Cây Sim có tên khoa học: Rhodomyrtus tomentosa, còn gọi là hồng sim, đào kim nương, cương nhẫm, dương lê; là một loài thực vật có hoa thuộc họ Myrtaceae, có nguồn gốc bản địa ở khu vực nam và đông nam Á, từ Ấn Độ về phía đông tới miền Nam Trung Quốc, Đài Loan và Philippines và về phía nam tới Malaysia và Sulawesi. Cây sim đã được sử dụng làm thuốc cổ truyền từ lâu đời ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Những người bản địa ở Malaysia sử dụng quả mọng như một phương thuốc chữa bệnh kiết lỵ và tiêu chảy. Các bộ phận của rễ và thân cây được dùng chữa bệnh dạ dày và làm thuốc đông y cho phụ nữ sau sinh. Người dân địa phương của Indonesia đã sử dụng lá sim nghiền nát để điều trị vết thương. Ở Thái Lan, sim được dùng làm thuốc hạ sốt, trị tiêu chảy và trị lỵ. Ở Trung Quốc, sim được dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Sim còn được sử dụng như một loại thuốc truyền thống để điều trị đau, ợ chua và rắn cắn ở Singapore. Trong khi đó, quả sim đã được sử dụng để điều trị tiêu chảy, kiết lỵ và tăng cường hệ miễn dịch ở Việt Nam. Ngoài việc được sử dụng trong y học dân gian, quả sim còn được dùng để làm thức uống lên men nổi tiếng có tên là “Ruột sim” tại đảo Phú Quốc.
Việc trồng sim để lấy quả và sản xuất “Ruột sim” được thực hiện ở đảo Phú Quốc và mở rộng ra nhiều tỉnh miền Nam và miền Trung nước ta. Các thành phần dinh dưỡng của quả sim bao gồm protein, axit amin, carbohydrate, lipid, vitamin và khoáng chất đã được xác định và báo cáo. Người ta phát hiện ra quả sim chứa tổng số protein là 4,00 ± 0,12%. Chúng chứa nhiều axit amin khác nhau, đặc biệt là tryptophan, tiền chất để tổng hợp serotonin.
Quả sim được phát hiện có hàm lượng chất xơ tổng số cao đáng kể 66,56 ± 2,31%. Chất xơ hòa tan chỉ chiếm 7,60% tổng hàm lượng chất xơ ăn kiêng. Hầu hết các chất xơ không hòa tan được tìm thấy trong quả sim là cellulose, chiếm khoảng 50% lượng chất xơ không hòa tan. Không giống như chất xơ, hàm lượng đường của quả sim không cao 19,96% so với các loại quả nhiệt đới khác. Bên cạnh đó, quả sim chứa hàm lượng lipid thấp 4,19 ± 0,07%.
Các axit béo phong phú nhất trong quả sim là axit linoleic và axit palmitic, lần lượt chiếm 75,36% và 10,45% tổng số axit béo. Mặt khác, việc phân tích quả sim đã cho thấy chứa các khoáng chất khác nhau với hàm lượng kali cao 221,76 mg/150g quả, canxi 73,65mg/150g quả, mangan 3,23 mg/150g quả, sắt 1,54mg/150g quả, kẽm 0,61mg/150g quả và đồng 0,40mg/150g quả. Trong khi đó, hàm lượng vitamin C của quả sim 5,62mg/150g quả thấp hơn nhiều so với các loại quả nhiệt đới khác và hàm lượng vitamin E 3,89 mg/150g quả cao hơn so với xoài và bơ. Theo Suttiwan Wunnoo và các cộng sự thuộc
Đại học Prince of Songkla, Thái Lan đã có một nghiên cứu đánh giá hoạt chất Rhodomyrtone như một loại kháng sinh tự nhiên phân lập từ chiết xuất lá sim trong điều trị mụn trứng cá. Thử nghiệm lâm sàng đối chứng mù đôi và ngẫu nhiên, 60 tình nguyện viên có mức độ mụn trứng cá nhẹ đến trung bình được phân vào hai nhóm: Rhodomyrtone và gel clindamycin. Các tình nguyện viên được hướng dẫn bôi các mẫu lên các tổn thương do mụn trứng cá trên khuôn mặt của họ hai lần mỗi ngày.
Kết quả giảm đáng kể tổng số tổn thương do mụn trứng cá được chứng minh ở cả hai nhóm điều trị từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 8 ( p<0,05). Sự khác biệt đáng kể về số lượng mụn trứng cá so với ban đầu được chứng minh ở tuần thứ 2 trở đi ( p <0,05). Vào cuối thử nghiệm lâm sàng, tổng số mụn viêm trong nhóm sử dụng hoạt chất Rhodomyrtone 1% đã giảm đáng kể 36,36%, so với 34,70% ở nhóm được điều trị bằng clindamycin ( p<0,05).
Rhodomyrtone là một hợp chất acylphloroglucinols, có đặc tính hoạt tính sinh học tuyệt vời chống lại nhiều loại vi khuẩn Gram dương. Hoạt chất này có cơ chế hoạt động mới giúp giảm thiểu xác suất kháng thuốc từ trước và cũng ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của sự đề kháng giữa các mầm bệnh. Bằng chứng cho thấy Rhodomyrtone có thể đại diện cho một giải pháp thay thế tự nhiên khả thi để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Rhodomyrtone đã được chứng minh là một loại kháng sinh có nguồn gốc tự nhiên hiệu quả để điều trị các tổn thương do mụn trứng cá, đặc biệt là các tổn thương viêm nhiễm, với hiệu quả tương đương với clindamycin. Rhodomyrtone đã được chứng minh là có hiệu quả và an toàn trong việc điều trị các tổn thương do mụn viêm. Tất cả các đối tượng nghiên cứu không có dấu hiệu kích ứng hoặc tác dụng phụ không mong muốn lâu dài. Hi vọng tương lai rhodomyrtone có thể được sử dụng như một chất thay thế để điều trị mụn trứng cá. NCV. Nguyễn Thu Trang Hoàng Cảnh