Hoàng liên là một loại cây mọc dại tại nhiều vùng núi ở Việt Nam. Mặc dù là cây cỏ nhưng không thể phủ nhận công dụng dược lý bất ngờ của loài cây này. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu cho bạn chi tiết hơn về đặc điểm hình thái, tác dụng trong y học và các bài thuốc được làm từ hoàng liên.
1. Đặc điểm sinh học của cây hoàng liên
1.1. Về hình thái cấu tạo
Cây hoàng liên thuộc nhóm các cây mọc dại, phân bố chủ yếu ở các vùng núi của Việt Nam. Tuy vậy đây lại là một loài dược liệu quý chữa được nhiều loại bệnh và dùng nhiều trong Y học Cổ truyền.
Bên cạnh tên gọi hoàng liên, dân gian còn đặt nhiều tên gọi khác cho loài cây này ví dụ như: vương chi liên, cây chi liên, hoàng liên chân gà, cây sâm hoàng liên,… Trong khoa học hoàng liên được gọi là Coptis teeta Wall.
Hoàng liên là cây thân thảo thấp (chiều cao trung bình chỉ khoảng 30cm), sống lâu năm. Lá cây mọc lên từ gốc, mép hình răng cưa được phủ một màu xanh mướt. Hoa hoàng liên nở rộ trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 và mọc theo cụm nhỏ 3 – 5 bông đầu cành với màu vàng lục rất bắt mắt.
Hoàng liên mặc dù là giống cây cỏ nhưng lại chứa đựng rất nhiều công dụng dược lý
Hoàng liên kết trái vào khoảng tháng 3 đến tháng 6, bên ngoài quả màu vàng, bên trong là màu lục xám hay nâu đen của hạt. Đặc biệt, rễ hoàng liên đặc trưng bởi hình trụ dài, thuộc dạng rễ chùm màu nâu hoặc vàng nhạt. Đến khi phát triển sang giai đoạn trưởng thành rễ sẽ mọc thành củ giống chân gà.
1.2. Các dạng bào chế của cây hoàng liên
Phần rễ và củ của cây được xem là bộ phận tập trung hàm lượng dược tính cao nhất. Do đó người dân thường thu hoạch và tận dụng bộ phận này. Khi cây phát triển được khoảng 2 – 3 năm tuổi sẽ bắt đầu thu hoạch vì đây là giai đoạn cây phát triển với chất lượng dược tính tốt nhất.
Sau đây là một số cách chế biến các bộ phận dược liệu của cây hoàng liên:
Rửa sạch hoàng liên và ủ trong 1 – 2 tiếng để dược liệu mềm ra;
Để nguyên củ phơi khô trong bóng mát. Duy trì phơi khô hoàn toàn trong 1 – 2 tháng rồi bảo quản để dùng dần;
Xắt mỏng dược liệu và đem phơi nơi bóng râm (không cần ánh nắng trực tiếp);
Lấy ra một lượng vừa đủ cho mỗi lần dùng, có thể sao và ngâm rượu hạ thổ. Liều lượng: ngâm từ 2 – 3kg dược liệu tươi với rượu khoảng 40 – 42 độ (10 lít), càng ủ lâu rượu sẽ càng thơm ngon.
2. Những công dụng tuyệt vời của cây hoàng liên
Hoàng liên không chỉ là một loài cỏ dại mà còn được ví như sâm hoàng liên nhờ những lợi ích mà nó đem lại đối với sức khỏe con người. Cụ thể như sau:
2.1. Trong Y học Cổ Truyền
Theo Y học Cổ truyền, hoàng liên là một loại cây thuốc vị đắng, thuộc nhóm thảo dược quý giá với công dụng:
Sát trùng, thanh nhiệt, khử nhiệt độc, táo thấp;
Chữa trị hiệu quả các chứng như nhiệt miệng, kiết lỵ, nôn mửa, thương hàn, thấp chẩn, tâm hỏa thịnh,…
2.2. Trong Y học Hiện Đại
Theo Y học hiện đại, cây hoàng liên chứa rất nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe, điển hình là Ethanol, Berberin, Columbamine, Palmatin, Coptisine Coptisine,… Đặc biệt thành phần Berberin với hàm lượng từ 5,5 – 7,5% chứa trong hoàng liên có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn vô cùng hiệu quả.
Bên cạnh đó, hoàng liên còn được ứng dụng để điều trị các bệnh lý sau:
Chữa bệnh ho gà, phòng chống tình trạng giãn mạch máu, điều trị hạ huyết áp và dùng để ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch hay đột quỵ;
Khi dùng hoàng liên với hàm lượng vừa phải sẽ giúp kích thích vỏ não hoạt động và củng cố chức năng mật;
Ức chế sự sinh sản và phát triển của một số loại vi khuẩn như liên cầu khuẩn, vi khuẩn tụ cầu, Shigella, bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa,…;
Hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng mụn nhọt, nổi mề đay, mẩn ngứa, thanh nhiệt, giải độc,…;
Tác dụng an thần, hạn chế hiện tượng lo âu, hồi hộp, căng thẳng,…
Hoàng liên còn có nhiều tên gọi khác như vương chi liên, hoàng liên chân gà, sâm hoàng liên
2.3. Các bài thuốc từ hoàng liên có thể ứng dụng trong cuộc sống
Sau đây là một số gợi ý về bài thuốc được làm từ hoàng liên bạn có thể tham khảo để điều trị bệnh:
Bài thuốc trị bệnh mề đay, mờ vết chàm trên da: chuẩn bị các dược liệu như hoàng bá, mộc thông, hoàng liên, khổ sâm (mỗi vị 12g), 8g mỗi vị phục linh, bạch tiễn bì, thương truật cùng bạc hà (4g). Pha hỗn hợp dược liệu cùng 1 lít nước, đến khi nước cạn còn một nửa thì bỏ bã, uống nước chia thành 3 lần dùng hết trong ngày, uống cho đến khi bệnh thuyên giảm;
Bài thuốc điều trị tiêu chảy, kiết lỵ: dùng bột hoàng liên tán nhỏ (liều lượng 12g) hòa cùng nước ấm, để tăng độ thơm ngon bạn có thể cho thêm một chút mật ong, chia thành 3 lần uống hết trong ngày;
Bài thuốc chữa viêm ruột, điều trị trực khuẩn lỵ: mộc hương (20g), hoàng liên (80g) đều nghiền thành bột, thêm mật ong trộn đều đến khi hỗn hợp dẻo mịn thì nặn thành những viên nhỏ. Mỗi lần dùng từ 2 – 8g thuốc này, uống 3 lần/ngày cùng nước đun sôi để nguội;
Bài thuốc trị chứng ra mồ hôi trộm ban đêm: hoàng cầm, hoàng bá, hoàng liên chuẩn bị từ 8 – 12g mỗi vị. Ngoài ra cần kết hợp cùng đương quy, sinh địa, thục địa (12g mỗi vị), 16 -24g hoàng kỳ và long nhãn, táo nhân. Đem dược liệu sắc cùng với nước uống 1 thang/ngày cho đến khi bệnh được cải thiện;
Bài thuốc giảm mệt mỏi, lo âu, hỗ trợ an thần: dùng xích đan 16g, hoàng liên 20g và cam thảo 10g, tất cả ở dạng bột mịn, trộn cùng rượu trắng nóng và vo thành viên nhỏ (kích thước bằng hạt đậu xanh). Uống khoảng 10 viên/ngày và nên duy trì bài thuốc này cho tới khi các dấu hiệu của bệnh được thuyên giảm;
Điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng bằng hoàng liên:các vị dược liệu cần chuẩn bị bao gồm bối mẫu, trạch tả, mẫu đơn bì, hoàng liên, hạt dành dành 8g mỗi vị, bạch thược 12g và ngô thù, trần bì (mỗi vị 6g). Đem hỗn hợp dược liệu này sắc cùng 1 lít nước, đun cạn khi chỉ còn ½ lượng nước thì chắt bỏ bã, chia ra uống thành 3 lần/ngày.
Hoàng liên ở giai đoạn trưởng thành rễ sẽ mọc thành củ giống chân gà
Hy vọng rằng những thông tin cung cấp về cây hoàng liên trên đây sẽ giúp ích cho bạn. Có thể nói đây là loài thảo dược ít độc tố nhưng lại giàu dưỡng chất có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng dược tính chứa trong hoàng liên khá mạnh, vì thế không thích hợp sử dụng cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú và trẻ em. Để đảm bảo tính an toàn khi dùng hoàng liên, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc, đồng thời phân biệt đúng chủng loài của cây hoàng liên tránh nhầm lẫn sang những loại cỏ dại khác.