Gạo lứt cho người tiểu đường và những lưu ý khi sử dụng
Người tiểu đường cần có chế độ ăn kiêng đặc biệt. Trong đó, gạo lứt thường được người bệnh thay thế gạo trắng. Ưu điểm của gạo lứt là có chỉ số đường huyết thấp hơn gạo trắng, từ đó giúp người bệnh kiểm soát đường huyết hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng của gạo lứt cho người tiểu đường và những lưu ý khi tiêu thụ loại thực phẩm này.
1. Lợi ích của gạo lứt cho người tiểu đường
Gạo trắng là sản phẩm đã được loại bỏ cám và mầm, vì thế khi ăn quá nhiều gạo trắng, bệnh nhân tiểu đường sẽ có nguy cơ tăng đột biến lượng đường trong máu. Trong khi đó, gạo lứt chỉ bị bỏ đi lớp vỏ cứng bên ngoài và chính là một loại ngũ cốc nguyên hạt và đảm bảo giữ được nguyên vẹn giá trị dinh dưỡng.
Bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý đến chế độ ăn uống.
Gạo lứt có chứa chất xơ cao gấp đôi và có chứa lượng magie cao gấp 3 lần so với gạo trắng. Do đó, đây chính là loại thực phẩm rất thân thiện dành cho bệnh nhân mắc tiểu đường.
Chỉ số đường huyết của gạo trắng là 73, trong khi đó chỉ số đường huyết của gạo gạo lứt chỉ là 68. Chính vì thế, khi tiêu thụ gạo lứt, lượng đường được giải phóng sau quá trình tiêu hóa thường không cao. Khi lượng đường được giải phóng từ từ thì quá trình hấp thụ và đào thải cũng sẽ hiệu quả hơn và tránh nguy cơ bị tăng đột biến lượng đường trong máu và rất an toàn đối với người bệnh tiểu đường. Ngược lại, chỉ số đường huyết trong gạo trắng cao có thể dẫn đến giải phóng đường nhiều hơn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Gạo lứt là thực phẩm phù hợp với người bị tiểu đường
Gạo lứt có lượng chất xơ rất dồi dào. Vì thế, khi ăn gạo lứt người bệnh sẽ có cảm giác no nhanh hơn và lâu hơn, từ đó kiểm soát cân nặng hiệu quả và phòng ngừa những biến chứng của bệnh. Chất xơ cũng giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Các hợp chất flavonoid có tính oxy hóa mạnh, giúp chống viêm, phòng ngừa nguy cơ mắc phải một số bệnh lý như ung thư, tim mạch và Alzheimer…
Trường hợp mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cũng nên lựa chọn gạo lứt để cung cấp lượng magie cho cơ thể, từ đó kích thích sản xuất insulin và kiểm soát đường huyết hiệu quả.
2. Ăn bao nhiêu gạo lứt là đủ?
Gạo lứt là thực phẩm phù hợp với người bệnh tiểu đường nhưng điều đó không có nghĩa là người bệnh có thể ăn thoải mái. Trong loại gạo này có hàm lượng carbs cao. Nếu ăn quá nhiều gạo lứt, đồng nghĩa với lượng carb trong cơ thể tăng lên và lượng đường trong máu cũng tăng lên. Vì thế, người bệnh tiểu đường cần lưu ý về khẩu phần gạo lứt cần được bổ sung trong mỗi bữa ăn.
Nên bổ sung lượng gạo lứt phù hợp, không nên ăn quá nhiều
Rất khó để có thể đưa ra con số chính xác về khẩu phần gạo lứt mỗi ngày dành cho tất cả người bệnh. Do đó, người bệnh cần phải hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình, lượng tiêu thụ carb tối ưu của cơ thể để kiểm soát đường huyết và những phản ứng cơ thể với carbs như thế nào.
Chẳng hạn, mục tiêu trong mỗi bữa ăn của bạn là 30g carbs, thì bạn chỉ nên tiêu thụ khoảng 100g gạo lứt (khoảng một nửa bát cơm) tương đương với khoảng 26g carbs. Nhu cầu carbs còn lại, bệnh nhân có thể bổ sung từ rau và ức gà hay các thực phẩm có lượng carb thấp khác.
Không chỉ xác định khẩu phần gạo mỗi ngày, người bệnh cũng cần hiểu rõ rằng, gạo lứt rất tốt nhưng nó chỉ là một phần trong chế độ ăn hàng ngày. Bạn không nên quá lạm dụng và cần bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm khác như thực phẩm có chứa đạm, các loại rau củ có lượng carb thấp, thực phẩm có chứa chất béo lành mạnh,… Ăn đa dạng thực phẩm sẽ giúp cơ thể được bổ sung đầy đủ dưỡng chất.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý ăn nhiều thực phẩm toàn phần, hạn chế ăn các loại thực phẩm đã tinh chế, chế biến sẵn để tránh tình trạng tăng đường huyết, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Hướng dẫn nấu cơm gạo lứt cho người tiểu đường
Tuy rằng, gạo lứt là loại thực phẩm rất dễ tìm kiếm nhưng không phải ai cũng biết nấu gạo lứt đúng cách.
– Dưới đây là hướng dẫn cách nấu cơm gạo lứt cho người tiểu đường:
+ Đầu tiên bạn đổ gạo vào nồi và vo gạo với nước lạnh. Không nên vo gạo quá kỹ để tránh mất chất dinh dưỡng ở lớp cám bên ngoài.
+ Sau khi đã vo gạo sạch vào thì đổ một lượng nước vừa đủ vào nồi gạo. Nếu muốn, bạn có thể cho thêm một lượng nhỏ dầu oliu.
+ Sau đó, đậy vung nồi và nấu. Khi gạo đã sôi thì giảm nhỏ lửa và để trong khoảng 45 đến 55 phút. Khi gạo đã chín thì tắt bếp và để khoảng 8 đến 10 phút là có thể ăn được.
+ Trước khi ăn nên đánh tơi cơm.
+ Lưu ý: Trước khi nấu gạo lứt, bạn nên ngâm gạo trong khoảng 8 tiếng để khi nấu, gạo sẽ nhanh chín hơn.
Có thế nấu nước gạo lứt để uống
– Ngoài nấu cơm, bạn có thể nấu nước gạo lứt bằng cách sau:
+ Đầu tiên cho khoảng 200g gạo lứt vào chảo rang.
+ Lấy gạo lứt đã rang để ngâm vào nước lạnh trong khoảng 8 tiếng.
+ Vớt gạo đã ngâm và đun cùng khoảng 2 lít nước lọc.
+ Khi nước đã sôi lên thì vặn nhỏ lửa và tiếp tục đun đến khi lượng nước chỉ còn lại 1 lít thì tắt bếp.
– Một số lưu ý khi ăn gạo lứt:
+ Người bệnh có thể kết hợp gạo lứt với nhiều loại thực phẩm, món ăn khác như salad, súp, bánh mì với thịt chay, rau và trứng,…
+ Khi ăn cơm gạo lứt, người bệnh tiểu đường cũng cần lưu ý cần phải ăn chậm, nhai kỹ. Đây là yếu tố quan trọng làm giảm áp lực cho dạ dày, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giúp cơ thể nhận được những giá trị dinh dưỡng tốt nhất từ loại thực phẩm này.
+ Sau mỗi bữa ăn, người bệnh cũng nên kiểm tra đường huyết để xem lượng gạo mà mình bổ sung đã phù hợp với tình trạng sức khỏe hay không và điều chỉnh lượng gạo lứt cũng như chế độ ăn phù hợp hơn.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về lợi ích của gạo lứt, cách nấu cơm gạo lứt cho người tiểu đường. Ngoài chế độ ăn, người bệnh cũng nên tuân thủ theo phương pháp điều trị và lịch khám sức khỏe của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả và phòng tránh nguy cơ biến chứng bệnh.
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân