cứ phim Việt lại nặng nề phê phán từ nhân vật đến diễn viên, kịch bản… Hãy xem và nhìn nhận sự cố gắng của ê-kíp làm phim. Mạch phim có thể không vừa ý với mình vì đâu phải sản xuất cho mỗi bạn xem đâu. Sao cứ xem lại kêu ức chế, chán… Nếu không thích nữa, có thể chuyển kênh mà”.
Trong bài viết gửi đến VietNamNet, độc giả Ngô Nhàn (Quảng Ninh) cho rằng: “Tôi thấy nhiều người hùa nhau chỉ trích bộ phim dù mới chỉ xem vài tập, chê phim tạo ra các nhân vật độc hại, chẳng thấy chữa lành ở chỗ nào, như lời bạn Mỹ Lệ nhận xét. Nhưng nên nhớ đây là phim truyền hình, người ta phải xây dựng tình huống và câu chuyện có lớp lang để giữ chân khán giả, từ từ nguyên nhân mới được hé lộ để lý giải tại sao các nhân vật phản diện hành động gây ức chế như thế”.
“Xem Trạm cứu hộ trái tim mà tôi ngỡ xem phim Hàn vì drama ngập tràn và luôn chi phối cảm xúc của khán giả, nhân vật phản diện ra phản diện chứ không nhạt nhẽo nước đôi. Nghĩa hay An Nhiên khiến tôi căm tức nhưng không thể bỏ phim bởi vẫn muốn chờ xem nguyên nhân họ hy sinh hạnh phúc riêng để lên kế hoạch trả thù gia đình Hà là gì?…”, bạn Ngô Nhàn phân tích.
Độc giả Hồng Phúc Nguyễn tán thành ý kiến của Ngô Nhàn và nói thêm: “Đây là một trong những bộ phim hay nhất của Việt Nam, xem mà hồi hộp và thấm thía từng cử chỉ đến câu thoại của diễn viên. Bộ phim tập trung các diễn viên nổi tiếng như: Thu Hà, Hồng Diễm, Phạm Cường, Mỹ Duyên, Quang Sự… Đi đâu hay làm gì tôi cũng phải nhanh về để xem phim này. Phải thừa nhận phim Việt ngày càng hay và phản ánh những điều rất sát thực tế”.
Bạn Thanh Huyền cho hay: “Quá ấn tượng với diễn xuất của NSND Thu Hà. Hồng Diễm cũng diễn hay, vai này thú vị”. Bạn Kiều My cho rằng: “Điều quan trọng là Trạm cứu hộ trái tim có kịch bản cuốn hút và diễn viên tốt”.
Bạn đọc có nick name Lão Phật Gia đưa ra góc nhìn khá trực diện và sự so sánh đáng suy ngẫm: “Phim Việt Nam còn kém lắm, phim Hàn Quốc có những tình tiết ghê tởm hơn nhiều. Khán giả Việt lúc nào cũng muốn xem mấy loại phim dĩ hòa vi quý, cuộc sống màu hồng, người tốt tha thứ cho người xấu, người xấu quay đầu hướng thiện, toàn thích xem mấy cái nội dung sáo rỗng giả tạo xa rời cuộc sống như vậy nên dân trí vẫn thấp mãi chả cải thiện được. Phim truyền hình Hàn Quốc thậm chí còn khỏa thân đầy ra, đánh nhau rất tàn khốc y hệt phim hành động chiếu rạp mà khán giả nước họ đâu có kêu ca gì. Ngược lại, phim Hàn còn gây cơn sốt toàn thế giới nên Netflix đầu tư sản xuất cho Hàn Quốc rất nhiều”.