Cây 1 lá: Dược liệu quý hiếm.

Cây 1 lá: Dược liệu quý hiếm cho hệ hô hấp
Trong Đông y, cây 1 lá là dược liệu quý hiếm. Cây có thể chữa được nhiều bệnh khác nhau, đặc biệt là bệnh về hô hấp, phổi. Những chia sẻ dưới đây có thể giúp bạn hiểu hơn về công dụng và cách dùng của loài cây này.

1. Sơ lược cây 1 lá

Cây 1 lá hay còn gọi là lan 1 lá, thanh thiên quỳ, trân châu, châu diệp,… là loài cây khá đặc biệt. Trong tự nhiên, dược liệu này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Đặc điểm tự nhiên

Cây 1 lá là cây địa sinh sống lâu năm với thân ngắn, mọc lên từ củ, chỉ cao từ 10 – 20cm. Và đúng như tên gọi, cây chỉ có duy nhất 1 lá hình tim tròn, màu tím hồng, gân lá hình chân vịt, mép uốn lượn sóng. Lá có đường kính 10 – 25cm, cuống lá dài khoảng 10 – 20cm.

Cây 1 lá nở hoa thành cụm, chùm với số lượng khoảng 15 – 20 bông. Hoa màu trắng, phớt đốm tím hồng hoặc vàng xanh, đầu cánh hoa chụm lại trông giống như đèn lồng. Thời điểm nở hoa khoảng từ tháng 3 – 5. Quả cây 1 lá hình thoi, có múi giống như quả khể. Quả có kích thước từ 2 – 3cm. Thời điểm cây ra quả là sau khi ra hoa, khoảng từ tháng 4 – 6.

Điểm đặc biệt của cây 1 lá là lá chỉ mọc và phát triển sau khi hoa tàn. Do đó, lúc cây ra hoa và kết quả thì chúng ta chỉ thấy cây có hoa và quả mà không thấy lá. Đây là điểm khác biệt của loài cây này so với những giống cây khác trong tự nhiên.

Cây 1 lá có duy nhất 1 lá mọc lên từ thân sau khi hoa tàn

Cây 1 lá có duy nhất 1 lá mọc lên từ thân sau khi hoa tàn

Phân bố sinh thái

Cây 1 lá khá “kén chọn” môi trường sống. Cây chỉ sống ở những khu vực ẩm ướt, râm mát, chẳng hạn như trong khe đá, dưới bóng cây hoặc trong những đám cỏ dày. Thế nhưng, các khu vực có điều kiện tương tự như đầm lầy, bờ ruộng, ao hồ sông suối thì cây lại không mọc.

Trên thế giới, cây 1 lá mọc nhiều ở Trung Quốc, Thái Lan. Tại Việt Nam, cây 1 lá chủ yếu được tìm thấy ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Còn các tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu,… cũng có nhưng với số lượng ít hơn.

Bộ phận sử dụng

Tác dụng chữa bệnh của cây 1 lá đến từ toàn bộ thân cây, nhưng nhiều nhất là lá. Lá cây có thể dùng tươi hoặc phơi khô rồi dùng dần đều được. Theo đó, vào mùa thu, người ta sẽ tiến hành thu hoạch cây 1 lá. Sau khi thu hoạch thì cây được đem đi rửa sạch, để cho ráo nước, vò nhẹ phần lá rồi mới đi phơi. Cụ thể như sau:

Lá cây rửa sạch, để ráo và phơi với nắng nhẹ cho héo. Tiếp đến, dùng tay vò nhẹ từng lá một, sau đó thì vò lại một lần nữa với nhiều lá. Cuối cùng là đem đi phơi với 2 – 3 nắng.

Ngoài ra, cũng có một cách sơ chế lá khác là trụng lá với nước sôi. Đầu tiên, trụng lá với một lần nước sôi rồi trụng qua nước lạnh. Sau đó, tiếp tục trụng lá với một lần nước sôi nữa rồi mới đem đi phơi.

Nói chung, dù là cách sơ chế nào thì cũng đảm bảo lá cây 1 lá chuyển đổi sang màu lục đen hoặc tro sẫm là được. Lúc này, lá sẽ có mùi thơm đặc biệt và nếu bảo quản trong nơi thoáng mát, khô ráo, tránh độ ẩm, tránh ánh nắng mặt trời thì sẽ sử dụng được rất lâu.

Cây 1 lá được sử dụng toàn bộ, nhưng nhiều nhất vẫn là lá

Cây 1 lá được sử dụng toàn bộ, nhưng nhiều nhất vẫn là lá

Thành phần hóa học

Trong cây 1 lá, cụ thể là trong lá cây có chứa các thành phần hóa học sau.

Flavonoid.
Triterpenes.
Sterol.
Glycosides Cycloartane.
Nervilia Fordii.

2. Công dụng và cách dùng cây 1 lá

Cây 1 lá có tác dụng giải độc, chữa ho và lao phổi, chữa viêm nhiễm và lở loét, chữa nhiệt miệng và viêm họng cấp tính, kích thích hệ tiêu hóa, bồi bổ cơ thể,… Cách sử dụng cụ thể như sau.

Giải độc: Dùng 2 – 3 lá cây 1 lá phơi khô, cắt nhỏ, đun với nước sôi rồi lấy nước uống, uống 3 lần/ ngày.
Chữa ho và lao phổi: Dùng 10 – 20 lá cây 1 lá đem đi sắc với nước hoặc hấp cách thủy với đường phèn rồi uống.
Chữa viêm nhiễm và lở loét: Lá cây tươi đem rửa sạch, để ráo, giã nát rồi đắp trực tiếp lên vùng da tổn thương.
Chữa nhiệt miệng và viêm họng cấp tính: Lá cây tươi đem rửa sạch, để ráo và nhai thật kỹ, sau đó nhổ ra.
Kích thích hệ tiêu hóa: Nếu trẻ biếng ăn, còi cọc, suy dinh dưỡng, hãy nấu 5 – 10g củ cây 1 lá với thịt gà hoặc trứng lợn rồi cho bé ăn kèm với cơm.
Bồi bổ cơ thể: Ngâm 1kg lá cây 1 lá khô với 5 lít rượu trong 30 ngày, sau đó đem ra dùng. Mỗi ngày uống 1 ly trong trong bữa ăn.

Tác dụng chính của cây 1 lá là bổ phế, trị ho, giảm triệu chứng bệnh tích cực

Tác dụng chính của cây 1 lá là bổ phế, trị ho, giảm triệu chứng bệnh tích cực

3. Lưu ý khi sử dụng cây 1 lá

Dù sử dụng cây 1 lá để chữa bệnh hay bồi bổ cơ thể thì bạn cũng đừng bỏ qua những lưu ý quan trọng sau.

Cây 1 lá có đặc điểm hình thái khá giống với cây bát giác liên hoặc cây mã đề nên bạn cần chú ý để tránh bị nhầm lẫn.

Lá cây 1 lá nhỏ thường có tác dụng tốt hơn lá to nên cần lưu ý đến thời điểm thu hoạch.
Luôn sơ chế cây 1 lá đúng như hướng dẫn để bảo toàn các thành phần dưỡng chất có trong cây.
Liều dùng khuyến cáo mỗi ngày là từ 12 – 20g đối với sắc uống nước. Nếu dùng để đắp vết viêm nhiễm, lở loét ngoài da thì không cần tính đến liều lượng.
Để mang lại hiệu quả cao và phòng tránh tác dụng phụ, nên trao đổi với thầy thuốc trước khi sử dụng cây 1 lá để chữa bệnh.

Bạn nên trao đổi với bác sĩ để có được tư vấn, chỉ định phù hợp
Chúng ta đã cùng tìm hiểu công dụng cũng như các bài thuốc hay từ cây 1 lá.

Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân MEDLATEC.