Cây ngải dại có nhiều đặc điểm tương tự cây ngải cứu, do đó nhiều người nhầm lẫn tác dụng của 2 loại dược liệu này. Vậy tác dụng của cây ngải dại là gì và cần sử dụng chúng như thế nào để mang lại hiệu quả?
1. Đặc điểm cây ngải dại
Cây ngải dại còn có những tên gọi khác như cây ngải hoang, mẫu hoa, có nhiều đặc điểm và cùng loài với cây ngải cứu nhưng lại là một loại cây hoàn toàn khác biệt. Cây ngải dại có tên khoa học là Artemisia vulgaris L. var. indica (Willd.) DC., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Ngải dại có hình dạng rất giống ngải cứu nên dễ gây nhầm lẫn, điểm khác biệt lớn nhất là mặt trên lá cây ngải dại màu lục nhạt, mặt dưới ít lông màu xám nhạt. Trong khi lá ngải cứu mặt trên màu sẫm đen còn mặt dưới phủ đầy lông trắng, mịn như nhung. Mùi của lá cây ngải dại vò ra cũng hắc hơn so với ngải cứu.
Cây ngải dại phân bố tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía bắc nước ta với độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 800m trở lên. Những tỉnh ghi nhận sự xuất hiện nhiều với trữ lượng lớn của cây ngải dại là Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu… Cây ngải dại mọc hoang thành đám liên tục trên những khu vực đất ẩm ướt ven đường, ven rừng, trên nương rẫy hoặc gần khe suối. Loại cây này sinh trưởng mạnh từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm, sau đó bắt đầu ra hoa quả. Nhiệt độ thích hợp cho cây ngải dại phát triển là 13-18 độ C.
2. Cây ngải dại có tác dụng gì?
Cây ngải dại có tác dụng gì là thắc mắc của rất nhiều người, đặc biệt là việc nó có thay thế được ngải cứu trong chữa bệnh hay không. Theo Y học Cổ truyền, cây ngải dại có tính mát nên thường được ứng dụng kết hợp các dược liệu khác trong các bài thuốc giải nhiệt, tiêu viêm… Phần được sử dụng nhiều nhất là phần cây ngải dại nằm trên mặt đất, có thể dùng ở dạng tươi hoặc sấy, phơi khô. Theo nghiên cứu của Showkat Rashid và các cộng sự cho thấy, phần lớn hoạt chất trong cây ngải dại là các loại tinh dầu. Theo Y học hiện đại, lượng lớn tinh dầu trong cây ngải dại có công dụng kháng viêm, sát khuẩn và kháng nấm rất tốt. Đồng thời, các hoạt chất trong dược liệu này còn ngăn ngừa những tác động cũng như loại bỏ nhanh các tác nhân gây hại tồn tại trên bề mặt da hoặc trong cơ thể.
Bên cạnh đó, số lượng lớn các loại tinh dầu trong cây ngải dại còn có khả năng hỗ trợ tăng sức đề kháng cho làn da và toàn bộ cơ thể, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, cải thiện sức khỏe, hạ sốt và kích thích tiêu hóa hoạt động. Ngoài ra, do có khả năng kháng viêm và kháng khuẩn cao nên cây ngải dại đã ức chế các hoạt động, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào da, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh viêm da cơ địa và những triệu chứng khó chịu đi kèm như ngứa da, nổi mẩn đỏ, sưng, phù nề, đóng vảy… Những hoạt chất có lợi trong cây ngải dại có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp vùng da bị viêm mau chóng hồi phục, cân bằng độ ẩm làn da, dưỡng da và hạn chế những tổn thương đến lớp biểu bì. Cây ngải dại còn có khả năng làm dịu nhanh tình trạng ngứa ngáy và đau rát da, đặc biệt hơn là khả năng gây độc với 4 dòng tế bào ung thư là ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đại tràng và ung thư máu.
3. Một số bài thuốc từ cây ngải dại
3.1. Điều hòa kinh nguyệt
Người bệnh có thể dùng 10g lá cây ngải dại đã rửa sạch và phơi khô đi sắc chung với 200ml nước. Đến khi nước cạn còn khoảng 50ml thì dừng lại. Chị em duy trì uống nước sắc từ cây ngải dại trong 1 tuần trước khi kỳ kinh nguyệt đến, mỗi ngày uống 1 lần. Bài thuốc ứng dụng tác dụng của cây ngải dại này thích hợp cho đối tượng phụ nữ có kinh nguyệt không đều, đến quá sớm hoặc quá trễ.
3.2. Điều trị đau đầu, cảm cúm
Người bệnh sử dụng 20g lá cây ngải dại sắc cùng 10g gừng tươi và 20g lá cúc tần để lấy nước uống khi còn nóng và xông cho mồ hôi toát ra, sẽ rất hiệu quả trong việc điều trị đau đầu, cảm cúm. Tác dụng của cây ngải dại là kháng khuẩn và kháng viêm đã được ứng dụng trong bài thuốc này.
4. Cây ngải dại chữa viêm da cơ địa Bài thuốc chữa viêm da cơ địa từ cây ngải dại nhờ vào khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ tốt quá trình làm lành với thương với ưu điểm độ an toàn cao và không gây kích ứng da. Bên cạnh đó, bài thuốc từ cây ngải dại này lại rất đơn giản, dễ thực hiện và không tốn nhiều công sức. Nguyên liệu cần chuẩn bị: Lá cây ngải dại tươi khoảng 30g; Muối hạt. Cách thực hiện: Rửa sạch lá cây ngải dại tươi; Dùng muối hạt để pha một lượng nước muối vừa đủ; Ngâm lá cây ngải dại trong nước muối khoảng 15 – 20 phút sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn tạp chất, vi khuẩn và lượng bụi bẩn còn sót lại trên bề mặt lá; Vớt dược liệu ra ngoài và rửa lại với nước sạch; Cho lá cây ngải dại vào nồi cùng với 3-4 lít nước sạch.
Thêm một ít muối hạt vào và tiến hành đun sôi trong 10 phút, sau đó tắt bếp; Tiến hành hòa thêm một lượng nước sạch vừa đủ để cân bằng nhiệt độ; Sau khi tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ vùng da bị viêm, người bệnh hãy dùng nước lá đã chuẩn bị ngâm chân, tay và những vị trí bị bệnh; Thời gian ngâm da khoảng 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước trong nồi nguội hẳn. Người bệnh viêm da cơ địa cần kiên trì sử dụng bài thuốc từ cây ngải dại chữa này 2 – 3 lần/ngày trong thời gian 20 ngày sẽ nhận thấy các triệu chứng bệnh có dấu hiệu thuyên giảm. Tình trạng ngứa da, nổi mẩn đỏ, sưng, phù nề, đóng vảy và một số triệu chứng khó chịu khác của bệnh viêm da cơ địa cũng không còn sau khi áp dụng bài thuốc từ cây ngải dại này.
5. Một số lưu ý khi sử dụng cây ngải dại
Cây ngải dại chỉ hỗ trợ quá trình điều trị các vấn đề nêu trên chứ không thể thay thế hoàn toàn cho thuốc điều trị được bác sĩ chỉ định; Bệnh nhân cần kiên trì sử dụng cây ngải dại để nhận thấy sự thay đổi cũng như những tác dụng rõ rệt của dược liệu này; Cây ngải dại bản chất mọc hoang, do đó khi thu hái cần chọn lọc những cây mọc ở các khu vực sạch sẽ, không lẫn hóa chất để hạn chế tình trạng cây bị nhiễm khuẩn, bụi bẩn hoặc các chất độc hại; Nếu phát hiện cơ thể xảy ra bất thường trong quá trình sử dụng cây ngải dại thì lập tức ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ để điều trị kịp thời. Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về cây ngải dại có tác dụng gì? Để nâng cao hiệu quả sử dụng người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của những người có chuyên môn. Theo vinmec