Theo quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, hiện có 2 loại vạch kẻ cấm đỗ xe trên đường và khi vi phạm, tài xế sẽ bị phạt tiền, tước giấy phép lái xe nếu gây tai nạn.
Thực tế, khi tham gia giao thông, nếu không chú ý quan sát vạch kẻ đường để di chuyển, dừng đỗ cho đúng luật, các tài xế rất dễ bị phạt hành. Vì vậy, việc nhận biết các loại vạch kẻ đường cấm đỗ xe là rất quan trọng.
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, hiện đang quy định 2 loại vạch kẻ đường cấm đỗ xe là vạch 6.1 và vạch 6.2.
Vạch 6.1: Vạch cấm đỗ xe trên đường
Vạch 6.1 là vạch cấm đỗ xe trên đường. (Ảnh MECAR)
Vạch 6.1 là vạch đứt khúc màu vàng được sơn tại một trong 2 vị trí sau:
1. Trên bó vỉa sát mép mặt đường phía cấm đỗ xe. Bề rộng phần sơn vàng của vạch 6.1 được lấy bằng bề rộng viên đá vỉa hoặc tối thiểu 15 cm. Ngoài ra bề rộng phần sơn vàng được kéo dài trên toàn bộ mặt vát hoặc mặt đứng của viên đá vỉa phía tiếp giáp với mặt đường.
2. Trên mặt đường khi không có bó vỉa sát mép mặt đường. Vạch 6.1 được sơn trên mặt đường phía cấm đỗ xe, cách mép mặt đường 30 cm với bề rộng vạch là 15 cm.
Vạch 6.1 có ý nghĩa báo hiệu không được phép đỗ xe bên đường. Vạch này được sử dụng độc lập hoặc phối hợp với ký hiệu chữ “Cấm đỗ xe” trên mặt đường và biển báo “Cấm đỗ xe”. Ngoài ra, tùy vào nhu cầu về giao thông ở từng đoạn đường mà có thể đặt thêm biển báo phụ ghi rõ thời gian cấm đỗ xe và phạm vi, đối tượng cấm đỗ xe.
Vạch 6.2: Vạch cấm dừng xe, cấm đỗ xe trên đường
Vạch 6.2 là vạch nét liền màu vàng được sơn tại các vị trí sau:
1. Trên bó vỉa sát mép mặt đường phía cấm dừng xe hoặc đỗ xe.
Khi vạch 6.2 được bố trí trên bó vỉa, bề rộng phần sơn vàng được lấy bằng bề rộng viên đá vỉa hè hoặc tối thiểu 15 cm; ngoài ra bề rộng phần sơn vàng được kéo dài trên toàn bộ mặt vát hoặc mặt đứng của viên đá vỉa phía tiếp giáp với mặt đường.
2. Trên mặt đường phía cấm dừng/đỗ xe khi không có bó vỉa sát mép mặt đường.
Vạch 6.2 được sơn cách mép mặt đường 30 cm với bề rộng là 15 cm.
Vạch 6.2 có ý nghĩa báo hiệu không được phép dừng xe, đỗ xe bên đường. Vạch này có thể sử dụng phối hợp với ký hiệu chữ “cấm dừng, đỗ xe” trên mặt đường và biển báo “Cấm dừng, đỗ xe”.
Ngoài ra, tùy vào nhu cầu về giao thông ở từng đoạn đường mà có thể đặt thêm biển báo phụ ghi rõ thời gian cấm dừng đỗ xe và phạm vi, đối tượng cấm dừng đỗ xe.
Căn cứ Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông buộc phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Như vậy, khi tham gia giao thông mà thấy các loại vạch kẻ đường cấm đỗ xe, các bác tài cũng cần tuân thủ chỉ dẫn về việc không đỗ xe tại đó.
Trường hợp cố tình vi phạm, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt vi phạm về lỗi không chấp hành các chỉ dẫn của vạch kẻ đường.
Vạch 6.2 là vạch cấm dừng xe, cấm đỗ xe trên đường. (Ảnh MECAR)
Mức phạt cụ thể đối với từng loại phương tiện như sau:
Với ô tô: Căn cứ điểm a khoản 1 và điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt 300.000 – 400.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng nếu gây tai nạn.
Với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Điểm a khoản 1 và điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt 100.000 – 200.000 đồng, tước giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 2 – 4 tháng.
Với xe máy: Căn cứ điểm a khoản 1 và điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt tiền 100.000 – 200.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng nếu gây tai nạn.
Với xe đạp: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt 80.000 – 100.000 đồng.