Người mẹ nuôi dạy con bại não thành nhân tài Harvard khiến bất cứ ai khi nghe câu chuyện xúc động về cuộc đời cô đều cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ.
Chúng ta may mắn sinh ra những đứa con thông minh, khỏe mạnh, lành lặn. Hãy xem đó là một đặc ân mà không phải ai cũng có được. Vì vậy hãy vượt mọi trở ngại để nuôi dạy con thành tài, có một tương lai tốt đẹp. Hẳn nhiên, quá nhiều áp lực trong cuộc sống khiến chúng ta mệt mỏi và chùn bước. Khi nào bạn không còn động lực và sự kiên nhẫn dành cho con, hãy nghĩ đến người mẹ ở Hồ Bắc (Trung Quốc) Trâu Hoành Yến (Zou Hongyan), người mẹ nuôi dạy con bại não thành nhân tài Harvard.
Hoành Yến sinh một bé trai đặt tên là Đình Đình (Dingding). Ngay khi vừa sinh, bác sĩ đã thông báo cho gia đình đứa trẻ này bị bại não nặng, chắc chắn lớn lên sẽ “đần độn” thậm chí nằm liệt giường. Trong khi người bố quay lưng, Hoành Yến vẫn không bỏ cuộc. Cô một mình vừa kiếm tiền vừa nuôi dạy con, không từ bỏ hy vọng Đình Đình sẽ phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Tình yêu tuyệt vời của một người mẹ đã có sức mạnh phi thường biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Từ một đứa trẻ khiếm khuyết về trí não, người mẹ đã nuôi dạy con bại não thành nhân tài Harvard với thành tích học tập đáng nể:
– Năm 2007, Đình Đình đậu Đại học Bắc Kinh với số điểm 660.
– Năm 2011, Đình Đình trở thành học viên của trường Cao học Luật Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh.
– 2016, Đình Đình trở thành sinh viên trường Luật Harvard.
Mọi người vẫn tự hỏi Hoành Yến đã có bí quyết gì để nuôi dạy một đứa trẻ bại não thành tài. Thật ra, thành quả ngày hôm nay đến từ cách giáo dục con thật đơn giản nhưng đòi hỏi tình yêu và sự kiên định của người mẹ. 3 điều sau Hoành Yến đã biến một đứa trẻ bại não thành sinh viên Harvard.
Luôn là điểm tựa vững chắc của con
Người mẹ một mình gánh vác trách nhiệm cả về kinh tế lẫn nuôi dạy con. Để đảm bảo nguồn tài chính, cô không ngại nhận nhiều công việc cùng một lúc. Tuy nhiên, cô vẫn tranh thủ thời gian theo sát việc học và những thay đổi ở con.
Một lần, nhận thấy con có tâm trạng không vui và muốn nghỉ học, cô hỏi thăm và biết trong lớp Đình Đình bị bạn bè bắt nạt và chế giễu vì con “bại não”. Người mẹ đã tức tốc bắt xe đến trường, nói chuyện với giáo viên và các bạn cùng lớp. Từ đó, Đình Đình không còn bị bạn bè xem thường nữa. Đồng thời, em cũng tự tin và cố gắng học. Một thời gian sau, bạn bè vô cùng nể phục vì thành tích học tập vượt trội của em, Đình Đình thường xuyên dẫn đầu lớp.
Phát huy nội lực của con
Khi con còn nhỏ, Đình Đình thường hoàn thành mọi việc rất chậm so với bạn bè đồng trang lứa nhưng Hoành Yến luôn để con tự làm, không tham gia quá mức vào các hoạt động của con. Do điều kiện thể chất hạn chế, nhiều khi một kỹ năng đơn giản như cầm đũa và cầm bút em phải tập cả năm trời nhưng người mẹ vẫn không quên khích lệ con mỗi ngày
.
Lớn lên đi học, người mẹ vẫn luôn khuyến khích con tự làm bài tập và chủ động với việc học. Hoành Yến quan sát con từ xa và chỉ hỗ trợ con khi thật cần thiết. Nhờ vậy, Đình Đình luôn có điều kiện phát huy tiềm lực của bản thân trong mọi hoàn cảnh.
Dạy con tính kiên nhẫn, không bao giờ bỏ cuộc
Điều Hoành Yến dạy con là việc gì cũng có thể làm được nếu con kiên trì đến cùng. Trong suốt hành trình đi bên con, bao nhiêu áp lực đè lên đôi vai người mẹ đơn thân nhưng cô chưa bao gục ngã và buông tay con.
Những em bé khác 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết ngồi nhưng Đình Đình 1 tuổi vẫn không ngồi vững. Thậm chí đến tuổi mẫu giáo vẫn đi lại chưa vững. Năm 3 tuổi, Hoành Yến bắt đầu cho con đi mát-xa trị liệu, 2 ngày một lần kéo dài đằng đẵng suốt 3 năm. Nhờ đó, sức khỏe con được cải thiện đáng kể.
Luôn là một tấm gương, người mẹ giúp con hiểu rằng con luôn có thể về đích nếu con kiên nhẫn trong mọi việc. Tuy có chậm hơn một chút so với bạn bè nhưng nếu con chăm chỉ mỗi ngày, nỗ lực của con sẽ được đền đáp xứng đáng. Đó cũng là một trong những phương châm dạy con giúp người mẹ nuôi dạy con bại não thành nhân tài Harvard.