Loại rau ăn bộ phận nào cũng tốt
Cây é (còn gọi là é trắng, húng trắng, trà tiên, tiến thực, hương thảo, húng lông, húng quế lông) là một phân loại rau thuộc họ húng quế. Đây là một loài rau nhỏ sống hàng năm, thân phân nhánh ngay từ gốc tạo thành bụi cao 0,5 – 1m, thân vuông màu lục nhạt có lông thưa.
Cây é là loại rau dễ trồng và chăm sóc.
Theo y học cổ truyền, thân, cành, lá é có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng phát hãn, giải biểu, khu phong, lợi thấp, tán ứ, chỉ thống, do đó thường được dùng để chữa đau bụng, chướng bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, cảm, cúm, sốt, đau đầu, viêm lợi, chảy máu chân răng, tưa lưỡi, viêm bàng quang, đái rắt, tiểu buốt.
Cây é cũng là một loại rau gia vị thơm ngon, có thể dùng để nấu canh, các món hấp, nổi tiếng nhất là món lẩu gà lá é… Theo các tín đồ ẩm thực, lẩu gà lá é là món ăn đặc sản của vùng đất Tuy Hòa (Phú Yên), được rất nhiều người thích ăn.
Lá é sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Ảnh: Thu Huyền
Hạt é tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lợi cổ họng, giải nhiệt, thông tiện. Nhờ các đặc tính này, cây é thường được dùng để chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt, chướng bụng, đau dạ dày, chữa phong thấp, đau nhức xương khớp…
Theo y học hiện đại, toàn cây é chứa tinh dầu với hàm lượng 2,5-3%, có thể đến 5% khi cây ra hoa. Trong đó, thành phần chủ yếu của tinh dầu của cây rau này là citral với tỷ lệ 56-75% và khoảng 20 chất khác như polyphenol, flavonoid, thymol, quercetin, axit cafeio, axit rosmarinic, nước, các chất vô cơ, chất nhầy nên rất tốt cho sức khỏe.
Với các thành phần trên, hạt é được các chuyên gia y tế khuyên dùng bằng cách ngâm với nước uống hoặc nấu chè, kết hợp với thực phẩm khác để chế biến các món nước uống. Cách làm này không chỉ giúp cơ thể giải nhiệt mà còn có thể phòng ngừa, chữa được bệnh rôm sảy.
Lẩu gà lá é là món ăn đặc sản của tỉnh Phú Yên, được rất nhiều người thích ăn.
Rất nhiều nghiên cứu y khoa đã tìm ra trong tinh dầu é có chứa đa dạng và dồi dào các nhóm như chavicol, linalool, flavonoid hay steroid, có tác dụng không nhỏ trong việc ngừa các căn bệnh ung thư. Ngoài ra, tinh dầu và chất nhầy có trong hạt é có nhiều thành phần tốt giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể.
Dù cây lá é có nhiều công dụng như trên, nhưng hiện rất còn nhiều người không biết và chưa bao giờ ăn. Gia đình bà Thủy (65 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, bà có tận dụng khu đất trước nhà để trồng cây mai, các loại hoa hồng và một số loại rau thơm để ăn, không hiểu vì sao lại có nhiều cây é mọc lên trong các chậu cây. Cứ cây nào mọc lên bà lại nhổ bỏ. Theo bà Thủy, cây é và cây húng quế là một, vì vậy bà chọn ăn cây húng quế vì nó có mùi thơm đặc trưng.
Theo thạc sĩ Lê Thị Hồng Thu, Học viện Nông nghiệp, rất nhiều người cho rằng, cây é và cây húng quế là một. Nhiều người còn nhầm tưởng, hạt é chính là hạt húng quế. Điều này là không đúng.
Bà Hồng Thu cho rằng, é và húng quế là hai cây khác nhau, được phân biệt với nhau qua hoa và thân. Hoa và thân cây é có màu trắng và có lông. Còn hoa và thân húng quế có màu tím, không lông. Ngoài ra, hương vị của lá é chan chát, chua, hơi the the. Còn lá húng quế chủ yếu mang vị cay.
Nhiều người nghĩ cây é và cây húng quế là một. Ảnh: Thu Huyền.
Công dụng của loại rau đặc sản
Lá é là một loại rau, vị thuốc dân gian chữa được nhiều bệnh. Thân và lá được sử dụng như một thành phần trong các bài thuốc dân gian hoặc chiết xuất tinh dầu.
Thân và lá của loại rau này có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng giải biểu, lợi thấp, khu phong, phát hãn, tán ứ, chỉ thống nên thường được dùng chữa đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, nôn mửa, sốt, cảm lạnh, cúm, nhức đầu, viêm lợi, chảy máu lợi, tưa miệng, đi tiểu nhiều lần, tiểu buốt, viêm bàng quang.
Lá é vừa là một loại rau vừa là một vị thuốc.
Dưới đây là một số bài thuốc quen thuộc từ loại rau đặc sản:
Chữa đau bụng, chướng bụng, ăn không tiêu, nôn mửa: Cành cây và lá é phơi khô, sau đó thái nhỏ sắc lấy nước uống trong ngày. Mỗi lần sắc nước khoảng 10 – 20g.
Chữa táo bón: Ngâm khoảng 5-10g hạt é trong 100ml nước ấm cho đến khi bên ngoài hạt được bao bọc bởi một lớp chất nhầy màu trắng rất nhớt. Sau đó cho đường vào, khuấy đều và uống.
Chữa cảm mạo, cảm cúm, sốt, nhức đầu: Lá é tươi (20-30g), dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều loại lá thơm khác như lá bưởi, lá chanh, lá cúc tần,… mỗi thứ 10g, nấu lấy nước cho mồ hôi ngoài.
Chữa viêm lợi, chảy máu lợi, tưa lưỡi: Rửa sạch lá é tươi, giã nát cùng với vỏ lụa ở mặt trong của vỏ cây sổ(mỗi thứ 30g). Sử dụng nhiều lần trong ngày.
Chữa viêm thận, viêm bàng quang, đi tiểu nhiều lần, tiểu buốt: Pha khoảng 3 – 6 giọt tinh dầu é với siro và nước thành dạng nhũ tương, uống trong ngày.
Ngoài ra, vì hạt é khô có tính hút nước mạnh nên nếu dùng không đủ nước, hạt húng quế có thể trương nở gây tắc ruột, hạt é có tính nhuận tràng cao, phụ nữ có thai không nên dùng …
Ngoài ra, lá é được sử dụng nhiều trong ẩm thực. Đây là một loại rau được nhiều người ưa thích và ăn kèm trong nhiều món ăn, giúp món ăn thêm hấp dẫn và đậm vị.