Bên cạnh củ khoai, củ sắn thì củ từ là một món ăn phổ biến trong ẩm thực dân gian Việt Nam. Củ từ có vị bùi được dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon nhưng đồng thời cũng có tác dụng dược liệu phong phú nhờ những thành phần dưỡng chất quan trọng mà loại củ này tiết ra.
1. Đặc điểm của củ từ
Củ từ có tên tiếng Anh là Yams thuộc giống thực vật bắt nguồn từ châu Phi, châu Á và vùng Caribbean. Nó thường bị nhầm sang củ khoai lang nhưng củ từ nhiều tinh bột và ít ngọt hơn. Vỏ ngoài của củ từ có màu nâu nhìn trông như vỏ cây, nhiều lông cứng mọc trên bề mặt vỏ.
Củ từ là món ăn dân dã quen thuộc của nhiều gia đình Việt
Khoai từ được ví như một kho chứa dưỡng chất thu nhỏ khi nó có vô vàn các loại khoáng chất và vitamin thiết yếu rất có lợi cho sức khỏe con người. Trung bình trong một củ từ nướng nặng 136g sẽ cung cấp khoảng 158 lượng calo. 2g chất đạm, 37g carbohydrates, 0g chất béo, 5g chất xơ, vitamin (18% vitamin C, 9% vitamin B5 giá trị hàng ngày (DV)), các khoáng chất (6% Magie, 22% Mangan, 19% Kali, 23% Đồng, 11% Thiamine, 6% Folate,…).
2. Củ từ và một số công dụng hữu ích trong y học
2.1. Đặc tính chống viêm
Củ từ chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp giảm thiểu tình trạng viêm. Cần biết rằng hiện tượng viêm mạn tính có mối liên quan mật thiết với các bệnh lý khác nhau như tiểu đường, bệnh tim, béo phì. Ngoài ra ăn củ từ còn có tác dụng hạn chế các bệnh về đường ruột như viêm loét dạ dày – tá tràng, hội chứng ruột kích thích và thậm chí là ung thư ruột kết.
2.2. Củ từ bổ não
Trong củ từ có chứa hợp chất diosgenin đã được chứng minh là góp phần giúp tế bào thần kinh phát triển và tăng cường chức năng hoạt động của não. Không chỉ có vậy, hợp chất độc đáo này còn giúp cải thiện trí nhớ, nâng cao đáng kể thành tích học tập và có lợi cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
2.3. Cải thiện triệu chứng khó chịu xảy ra thời kỳ tiền mãn kinh
Một công dụng khác ít ai biết tới của củ từ đó là giúp người phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn trong thời kỳ tiền mãn kinh. Nếu nữ giới bổ sung củ từ vào chế độ ăn với khoảng 390g/ngày sẽ giúp gia tăng đáng kể nồng độ hormone estradiol và estrone trong máu. Đây là 2 hormone nội tiết quan trọng trong cơ thể phụ nữ thường sẽ giảm dần trong độ tuổi mãn kinh.
2.4. Ổn định đường huyết
Việc duy trì chế độ ăn bổ sung củ từ còn có tác dụng giảm cảm giác thèm ăn, duy trì mức cân nặng hợp lý và từ đó kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu. Đặc biệt các hoạt chất (cụ thể là chất xơ và tinh bột kháng) chứa trong củ từ còn làm giảm tốc độ hấp thụ đường của cơ thể.
Khi đi qua ruột, tinh bột kháng trong củ từ sẽ không được tiêu hóa giúp bạn nhanh có cảm giác no, không còn cảm thấy thèm ăn, đồng thời nó còn làm tăng độ nhạy insulin và ổn định đường huyết.
Củ từ có tác dụng dược liệu phong phú nhờ chứa nhiều thành phần dưỡng chất quan trọng
2.5. Củ từ có tác dụng ngăn ngừa ung thư
Như chúng ta đã biết trong củ từ rất giàu chất chống oxy hóa. Ngoài những tác dụng do chất này đem lại như đã nêu thì chúng còn có đặc tính cản trở sự phát triển của các tế bào ác tính trong cơ thể.
Cụ thể nếu xây dựng một thói quen ăn uống có sự góp mặt của củ từ sẽ giúp hạn chế sự tăng sinh của khối u trong ruột kết. Bên cạnh đó vỏ củ từ cũng tiết ra loại chất có công dụng ức chế khối u gan phát triển.
2.6. Một số ích lợi trị bệnh khác của củ từ</h3
Cải thiện hệ tiêu hóa: các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng loại tinh bột kháng có trong củ từ còn kích thích sản sinh thêm các enzyme tiêu hóa, từ đó thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn khi đi vào cơ thể, tăng số lượng và chất lượng vi khuẩn có lợi phát triển trong đường ruột;
Kiểm soát nồng độ cholesterol xấu: nếu bạn tiêu thụ khoảng 390g củ từ/ngày, duy trì trong 1 tháng có thể giúp giảm khoảng 6% hàm lượng cholesterol trong máu;
Giảm cân: nhờ công dụng tăng cảm giác no và bớt thèm ăn khi tiêu thụ củ từ mà bạn cũng có thể đạt được số cân nặng mơ ước nếu duy trì thói quen này kết hợp với chế độ tập luyện và ăn uống hợp lý;
Mangan và Kali trong khoai từ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc củng cố sự phát triển của hệ cơ xương khớp, tham gia vào quá trình trao đổi chất và bảo vệ chức năng hệ tim mạch;
Đồng là một khoáng chất rất cần thiết đối với việc hấp thụ sắt và quá trình sản xuất hồng cầu, trong khi đó vitamin C lại là một trong những chất chống oxy hóa mạnh giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Củ từ đều chứa 2 dưỡng chất quan trọng này;
Công dụng kháng khuẩn: củ từ có khả năng chống lại sự phát triển của các vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên tác dụng này vẫn đang cần được nghiên cứu thêm.
3. Một số món ăn ngon được làm từ củ từ
Củ từ thường được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn, dễ dàng thêm vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày. Bạn có thể chế biến theo kiểu luộc, nướng, rang, nướng, chiên,… làm thành món ngọt hoặc món mặn tùy theo sở thích và khẩu vị của mỗi người.
Sau đây là một số món ăn phổ biến được làm từ củ từ:
Củ từ nướng: tương tự như khoai lang nướng, củ từ có thể ăn được sau khi được nướng chín mềm;
Cử từ nghiền: bóc vỏ củ từ, luộc chín sau đó tán nhuyễn, thêm sữa tươi ăn trực tiếp hoặc thêm bột để làm bánh khoai;
Củ từ luộc: luộc củ từ tới khi chín mềm, cho vào máy để xay nhuyễn rồi nêm thêm gia vị vừa ăn;
Canh hầm củ từ: gọt vỏ củ từ, cắt miếng vừa ăn và cho vào nấu canh cùng sườn lợn, thêm gia vị.
Canh hầm củ từ có mùi vị rất hấp dẫn
Như vậy củ từ là một giống rau củ rất giàu dưỡng chất, một nguồn cung chất xơ dồi dào và cả các khoáng chất khác như đồng, sắt, Kali và mangan,… Đặc biệt trong củ từ có rất nhiều chất chống oxy hóa hỗ trợ hiệu quả cho việc điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau. Vì vậy bên cạnh các loại khoai khác như khoai lang, khoai tây, khoai sọ,… thì bạn cũng nên thử thưởng thức khoai từ và đưa loại củ này vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày nhé!
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân Melatec