Ít ai ngờ rằng, cây lưỡi hổ thường được trồng làm cảnh lại có nhiều tác dụng trong chữa bệnh. Đây là dược liệu có vị chua, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Thường được dùng để điều trị ho do cảm mạo, nhọt lở loét sưng độc, bỏng, vấp ngã bị tổn thương…
Tên gọi khác: Hỗ vĩ, Hỗ vĩ lan, Lưỡi cọp xanh, Hỗ vĩ mép vàng…
Tên khoa học: Sansevieria trifasciata Hort.
Họ: Bồng bồng (Dracaenaceae).
Theo y học cổ truyền:
Công dụng: Giải độc, trừ thối mục sinh cơ, thanh nhiệt.
Chủ trị: Dược liệu thường được dùng để chữa ho do cảm mạo, khàn tiếng, viêm họng, viêm tai có mủ, bỏng, nhọt lở loét sinh độc, vấp ngã bị tổn thương…
Theo y học hiện đại:
Thành phần Alcaloid có trong dược liệu được ghi nhận là có thể tác dụng lên hệ tim mạch giống với Digitalin nhưng không mạnh bằng.
Một số thành phần khác trong dược liệu như aloe-emodin, barbaloin và aloin có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp dạ dày co bóp đều hơn.
Gel từ lá dược liệu có khả năng kháng khuẩn tương đối tốt, đặc biệt có thể đáp ứng với vi khuẩn lao.
Cây lưỡi hổ mặc dù được các tài liệu Đông y ghi nhận là có tác dụng trong việc điều trị bệnh nhưng bạn vẫn nên thận trọng khi dùng. Tốt nhất nếu có ý định dùng dược liệu này cho mục đích chữa bệnh cần trao đổi kỹ với thầy thuốc để được hướng dẫn. Đặc biệt chú ý đến liều lượng, tuyệt đối không uống quá 400mg gel tươi trong 1 ngày.