Bọ mẩy là thảo dược mọc hoang phổ biến ở trung du và miền núi ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Rau bọ mẩy được người dân nhiều địa phương chế biến thành món ăn, ngoài ra bọ mẩy còn là một vị thuốc trong y học cổ truyền.
1. Mô tả đặc điểm cây bọ mẩy
Cây bọ mẩy (Clerodendron cyrtophyllum Turcz) thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Một số tên gọi khác của bọ mẩy như Đại thanh, Đắng cay, Mẩy kỳ cáy, Thanh thảo tâm, Bọ nẹt.
Cây bọ mẩy là loại cây nhỏ, thân thảo sống lâu năm, cây cao khoảng 1m. Lá có hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi tròn, hai màu xanh thẫm, khi vò lá thấy có mùi hôi đặc trưng. Hoa màu trắng, mọc ở đầu cành, chia 5 cánh, gần giống hoa đu đủ, ở giữa hoa có tua nhụy dài. Quả hạch, hình trứng.
Lá cây được thu hái quanh năm làm rau và làm thuốc, tháng 5 đến tháng 8 hàng năm thường có nhiều lá non. Để làm thuốc, thường thu hái lá, ngọn, rễ, có thể dùng tươi hoặc rửa sạch, phơi khô.
2. Cây bọ mẩy có tác dụng gì?
Ở vùng Tây Bắc, người dân thường hái ngọn non, lá non xào với măng, tỏi làm thức ăn bồi bổ sức khỏe và giải độc rượu. Ở Hòa Bình, người Mường có món rau đồ truyền thống với hơn 10 loại rau, trong đó có rau bọ mẩy. Rau được đồ như đồ xôi, tạo ra một món ăn với vị đắng, ngọt, cay, thơm và hơi bùi.
Ở một số nơi, lá non bọ mẩy thường dùng để nấu canh ăn và dùng cho sản phụ sau khi sinh nở giúp ăn ngon và nhanh bình phục. Rau có vị đắng khá gắt, nhưng sẽ có vị ngọt hậu, hơi bùi.
Dùng khô: sao vàng hạ thổ lá, ngọn bỏ mẩy khô, sau đó sắc uống với liều dùng khoảng 15g/ngày, thường được dùng như một vị thuốc bổ giúp phụ nữ sau khi sinh.
Điều trị ghẻ ngứa, giảm mụn: dùng toàn cây bọ mẩy tươi đun lấy nước tắm hàng ngày.
Bọ mẩy là thảo dược mọc hoang phổ biến ở trung du và miền núi ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Đây vừa là nguyên liệu nấu ăn, vừa là dược liệu chữa bệnh rất hiệu quả. Tuy nhiên, để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng.