Sâm nam là cây dược liệu không chỉ có tác dụng bồi bổ cơ thể mà còn được dùng để chữa bệnh. Để hiểu hơn về công dụng của cây sâm nam, đặc biệt là có cách sử dụng cho đúng, bạn đọc đừng bỏ qua những chia sẻ hữu ích bên dưới.
1. Sơ lược cây sâm nam
Cây sâm nam có nhiều tên gọi khác nhau như cây chân chim, ngũ chỉ thông, ấp cước mộc, nga chưởng sài,…
Đặc điểm tự nhiên
Sâm nam thuộc loài cây nhỡ hoặc cây to với chiều cao từ 2 – 8m. Lá kép hình chân vịt với 6 – 8 lá chét mọc so le. Lá chét có gốc tròn hoặc thuôn, đầu nhọn, phiến lá hình trứng, cuống lá ngắn. Hoa sâm nam mọc thành chùm ở đầu cành, hoa màu trắng, nhỏ, có 5 cánh. Quả sâm nam mọng, hình cầu, có núm nhọn ở trên, kích thước 3 – 4mm, bên trong nhiều hạt, từ 6 – 8 hạt. Cây sâm nam ra hoa kết quả vào mùa thu đông.
Cây sâm nam là vị thuốc có tác dụng bồi bổ và chữa bệnh
Phân bố sinh thái
Cây sâm nam được tìm thấy nhiều ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á. Tại Việt Nam, sâm nam mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam,… cùng một số tỉnh phía Nam – khu vực Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk,…
Bộ phận sử dụng
Người ta thường sử dụng vỏ thân hoặc vỏ rễ của cây sâm nam để làm thuốc bổ và thuốc chữa bệnh. Hai bộ phận này sau khi thu hoạch về sẽ được cạo bỏ lớp ngoài, rửa sạch rồi đem đi ủ ấm trong vòng 7 ngày, sau đó phơi khô trong bóng râm và cắt thành từng miếng nhỏ, tẩm gừng và nước rượu để dậy mùi thơm rồi sử dụng.
Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chính trong cây sâm nam là tinh dầu, các hoạt chất tanin, saponin trong vỏ thân và lá.
2. Công dụng của cây sâm nam
Cây sâm nam có nhiều công dụng nổi bật và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Theo y học cổ truyền
Trong Đông y, sâm nam có tính mát, vị đắng chát, mùi thơm nhẹ, có tác dụng khử phong trừ thấp, sơn căn hoạt lạc, giải biếu, ra mồ hôi. Tinh dầu chiết xuất từ vỏ thân cây có khả năng kích thích hệ thần kinh, chữa cảm lạnh, hạ đường huyết. Còn rễ cây sâm nam được sử dụng để thông tiểu, giải nhiệt, làm mát và bồi bổ sức khỏe.
Cây sâm nam có tác dụng khử phong trừ thấp, trị đau nhức xương
Theo y học hiện đại
Trong y học hiện đại, sâm nam cũng có tính ứng dụng cao. Người ta thường sử dụng loài cây này để chống lạnh hoặc chống nóng, tăng cường khả năng vận động, cải thiện sự tập trung và điều hòa nội tiết tố.
3. Cách dùng cây sâm nam
Đối tượng sử dụng là ai, mục đích sử dụng để làm gì sẽ quyết định liều lượng và cách dùng cây sâm nam. Đối với người trưởng thành bình thường thì có thể dùng 6 – 10g bột dược liệu khô hoặc 10 – 20g dược liệu tươi từ vỏ rễ và vỏ thân để sắc lấy nước uống.
Đối với lá cây sâm nam, bạn có thể đun sôi với nước rồi để nguội và dùng để tắm rửa. Ngoài ra, lá cây phơi khô rồi đem đi nấu canh có tác dụng giải nhiệt và thanh mát cơ thể, đồng thời, kích thích hệ tiêu hóa.
Lưu ý khi sử dụng cây sâm nam nói riêng và các cây dược liệu nói chung là cần phải kiên trì thì mới đem lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, cũng không nên lạm dụng, dùng quá liều lượng cho phép để tránh tác dụng phụ, nhất là với những người cơ địa nhạy cảm, mẫn cảm, dễ dị ứng.
Quan trọng nhất vẫn là tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng cây sâm nam. Trong khi sử dụng, nếu có bất thường về sức khỏe thì cần ngừng ngay và nhanh chóng đi khám để được xử lý kịp thời. Nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác thì hãy thông báo với bác sĩ để có chỉ định phù hợp. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên dùng cây sâm nam.
Phụ nữ mang thai không nên dùng sâm nam để chữa bệnh
4. Những bài thuốc hay từ cây sâm nam
Bạn có thể sử dụng độc vị cây sâm nam hoặc kết hợp vị thuốc này với các vị thuốc khác, tùy từng trường hợp. Dưới đây là những bài thuốc hay để bạn tham khảo.
Trị phong thấp, đau nhức xương khớp: Ngâm 180g vỏ rễ sâm nam với 500ml rượu trắng, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 40ml.
Trị chấn thương: Lá cây sâm nam rửa sạch, giã nát, đắp lên vị trí bị chấn thương rồi dùng băng gạc để băng lại.
Trị đau chân, cước khí: Kết hợp 8 – 16g sâm nam, 8 – 16g lõi thông, 8 – 16g hạt cau, 8 – 16g hương phụ, 8 – 16g tử tô, 8 – 16g chỉ xác, 8 – 16g ké đầu ngựa, đem sắc lấy nước uống.
Trị sưng thũng: Kết hợp 1920g lá sâm nam, 640g lá táo ba chi dạng bột trộn với nước vo gạo đun sôi rồi vo thành từng viên, mỗi viên khoảng 4g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên. Hoặc cũng có thể dùng để đắp trực tiếp lên vùng bị sưng thũng.
Trị viêm họng, sổ mũi: Kết hợp 15g rễ sâm nam với 35g cây hoa cúc vàng, đem sắc lấy nước uống.
Trị cảm sốt, ra nhiều mồ hôi: Kết hợp 40g sâm nam, 40g mẫu đơn bì, 40g đương quy, 40g xích thược đem sao vàng, tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g.
Trị huyết áp thấp: Bột cây sam nam vo thành viên, ngày uống 3 lần, mỗi lần 5 viên.
Thông tiểu, bồi bổ cơ thể: Dùng 6 – 11g rễ cây sâm nam khô sắc lấy nước rồi uống hàng ngày.
Bài viết đã giúp bạn đọc tìm hiểu công dụng và cách dùng cây sâm nam để bồi bổ cơ thể và chữa trị bệnh.