Sâm bố chính: Dược liệu có nhiều tiềm năng trong điều trị bệnh

Sâm bố chính: Dược liệu có nhiều tiềm năng trong điều trị bệnh

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Sâm bố chính.

Tên khác: Sâm báo, Thổ hào sâm.

Tên khoa học: Abelmoschus sagittifolius, thuộc họ Malvaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Sâm bố chính là một loài cây thân thảo, sống lâu năm cao từ 30-50 cm, mọc đứng một cách yếu ớt có khi dựa vào những cây xung quanh. Thân cành có thể mọc đứng cũng có khi bò lan tỏa ra mặt đất, cành hình trụ và không có lông. Lá đơn, mọc cách, có lá kèm hình chỉ. Các lá càng lên phía ngọn cây thì càng hẹp, phiến lá xẻ thùy 3-5 hoặc dạng mũi mác, mép lá có răng cưa thưa và đều, hai mặt có lông.

Sâm bố chính: Dược liệu có nhiều tiềm năng trong điều trị bệnh1.jpg

Sâm bố chính thuộc họ Bông, phần củ khá giống nhân sâm
Rễ phát triển thành củ hình trụ, màu trắng hoặc vàng nhạt, đường kính từ 1,5-2 cm. Hoa màu sâm bố chính màu đỏ hoặc hồng mọc đơn độc ở kẽ lá, cuống hoa dài từ 5-8 cm, có lông cứng. Quả hình trứng nhọn, dài gấp 3 lần đài, có khía dọc, quả nang, khi quả chín thì các lớp vỏ quả khô lại và mở ra bằng đường nứt theo khía dọc thành 5 mảnh vỏ, hai mặt đều có nhiều lông hình sao.

Quả chín có màu đen nhạt. Hạt hình thận, dài 2-3 mm, có lông tơ, lúc xanh có màu xanh nhạt, chín có màu nâu đen, mặt ngoài có những đường vân tạo thành những gợn hay những ụ màu vàng.

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố: Sâm bố chính phân bố ở Úc và Châu Phi cũng như các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Thu hái: Rễ sâm bố chính thu hái vào mùa thu đông cụ thể vào các tháng 11-12 và tháng 1-2.

Sâm bố chính: Dược liệu có nhiều tiềm năng trong điều trị bệnh2.jpg

Người ta dùng phần rễ Sâm bố chính làm thuốc điều trị một số bệnh lý ở người
Chế biến: Sâm bố chính có nhiều cách chế biến khác nhau. Có nơi đào rễ về thì cắt bỏ thân ở trên, cạo sạch vỏ ngoài, ngâm nước vo gạo một đêm rồi vớt ra để khô. Sau đó đồ cho chín rồi phơi nắng hoặc sấy cho thật khô. Có nơi đào rễ về cắt bỏ thân cạo sạch vỏ ngoài rồi phơi qua ngày rồi mang đi sấy cho thật khô. Cũng có nơi đào rễ về cắt bỏ thân và rễ con, rửa sạch ngâm vào nước phèn chua hai ngày hai đêm (cứ 10kg rể dùng 300g phèn chua tán nhỏ), rửa sạch phơi nắng hay sấy khô. Có nơi còn ngâm thêm nước gừng, gấc và đường cho thêm màu đỏ, vị cay và vị ngọt giúp tăng tác dụng điều trị và dễ uống.

Bộ phận sử dụng

Rễ củ của sâm bố chính (Radix Abelmoschi sagittifolii).

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh: Sâm bố chính có vị ngọt hơi đắng, tính mát, quy kinh Tỳ, Phế, Tâm, Thận.

Công năng: Sâm bố chính có tác dụng bổ khí, ích huyết, chỉ khát, bổ tỳ vị, giúp tiêu hóa, thêm sức mạnh.

Chủ trị: Trong y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc, rễ củ của cây Sâm bố chính được sử dụng làm thuốc điều trị ho, lao, táo bón, suy nhược thần kinh, áp xe, đau lưng, nhức đầu, đau dạ dày, bệnh phthisis, nhọt nhọt, chóng mặt và đau thắt lưng cùng. Tuy nhiên, các nghiên cứu chính thức về thành phần hóa học và hoạt động sinh học của sâm bố chính còn nhiều giới hạn.

Theo y học hiện đại

Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cho thấy cao sâm bố chính khi được sử dụng theo đường uống hoặc đường tiêm phúc mạc có thể làm giảm khả năng hoạt động tự nhiên ở động vật này. Ngoài ra, cao bố chính còn làm tăng tác dụng gây ngủ của thuốc barbituric giúp kéo dài giấc ngủ.

Đồng thời chống co giật ở chuột khi được cho sử dụng với pentetrazol. Những thử nghiệm trên cho thấy sâm bố chính có thể giúp an thần và ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên cũng cần nhiều nghiên cứu hơn để mở rộng vốn hiểu biết về loại thảo dược này.

Sâm bố chính: Dược liệu có nhiều tiềm năng trong điều trị bệnh4.jpg

Cần có thêm nhiều nghiên cứu về tác dụng của vị thuốc này

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng: Từ 6-12g dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.

Cách dùng: Sâm bố chính có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột. Vị thuốc có thể dùng kết hợp với các vị thuốc khác hoặc dùng một mình.

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Sâm bố chính như:

Thể trạng hư hàn cần tẩm nước gừng, sao kỹ tăng tính ôn ấm của vị thuốc.
Không dùng sâm bố chính với lê lô.
Cần phân biệt Sâm bố chính và các vị thuốc tương tự để tránh nhầm lẫn.