Cây phụ tử – vị thuốc hay chữa được nhiều bệnh nhưng cần thận trọng

1. Sơ lược cây phụ tử

Cây phụ tử thực chất là rễ con của cây ô đầu. Hay nói cách khác, người ta thu hoạch cây ô đầu về, lấy phần rễ con của cây đi bào chế (phơi hoặc sấy khô) thành thuốc gọi là phụ tử. Do đó, khi nói về đặc điểm của cây phụ tử tức là chúng ta sẽ bàn về những thông tin xoay quanh cây ô đầu.

Đặc điểm tự nhiên

Cây ô đầu là loài thân thảo với chiều cao từ 0,6 – 1m, mọc thẳng đứng, ít phân nhánh, thân có lông, rễ mập mạp và mang nhiều rễ con, rễ con được gọi là cây phụ tử. Lá mọc so le, mép lá có răng cưa, cả mặt trên và mặt dưới lá đều có lông. Hoa mọc ở ngọn thân thành chùm, kích thước hoa to, màu xanh đẹp mắt. Quả cây có vảy, bên trong nhiều hạt. Cây ra hoa và quả vào khoảng tháng 10 – 11.

Phụ tử | BvNTP

Cây phụ tử là phần rễ con của cây ô đầu, được thu hoạch về và bào chế làm thuốc

Phân bố sinh thái

Cây ô đầu và rễ con của cây – cây phụ tử phân bố chủ yếu ở Bắc bán cầu, Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Việt Nam, cây được trồng nhiều ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Sa Pa,… Ngoài ra, cây cũng mọc hoang rất nhiều ở các vùng thung lũng, nơi có khí hậu ẩm hoặc mát mẻ.

Bộ phận sử dụng

Rễ con của cây ô đầu – tức là cây phụ tử là bộ phận được sử dụng để làm dược liệu. Rễ dài 3,5 – 5cm, đường kính 1,5 – 2,5cm, hình dạng con quay, to ở trên và nhỏ dần xuống dưới. Rễ cứng chắc, rất khó bẻ. Tại vết cắt bẻ của rễ có vị nhạt nhưng về sau thì chát và hơi tê đầu lưỡi. Cây phụ tử được bào chế thành Diêm phụ tử, Hắc phụ tử, Bạch phụ tử. Mỗi loại sẽ có những công dụng và ứng dụng riêng.

Phụ tử và ô đầu là gì, có công dụng gì cho sức khỏe?

Hình ảnh cây phụ tử sau khi được bào chế thành thuốc chữa bệnh

Thành phần hóa học

Trong cây phụ tử có chứa các thành phần hóa học sau: Terpenoid ester alkaloid (aconitine), benzoyl aconin, aconin. Ngoài ra còn có Mesaconitin, hypaconitin, talati samin, neolin, sangorin, fuzilin, senbusin A, B, aldohypaconitin, sangoramin, beautin.

2. Tác dụng của cây phụ tử

Trong Đông y, phụ tử vị cay, ngọt, tính nhiệt và tính độc mạnh. Tác dụng chính của cây là hồi dương cứu nghịch, trục phong hàn thấp tà, thường được dùng trong những bài thuốc chữa nguy cấp, chẳng hạn như ra mồ hôi nhiều, mạch yếu hoặc không bắt được mạch, chân tay quýnh quáng,…
Trong y học hiện đại, thành phần nicotin trong cây phụ tử có tác dụng kháng viêm, giảm đau; kích thích hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương; giảm cholesterol, giảm mỡ máu, giảm xơ vữa thành mạch; hạ huyết áp. Nhưng phụ tử cũng có khả năng làm rối loạn nhịp tim, thậm chí là tim ngừng đột ngột.

Thận trọng khi dùng cây phụ tử | Vinmec

Phụ tử được dùng trong trường hợp khẩn cấp như mạch đập yếu, hạ huyết áp,…

3. Thận trọng khi sử dụng cây phụ tử

Cây phụ tử có tính độc mạnh, là thuốc độc bảng A. Còn dược liệu được bào chế từ phụ tử như Diêm phụ, Hắc phụ, Bạch phụ cũng có tính độc, là thuốc độc bảng B. Đó là lý do bạn cần thận trọng khi sử dụng vị thuốc này.
●       Tuyệt đối không dùng cây ô đầu hay phụ tử tươi vì rất độc. Chỉ nên sử dụng sau khi đã bào chế vì độc tính lúc này đã bị giảm. Cụ thể, độc tố trong phụ tử bị giảm đáng kể nếu sắc phụ tử với nước dưới lửa cao và liên tục trong 4 giờ.

●       Có thể dùng độc vị phụ tử hoặc kết hợp với các vị thuốc khác. Khi kết hợp thì nên sắc phụ tử trong 30 – 60 phút trước để làm giảm độc tính, sau đó mới cho các vị thuốc khác vào sắc cùng.
●       Các vị thuốc thường dùng kết hợp với phụ tử là can khương, bạch truật, quế nhục, cam thảo, nhân sâm và hoàng kỳ,… có tác dụng làm ấm cơ thể, hạn chế nguy cơ trúng độc.
●       Liều lượng sử dụng phụ tử khuyến cáo là 2,4 – 9g/ ngày. Người bị phong hàn nặng thì có thể dùng liều cao hơn, 15 – 30g/ ngày. Sử dụng quá liều có thể gây ngộ độc, kích thích co bóp cơ tim cực đại rồi giảm dẫn truyền điện tim dẫn đến tim ngừng đập.

●       Dấu hiệu nhận biết ngộ độc cây phụ tử là miệng tiết nước bọt nhiều, buồn nôn và nôn, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tay chân co giật, tiểu tiện không tự chủ, mạch yếu, thân nhiệt và huyết áp hạ, bất tỉnh,… Lúc này, có thể dùng đậu xanh, gừng khô và cam thảo hoặc uống thuốc Lidocaine để giải độc, tránh bị tử vong.
●       Nên sử dụng cây phụ tử ở liều lượng thấp nhất để xem phản ứng của cơ thể, sau đó mới tăng dần liều lượng. Việc này sẽ giúp phòng tránh tối đa tình trạng dị ứng, kích ứng hay nghiêm trọng hơn là ngộ độc.

●       Trước và sau khi uống thuốc từ cây phụ tử thì không nên uống rượu bia hay các thức uống có cồn để tránh kích thích và làm tổn thương hệ thần kinh trung ương.
●       Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người mắc chứng hỏa, chứng nhiệt, chứng dương, huyết dịch suy yếu và âm hư nội nhiệt tuyệt đối không dùng cây phụ tử.

Nếu không cẩn thận khi sử dụng cây phụ tử chữa bệnh, bạn có thể bị ngộ độc
Tóm lại, phụ tử là vị thuốc có độc tính nên cần thận trọng khi sử dụng. Bạn không nên tự ý dùng mà chỉ dùng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc Đông y. Điều này sẽ vừa mang lại hiệu quả chữa bệnh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro. Nếu chẳng may bị ngộ độc phụ tử thì cần sơ cứu nhanh rồi đưa nạn nhân đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Cây phụ tử - vị thuốc hay chữa được nhiều bệnh nhưng cần thận trọng

Hy vọng những chia sẻ trên giúp bạn hiểu hơn về công dụng, tác dụng phụ cũng như cách dùng cây phụ tử chữa bệnh. Mọi nhu cầu khám chữa bệnh, bạn có thể đến Hệ thống Y tế MEDLATEC để thăm khám và điều trị. MEDLATEC có hệ thống rộng khắp cả nước, mang đến nhiều sự lựa chọn cũng như đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng.