Bảng thành phần dinh dưỡng của đậu phụ và lợi ích khi ăn món này
Đậu phụ còn có tên gọi khác là đậu hũ được rất nhiều người yêu thích nhờ sự thanh đạm, thơm ngon và bổ dưỡng của món ăn này. Trong đậu phụ có chứa một hàm lượng lớn protein nên nó cũng thường xuất hiện trong thực đơn của những người ăn chay để thay thế cho protein động vật. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tóm tắt bảng thành phần dinh dưỡng của đậu phụ và những lợi ích khi tiêu thụ loại đậu này.
1. Bạn biết gì về đậu phụ?
Đậu phụ là một món ăn quen thuộc của người dân châu Á, được làm từ sữa đậu nành, nước, được xay nhuyễn, nấu chín tạo thành hỗn hợp dung dịch và sau đó được ép thành khối. Trung Quốc chính là quê hương của món đậu phụ. Quá trình làm ra một miếng đậu phụ cũng gần giống với quy trình cho ra đời một miếng pho mát.
Hương vị của đậu phụ khá nhẹ nhưng rất đặc trưng, nó có thể được chế biến riêng hoặc kết hợp cùng với các nguyên liệu khác như thịt hoặc rau củ. Đậu hũ còn là món ăn không thể thiếu trong thực đơn dinh dưỡng của những người đang thực hiện chế độ ăn thuần chay và người ăn chay.
Đậu phụ là một món ăn quen thuộc của người dân châu Á, được làm từ sữa đậu nành
1.1. Bảng thành phần dinh dưỡng của đậu phụ
Tuy sở hữu một vẻ ngoài giản đơn, cách chế biến không phức tạp, cầu kỳ nhưng đậu phụ lại ẩn chứa một kho tàng dinh dưỡng giá trị. Món ăn này cung cấp một nguồn protein dồi dào đồng thời hội tụ rất nhiều axit amin quan trọng cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra trong đậu hũ còn chứa carb, chất béo, các loại khoáng chất và vitamin phong phú khác.
Bảng thành phần dinh dưỡng có trong đậu phụ
Có thể thấy rằng trong khoảng 100g đậu phụ sẽ cung cấp cho cơ thể 76 calo. Số calo này không quá cao nên sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch giảm cân của bạn. Mặc dù hàm lượng calo không lớn nhưng đậu phụ lại chứa nhiều protein, điều này khiến bạn có cảm giác no lâu hơn. Protein trong đậu phụ giúp hạn chế cholesterol xấu hấp thu vào cơ thể. Ngoài ra lượng carbs tự nhiên do đậu phụ cung cấp không chứa gluten cũng rất phù hợp cho những ai mắc chứng bệnh Celiac (bất dung nạp gluten).
1.2. Thành phần các chất kháng dinh dưỡng có trong đậu hũ
Tương tự như các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật khác, đậu phụ cũng sản xuất ra một số chất kháng dinh dưỡng, cụ thể là:
Phytase: chất này có khả năng hạn chế sự hấp thụ một số loại khoáng chất như sắt, kẽm, canxi của cơ thể;
Chất ức chế Trypsin: là các hợp chất cản trở hoạt động của enzyme Trypsin (một loại enzyme được tiết ra với công dụng hỗ trợ tiêu hóa protein);
Lectin: là một dạng protein khi chưa được nấu chín hay ăn quá nhiều, nấu sai cách sẽ kích thích cảm giác chướng bụng, buồn nôn.
Để loại bỏ một số các chất này hoặc khử bớt đi hoạt tính của chúng, trước khi chế biến bạn có thể ngâm đậu nành.
1.3. Isoflavone trong đậu hũ có chức năng gì?
Isoflavone do đậu nành sản xuất là một loại hợp chất thực vật tự nhiên. Chức năng của Isoflavone cũng tương tự như phytoestrogen, tức là có thể đính kết vào các thụ quan estrogen trong cơ thể và kích hoạt chúng.
Sự liên kết này được chứng minh là tạo ra hiệu ứng gần giống với estrogen mang lại, cụ thể là chúng giúp làm chậm tình trạng lão hóa buồng trứng ở nữ giới, tăng cường nội tiết tố, làm mờ vết nám và hạn chế các gốc tự do. Ngoài ra chúng còn giúp cân bằng và làm tăng hàm lượng estrogen trong cơ thể, từ đó giúp da trở nên săn chắc và đàn hồi hơn.
Tuy nhiên nếu isoflavone gia tăng quá mức do chế độ ăn có quá nhiều đậu này sẽ tác động đến hoạt động sản xuất testosterone (một loại hormone nam giới). Vì vậy nam giới không nên ăn quá nhiều đậu hũ mà thay vào đó hãy biết cân bằng các nguồn dinh dưỡng khác nhau.
Đậu phụ có thể được chế biến riêng hoặc kết hợp cùng với các nguyên liệu khác
2. Ích lợi của đậu hũ đối với sức khỏe
Nhờ bảng thành phần dinh dưỡng phong phú, đậu phụ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, ví dụ như:
Giúp hạn chế sự bùng phát của các cơn bốc hỏa và các triệu chứng khó chịu khác của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ;
Giảm thiểu nguy cơ mắc chứng béo phì, đái tháo đường nhờ công dụng kiểm soát tốt lượng đường huyết và làm giảm mức cholesterol xấu trong cơ thể;
Ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch: nhờ sự có mặt của Isoflavones do đậu hũ cung cấp sẽ giúp giảm thiểu đáng kể nồng độ cholesterol xấu toàn phần, triglycerides và LDL cholesterol trong máu. Qua đó giúp phòng tránh được các vấn đề tim mạch;
Tăng cường sức mạnh cho hệ cơ xương khớp: trung bình cứ 80mg đậu nành được tiêu thụ mỗi ngày sẽ giúp làm tăng mật độ xương, phòng tránh hiện tượng tiêu xương, loãng xương nhất là khi cơ thể bước vào độ tuổi trung niên và giai đoạn tiền mãn kinh;
Ăn đậu phụ giúp tăng cường trí nhớ và cải thiện chức năng não: đậu nành có tác dụng hạn chế các triệu chứng sa sút trí tuệ, tốt cho hoạt động của não bộ nhất là đối với phụ nữ từ 65 tuổi trở lên;
Đậu hũ cũng là một sản phẩm giúp làm đẹp da, hạn chế sự hình thành các nếp nhăn và giúp da luôn trắng mịn, đàn hồi.
Như vậy có thể thấy đậu phụ là một món ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe và phù hợp với đại đa số khẩu vị của người dân. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên tiêu thụ quá nhiều đậu hũ. Theo báo cáo của Đại học Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học của Hoa Kỳ thì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi đã có thể xuất hiện phản ứng dị ứng với các loại thức ăn được đưa vào cơ thể, trong đó bao gồm cả đậu phụ. Do đó mặc dù đậu phụ là thực phẩm lành tính nhưng các bậc phụ huynh cũng cần hết sức thận trọng khi cho trẻ sử dụng.
Đậu phụ là một món ăn lành mạnh và phù hợp với đại đa số khẩu vị của người dân
Những thông tin trong bài viết trên đây đã tóm tắt bảng thành phần dinh dưỡng của đậu phụ và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các thành phần dưỡng chất, những lợi ích do món ăn này đem lại cho cơ thể. Hy vọng rằng thông qua việc tham khảo kiến thức về đậu phụ, bạn đã biết cách bổ sung đậu phụ một cách khoa học và sử dụng nó hiệu quả hơn trong chế độ ăn uống hàng ngày.