Người hay ăn khoai lang cần lưu ý

1. Lợi ích sức khỏe của khoai lang

Khoai lang là loại rau củ ít calo, chứa nhiều tinh bột, giàu chất xơ , giàu vitamin C, B, A và D và các khoáng chất như kali, sắt, canxi, magie, kẽm, phốt pho, kali, protein và một số chất dinh dưỡng thiết yếu.

Một số loại chứa beta-carotene (tiền vitamin A ), trong khi một số loại chứa carotenoid và anthocyanin, được ghi nhận là có lợi cho cơ thể. Khoai lang giàu chất chống oxy hóa giúp tăng cường khả năng miễn dịch và bảo vệ sức khỏe của các cơ quan thiết yếu, chẳng hạn như tim và thận.

Người hay ăn khoai lang cần lưu ý - Ảnh 1.

Khoai lang ít calo, giàu dinh dưỡng, là thực phẩm phù hợp với nhiều người.
Thông tin dinh dưỡng của khoai lang, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một củ khoai lang chín vừa (114 g) còn vỏ chứa các chất dinh dưỡng sau:

Lượng calo: 103
Carbohydrate: 24 g
Tổng lượng đường: 7 g
Chất xơ : 4 g
Chất đạm: 2 g
Chất béo: 0
Natri: 41 mg
Kali: 542 mg
Vitamin C: 22 mg
Vitamin A: 1.100 mcg RAE

Một số lợi ích của khoai lang đối với sức khỏe như:

Tốt cho người bị đái tháo đường : Khoai lang giúp duy trì lượng đường trong máu vì chúng có chỉ số đường huyết thấp. Một nghiên cứu cho thấy khoai lang cải thiện độ nhạy insulin ở những người mắc đái tháo đường type 2.

Đặc tính chống oxy hóa góp phần giảm nguy cơ ung thư: Khoai lang có thể làm giảm nguy cơ ung thư, chẳng hạn như ung thư phổi và tuyến tiền liệt. Chúng giàu beta-carotene (một loại tiền vitamin) được chuyển đổi thành vitamin A (một chất chống oxy hóa). Carotenoid (sắc tố màu cam) và anthocyanin (sắc tố màu tím) trong khoai lang có đặc tính chống oxy hóa. Các chất chống oxy hóa này bảo vệ chống lại tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra, ngăn ngừa tổn thương tế bào và nguy cơ ung thư.

Khoai lang giàu chất xơ: Việc hấp thụ nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống sẽ làm giảm nguy cơ ung thư trực tràng. Chất xơ cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, thúc đẩy sự đều đặn và duy trì sức khỏe đường ruột tốt. Nó cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Chất xơ là một trong những chất dinh dưỡng có lợi nhất cho sức khỏe đường ruột và mỗi củ khoai lang cỡ trung bình chứa khoảng 15% giá trị hàng ngày.

Khoai lang cũng chứa tinh bột kháng, được lên men trong ruột kết. Quá trình lên men này tạo ra các acid béo chuỗi ngắn giúp hỗ trợ sức khỏe miễn dịch và sức khỏe đường tiêu hóa, theo một nghiên cứu năm 2022 trên Microorganisms. Chúng cũng giúp ngăn ngừa tình trạng viêm.
Nghiên cứu tương tự cũng phát hiện ra rằng chất xơ giúp hỗ trợ sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong hệ vi sinh đường ruột, mặc dù cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về mối quan hệ này.

Theo Viện Quốc gia về Bệnh đái tháo đường, Tiêu hóa và Thận Hoa Kỳ, ăn đủ chất xơ là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa táo bón.
Điều hòa huyết áp: Khoai lang rất giàu kali. Những người tăng huyết áp có thể nhận lợi ích khi tiêu thụ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này. Kali giúp giảm natri trong máu. Cả hai yếu tố này đều giúp duy trì mức huyết áp tốt, từ đó duy trì hệ thống tim mạch khỏe mạnh.

Sức khỏe tim mạch: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoai lang có thể làm giảm mức cholesterol xấu, hạ huyết áp, ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh. Tất cả các yếu tố này bảo vệ và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim.

Theo một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, tiêu thụ nhiều chất chống oxy hóa như beta carotene và vitamin C, cũng có trong khoai lang, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, khoai lang giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách cung cấp chất xơ và chất chống oxy hóa.

Ngăn ngừa béo phì: Khoai lang tím có tác dụng giảm viêm và giúp giảm cân bằng cách ngăn chặn sự phát triển của các tế bào mỡ, giúp ngăn ngừa béo phì.

Cải thiện sức khỏe mắt: Beta-carotene trong khoai lang chuyển hóa thành dạng hoạt động của vitamin A, đây là thành phần thiết yếu để hình thành các thụ thể phát hiện ánh sáng bên trong mắt. Vitamin A và anthocyanin bảo vệ các tế bào mắt khỏi bị tổn thương và giảm nguy cơ mất thị lực. Trên thực tế, mỗi củ khoai lang cỡ trung bình chứa 122% giá trị vitamin A hàng ngày dưới dạng beta carotene.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất chống oxy hóa, bao gồm beta carotene, có thể giúp giảm nguy cơ phát triển thoái hóa điểm vàng do tuổi tác và các bệnh về mắt khác. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này một phần là do chất chống oxy hóa chống lại tổn thương mắt do ánh sáng xanh hoặc tia cực tím.

2. Ăn khoai lang cần lưu ý gì?

Những người bị bệnh thận nên tránh ăn khoai lang: Do khoai lang có hàm lượng oxalat cao, có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận canxi oxalat, loại sỏi thận phổ biến nhất. Ngoài ra, vì thận hoạt động không bình thường không thể loại bỏ kali khỏi cơ thể, gây ra mức kali cao có thể gây hại. Tuy nhiên, có thể giúp giảm nguy cơ hình thành loại sỏi thận này bằng cách kết hợp khoai lang với các loại thực phẩm giàu canxi như pho mát hoặc sữa chua. Điều này giúp canxi và oxalat liên kết với nhau trong hệ tiêu hóa, ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận.

Người hay ăn khoai lang cần lưu ý - Ảnh 3.

Nên ăn khoai lang điều độ.

Có thể khiến da chuyển sang màu cam nếu tiêu thụ quá nhiều: Một trong những lợi ích lớn nhất của khoai lang là hàm lượng vitamin A. Tuy nhiên, theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), một bộ phận của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, tiêu thụ quá nhiều khoai lang có thể khiến da chuyển sang màu vàng cam. Đây là một tình trạng vô hại được gọi là carotenodermia và bạn có thể đảo ngược tình trạng này bằng cách tránh xa các thực phẩm giàu vitamin A trong một thời gian.

Ảnh hưởng nếu đang dùng một số loại thuốc: Khoai lang rất giàu kali, khi dùng chung với các loại thuốc làm tăng nồng độ kali trong cơ thể, chẳng hạn như thuốc chẹn beta có thể gây ra các vấn đề liên quan đến lượng kali dư thừa trong cơ thể.
Người ăn kiêng: Khoai lang giàu carbohydrate, do đó, những người đang trong chế độ ăn hạn chế carbohydrate nên tránh ăn quá nhiều khoai lang.