Cây lá bỏng: công dụng và một số bài thuốc chữa bệnh
Cây lá bỏng được nhiều gia đình lựa chọn trồng để trang trí sân vườn. Tuy nhiên, loài cây này còn mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe mà không phải ai cũng biết. Nếu bạn cũng chưa biết về điều này thì chớ nên bỏ qua những chia sẻ sau đây.
1. Những công dụng sức khỏe của cây lá bỏng
Cây lá bỏng (cây sống đời, thuốc bỏng, cây trường sinh, diệp sinh căn) thuộc họ thuốc bỏng, sức sống mãnh liệt. Điều đặc biệt của loài cây này là khi ở trong điều kiện ẩm và nhiệt độ thích hợp, mỗi kẽ lá sẽ mọc ra cây con. Vì thế, nhiều người chỉ cần đặt một lá cây bỏng xuống vùng đất ẩm là sau một thời gian sẽ có một cây mới.
Cả y học hiện đại và y học cổ truyền đều ghi nhận nhiều công dụng sức khỏe của cây lá bỏng:
Cây lá bỏng được nhiều gia đình trồng làm cây ngoại cảnh
1.1. Dùng trong y học hiện đại
Mọi bộ phận của loài cây này đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh nhưng phần lá cây được nhiều người dùng nhất. Lá cây có tác dụng giải độc, giảm đau, tiêu viêm, trị bỏng, trị viêm loét dạ dày, trị đau nhức xương khớp,…
Y học hiện đại đã nghiên cứu và chỉ ra rằng thành phần của cây lá bỏng chứa Bryophylin với khả năng kháng khuẩn rất mạnh nên đã sử dụng loài cây này để chữa vết thương hở, trị bệnh đường ruột.
1.2. Dùng trong y học cổ truyền
Y học cổ truyền quan niệm cây lá bỏng có tính chua mát, vị nhạt, không độc, có tác dụng tiêu thũng, tiêu độc, hoạt huyết, chỉ thống,… Ngoài công dụng trị bỏng như tên gọi vốn có thì dược liệu này còn được dùng để hạ sốt, chữa bệnh ngoài da, sỏi thận, cao huyết áp, bệnh gout, đau đầu, đau tức ngực, điều hòa kinh nguyệt, giảm ho,…
Một số nơi lá bỏng được dùng để nấu canh ăn hàng ngày hoặc đắp trực tiếp lên vết thương ngoài da, vùng bị sưng đau.
2. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây lá bỏng và lưu ý khi sử dụng
2.1. Bài thuốc chữa bệnh từ cây lá bỏng
– Trị bỏng nhiệt hoặc chấn thương
Cách đơn giản nhất để sử dụng cây lá bỏng là hái lá tươi đem rửa sạch, ngâm 30 phút trong nước muối loãng rồi giã nát và đắp trực tiếp lên vùng bị bỏng, bị chấn thương.
Giã nát cây lá bỏng đắp vào vết bỏng giúp vết thương do bỏng nhiệt mau lành
– Chữa đau nhức xương khớp
Người bị đau nhức xương khớp có thể dùng 3 – 5 lá bỏng to đem hơ nóng trên bếp cho lá mềm ra rồi đắp trực tiếp lên vùng bị đau nhức. Nếu lá bỏng đã nguội thì lại tiếp tục đem hơ nóng rồi đắp như vậy vài lần mỗi ngày, duy trì 10 – 15 phút/lần. Chú ý, chỉ đắp lên da khi lá có nhiệt độ vừa phải, tránh đắp lá nóng quá làm bỏng da.
– Chữa viêm họng
Dùng 10 lá bỏng chia thành liều như sau: 4 lá buổi sáng, 4 lá buổi chiều, 2 lá buổi tối. Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần nhai sống lá bỏng đã được rửa sạch rồi nuốt từ từ cả nước lẫn bã để làm ấm cổ họng. Duy trì như vậy 3 – 5 ngày sẽ cải thiện các triệu chứng viêm họng.
– Chữa kiết lỵ hoặc bệnh trĩ
Lấy 20g rau sam và 20g lá bỏng đã được rửa sạch đem sắc uống hoặc nhai rồi nuốt nước đều được.
– Chữa bệnh ghẻ trẻ em
Hàng ngày, dùng 1 nắm lá bỏng đem nấu lấy nước để cho trẻ uống mỗi lần 20ml, uống vào buổi sáng và tối. Trong quá trình này, mẹ hãy dùng lá bỏng giã nát đắp trực tiếp lên vùng da bị ghẻ. Cứ làm như vậy đều đặn mỗi ngày, trẻ sẽ khỏi dần các triệu chứng của bệnh ghẻ.
– Chữa bệnh chàm, mề đay
Muốn dùng cây lá bỏng chữa mề đay, chàm sữa cho con, cách đơn giản nhất là mẹ giã nát lá cây rồi đắp vào vùng da bị tổn thương. Hoặc nếu trẻ chịu uống nước thì mẹ hãy nấu nước lá bỏng tươi cho con uống và dùng nước này để vệ sinh vùng da bị bệnh.
– Chữa viêm mũi xoang
Lấy 2 lá bỏng đem giã nhuyễn rồi vắt lấy phần nước cốt, dùng bông gòn thấm vào nước sau đó nhét vào bên lỗ mũi bị viêm. Làm như vậy mỗi ngày 4 – 5 lần. Nếu bị viêm cả hai bên mũi thì nên chia ra, mỗi buổi trong ngày chỉ nên làm 1 bên.
Sắc nước cây lá bỏng để uống có thể hỗ trợ chữa bệnh ho gà ở trẻ em
– Chữa ho gà ở trẻ em
Trường hợp trẻ bị ho gà mẹ có thể dùng 6 – 8 lá bỏng sắc cùng 20ml nước để cho con uống.
– Chữa đi ngoài ra máu
Để chữa đi ngoài ra máu hãy dùng 10g ngải cứu, 30g lá bỏng, 10g lá trắc bá , 10g cỏ mực đem đem sắc lấy nước uống đều đặn mỗi ngày.
– Chữa viêm đại tràng
Đối với người bị viêm đại tràng, mỗi sáng và chiều hãy ăn 8 lá bỏng, buổi tối ăn 4 lá cho đến khi bệnh thuyên giảm. Nếu dùng cho trẻ 5 – 10 tuổi thì chỉ dùng 1/2 liều của người lớn.
– Chữa đau mắt đỏ
Rửa sạch 3 lá bỏng rồi giã nát, chắt lấy phần nước uống, phần bã bỏ vào miếng gạc y tế rồi đắp lên mắt trước khi đi ngủ. Buổi sáng ngày hôm sau cần tháo gạc ra rồi dùng nước muối sinh lý để rửa sạch mắt.
2.2. Lưu ý khi dùng cây lá bỏng để chữa bệnh
Trong quá trình dùng cây lá bỏng để chữa bệnh nên lưu ý một số vấn đề sau:
– Luôn tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi thực hiện.
– Hiệu quả đạt được từ các bài thuốc dùng cây lá bỏng tương đối chậm và chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào chứng minh công dụng của các bài thuốc này.
– Hiệu quả điều trị bệnh sẽ khác nhau vì phụ thuộc nhiều vào tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng của cơ địa từng người.
– Trong quá trình chế biến, sử dụng cây lá bỏng cần đảm bảo vệ sinh dược liệu để tránh gây nhiễm khuẩn.
– Nếu phát hiện dấu hiệu dị ứng khi dùng cây lá bỏng hoặc không thấy bệnh có dấu hiệu cải thiện thì nên dừng sử dụng và liên hệ với bác sĩ chuyên khoa.
Trên đây là một số thông tin về công dụng và các bài thuốc chữa bệnh từ cây lá bỏng để bạn tham khảo. Nếu đã quyết định áp dụng bài thuốc từ dược liệu này thì bạn cần kiên trì trong thời gian dài và chỉ nên thực hiện khi bệnh ở mức độ nhẹ, nếu bệnh đã tiến triển nghiêm trọng thì cần tìm phương án tối ưu từ bác sĩ chuyên khoa.