Thuỳ Trang: Kỷ lục gia bóng đá nữ và chuyện 6 con vít trong xương
Thành danh với sân futsal rồi mới “nhảy” sang sân 11 người. Sau khi giành 3 HCV SEA Games, 8 chức VĐQG, tham dự cả World Cup ở thể loại sân 11 người, giờ Trần Thị Thuỳ Trang lại quay lại với futsal và thêm 1 lần vô địch Đông Nam Á, khi đã 36 tuổi
Trần Thị Thuỳ Trang có hơn một thập niên gắn bó với bóng 11 người. Ảnh: Đức Cường
ĐT futsal nữ Việt Nam vô địch giải Đông Nam Á, sau khi đánh bại Thái Lan ở chung kết. Chỉ trong 1 tháng, futsal thắng Thái Lan – cường quốc futsal khu vực đến 2 lần. Trong niềm hân hoan ấy của các cô gái trẻ, Thuỳ Trang – nữ cầu thủ năm nay đã 36 tuổi… vui thêm 1 chút. Đây là lần thứ 2 trong sự nghiệp, chị vô địch futsal cùng ĐTQG. Bộ sưu tập đồ sộ của Thuỳ Trang tỷ lệ thuận với những năm tháng cống hiến cho bóng đá nữ, từ futsal đến sân 11 người.
6 con vít trong xương
Ít ai biết, ngoài tuổi cao, Thuỳ Trang đá bóng khi 1 bên vai đã định vị 6 con vít cùng dây thép buộc vào xương
“Tôi đến với bóng đá 11 người khá muộn. Sở dĩ nói là bóng đá 11 người bởi trước đó, tôi có chơi futsal. Tôi từng giành 2 HCB cùng futsal nữ Việt Nam ở SEA Games 2011 và 2013. Đến năm 2014, tôi mới chuyển sang chơi bóng đá sân cỏ 11 người”, Thùy Trang hồi tưởng lại về hành trình đến với bóng đá cách đây hơn 10 năm về trước.
“Khi đó, tôi gia nhập CLB TP.HCM. Trong giai đoạn tập luyện ở sân Thành Long, chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc, tôi bất ngờ gặp một chấn thương đáng tiếc. Trong lúc đang tâng bóng với chị Kim Chi, tôi nhảy lên đánh đầu. Thật không may, tôi bị ngã. Tôi nghe rõ tiếng xương của mình kêu rộp, rộp lúc bấy giờ. Tay tôi không nhấc nổi lên được nữa. Vai sưng tấy lên. Chị Lưu Ngọc Mai phải lau người hộ rồi chở tôi ra bệnh viên chụp phim. Nhìn phim X-quang, xương của tôi gãy, chồng chéo lên nhau. Đội quyết định cho tôi đi mổ, gắn lại xương. Khi ấy, mẹ đã khóc rất nhiều và không muốn tôi tiếp tục với bóng đá”.
Tiền vệ Thùy Trang tiếp tục dòng hồi tưởng: “Phải thuyết phục mãi, mẹ mới đồng ý để tôi phẫu thuật và chơi bóng tiếp. Khoảng 2 tháng sau ca mổ, xương của tôi chưa lành hẳn. Nhưng vì quá nôn nóng cho giải VĐQG lần đầu tham dự, tôi đã tập luyện sớm hơn chỉ định. Vai của tôi lòi lên cây vít cố định trước đó. Ca tiểu phẫu sau đó phải diễn ra sớm để lấy cây vít ra, còn lại thép ở trong xương lúc bấy giờ. 2 năm sau đó, tôi trải qua ca phẫu thuật lớn thứ 2. Thép được tháo ra nhưng bác sỹ phải gắn 6 con vít cố định xương của tôi lại. Dần dà, những con vít đó gắn sâu vào bên trong. Tôi cũng hỏi nhiều bác sỹ để xin tư vấn. Nhiều bác sỹ thừa nhận lấy ra lúc này sẽ rất đau, vì những con vít đã ở sâu bên trong người của mình”
Alo! Trang “khoẻ vừa vừa” xin nghe!
Khi danh sách ĐT futsal nữ Việt Nam vừa công bố, không ít các đồng nghiệp của chúng tôi rơi vào trạng thái bị “đơ” ngươi khi thấy sự xuất hiện của cái tên Trần Thị Thuỳ Trang. Thậm chí có người nhắn tin hỏi: Trang này là Trang nào? Có phải chị Trang sân 11 người không hay là cầu thủ mới?.
Thật dễ hiểu cho những đôi mắt tròn xoe kia, bởi chỉ cách đó dăm ngày, cánh anh em phóng viên tác nghiệp tại vòng bảng AFC Women’s Champions League 2024/25 vẫn bấm máy “tanh tách”, ghi lại những tấm hình của Thuỳ Trang và các đồng đội CLB nữ TP.HCM trên Thống Nhất. Thậm chí có người còn hẹn Trang đi ăn chè, ăn ốc, uống vài chai “chill chill” mừng công… Ấy vậy mà đùng một cái, Trang “bay cái vèo” lên ĐT futsal nữ Việt Nam. Ngay cả đồng nghiệp của Thuỳ Trang còn như con hạc vừa bay, vừa thảng thốt thì nói gì những người chỉ đọc tin trên mạng.
Nữ tuyển thủ người Quảng Nam đã giành rất nhiều thành tích ở cấp CLB lẫn ĐTQG. Ảnh: Đức Cường
Trưa qua gọi, chưa kịp chào hỏi, đầu dây bên kia cười “khanh khách” đầy sảng khoái rồi vào vào đề luôn: “Đừng nói, anh cũng chọc em ‘tạc tượng’ cho bà Trang nhé!”. Mới nghe xong, tôi cũng được cười một tràng và bấm bụng nghĩ: “Không lẽ nhiều người cũng “thích đùa” như mình vậy sao?”. Thật ra, Thuỳ Trang vẫn vậy, cô luôn muốn truyền một nguồn năng lượng tích cực cho những người đối diện và cả những người sống xung quanh. Ngay cả những biến cố lớn nhất trong cuộc đời, Trang luôn biết làm chủ cảm xúc bởi đấy là lúc, cô biết người thân tin mình và cần mình.
Sự mạnh mẽ, lạc quan ấy được truyền vào trái bóng, cứ thế đằng đẵng hơn 20 năm trời, Thuỳ Trang như một “chiến binh”, không ngừng phấn đấu và không ngừng chiến đấu cho những mục tiêu đặt ra. Tôi thích cái cách cái biệt danh mà những đồng nghiệp đặt cho Trang: “Cây trường sinh của bóng đá Việt Nam”. Giống như những dòng dẫn chuyện phía trên, chẳng ai ngờ sau ngần ấy năm gắn bó với sân 11 người, sẽ phải thuê cả xe ba gác để chở Huy chương hay các vật lưu niệm… trong trường hợp dọn nhà; từng là “chứng nhân” lịch sử của bóng đá Việt Nam khi dự World Cup 2023; vậy mà giờ đây, Thuỳ Trang có thể trở về với futsal ở tuổi đã đuổi xuân đi.
“Ai cũng nói Trang khoẻ! Dạ không, Trang nay đã 36 mùa xuân rồi nên chỉ khoẻ vừa vừa thôi. Được khoác áo ĐTQG dù sân 11 người hay futsal đó đều là vinh dự đời người. Cá nhân em luôn trân trọng, tận hưởng từng giây từng phút như thế với lòng biết ơn những người đã trao cho mình cơ hội”, Thuỳ Trang, trong vai một… người em chia sẻ với người viết đầy cảm xúc.
Thuỳ Trang có thể vừa chơi sân 11 người song song cùng sân futsal. Ảnh: Đức Cường
“Kỳ hoa dị thảo” làng bóng Việt
Giữa sân 11 người và futsal khác nhau khá nhiều. Và sự khác nhau cơ bản nhất đó là futsal sử dụng rất nhiều đến gầm giày. Những cú vê gầm, kéo bóng, đỡ bóng bằng gầm… là điều mà các cầu thủ futsal phải cố gắng biến thành… ngón nghề. Tư duy của các cầu thủ futsal cũng khác. Không chỉ nhanh, mạnh, khéo… mà còn đảm nhận gần như các vị trí khi cần. Một cầu thủ sân 11 khó lòng vê gầm như trên thảm đấu futsal. Tất nhiên, trừ khi đạt đến trình độ kỹ thuật thường thừa như Ronaldinho, Rivaldo, Anthony… thì mới có khả năng tạo ra những tiếng “ồ” khi chơi trên sân futsal.
Dông dài một chút để khẳng định, Thuỳ Trang đúng là “kỳ hoa dị thảo” của làng bóng Việt. Hay nói vui, nữ tuyển thủ người Quảng Nam “nhạc nào cũng nhảy được”. “Thật may mắn bởi em chơi futsal từ khi còn là sinh viên. Những kỹ năng futsal đúng là khá khác so với sân 11 người, tư duy chơi bóng cũng rất khác vì không gian hoàn toàn khác nhau. Bản thân em cũng khó lý giải được vì sao lại có thể chơi được 2 sân đấu khác nhau. Nói chung, cứ cố gắng khổ luyện rồi thêm chút may mắn nữa mới được như ngày hôm nay”, Trang nói với giọng khiêm tốn.
Với kinh nghiệm và đẳng cấp của mình, Thuỳ Trang là trụ cột của ĐT futsal nữ Việt Nam. Ảnh: Đức Cường
Thuỳ Trang bây giờ là một trong những cầu thủ “lão luyện” bậc nhất của ĐT futsal nữ Việt Nam. Sự “lão luyện” không chỉ ở tuổi nghề mà còn cả sự xuất sắc trong chuyên môn. Trước khi giành chức vô địch giải nữ VĐQG lần thứ 13 cùng CLB nữ TP.HCM thì ngôi sao này đã kịp “ẵm” danh hiệu Vua phá lưới giải VĐQG futsal nữ 2024. Kể ra nghe “lành lạnh” vì khó ai có thể giải thích được, tại sao ở tuổi này Thuỳ Trang có thể chơi bóng với một nguồn năng lượng vô tận như vậy.
Những câu chuyện về “cây trường sinh” của bóng đá Việt Nam có lẽ sẽ không dừng lại tại đây. Hãy đừng ngạc nhiên nếu năm sau, Thuỳ Trang góp mặt tại VCK châu Á 2024 và cô cùng các đồng đội giật luôn tấm vé tham dự World Cup futsal 2025.
Xin được ngả mũ bái phục cô gái chỉ mới… 36 tuổi này!.
Vài nét về Trần Thị Thuỳ Trang
Sinh năm 1988 tại Quảng Nam
-Cao 1m55, nặng 50kg
-Vị trí: Tiền vệ
-2011: Gia nhập CLB nữ TP.HCM
Thành tích
-Vô địch Quốc gia: 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2022, 2023 và 2024
-Vô địch cúp QG: 2020, 2021 và 2022
-3 HCV SEA Games 2017, 2022, 2023
-9 chức vô địch giải nữ VĐQG 2015, 2016,2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023, 2024.
-2 HCB futsal SEA Games 26 và 27
-Vô địch futsal Đông Nam Á 2013, 2024
-Danh hiệu Quả Bóng bạc Việt Nam 2022
-Vua phá lưới futsal giải VĐQG 2024
-Tham dự VCK Word Cup 2023 tại Canada.
-Cầu thủ Xuất sắc nhất giải nữ VĐQG 2022; Cầu thủ nữ Xuất sắc nhất giải futsal nữ VĐQG 2021.